Tỉnh Yên Bái: Thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng kinh tế

Vượt qua những “rào cản” của một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, biết tận dụng và đón đầu những tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng với đó là các chính sách, cơ chế thông thoáng, tỉnh Yên Bái đã có những bước chuyển mình trong phát triển kinh tế những năm gần đây. Đặc biệt, với chủ trương thu hút đầu tư với chỉ số huy động vốn vượt kế hoạch đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp tích cực thay đổi diện mạo kinh tế địa phương, mở ra cơ hội, lợi thế thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội…

Tận dụng lợi thế, khơi dòng chảy đầu tư

Có thể nói rằng, trong những năm qua, Yên Bái đã rất chú trọng việc đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và nằm ở điểm giữa của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là cơ hội và điều kiện thuận lợi để Yên Bái phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Yên Bái còn có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch, kinh tế đồi rừng, nuôi trồng thủy sản; công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng… Đặc biệt, thực hiện chiến lược thu hút đầu tư và huy động vốn đầu tư trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đến công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động đối ngoại. Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, tài chính trong và ngoài nước và các tổ chức lớn khác để cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ chế, chính sách, danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm vào địa bàn tỉnh.

Dự án Vincom Shophouse Yên Bái.

Cùng với đó, Yên Bái đã chỉ đạo giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát, bổ sung và ban hành mới nhiều cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều chính sách được ban hành đã tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Những nỗ lực không ngừng ấy của tỉnh đã mang lại hình ảnh đẹp trong con mắt những nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, được các tổ chức tài chính đánh giá cao, thể hiện qua chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế.

Hướng đến phát triển toàn diện và bền vững

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, đồng thời với việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, phát huy những tiềm năng lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế – xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Theo đó, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công gắn với việc huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án, công trình, thực hiện bố trí vốn theo hướng đầu tư tập trung cho một số công trình thiết yếu nhằm phát huy ngay hiệu quả sau đầu tư, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, NGO; kết hợp thực hiện phân cấp, thay đổi phương thức đầu tư, khuyến khích, thu hút đầu tư, nhờ đó đảm bảo được nguồn vốn đầu tư cho các dự án then chốt, quyết định đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: Đường tránh ngập thành phố Yên Bái nối thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Đường Hoàng Thi; hệ thống giao thông nông thôn; Bệnh viện Đa khoa 500 giường; Trường Cao đẳng Nghề; Trường chuyên Nguyễn Tất Thành, hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú…

Điểm nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2011 – 2015, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách phát triển các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển văn hóa- xã hội; tài nguyên môi trường; quốc phòng an ninh… Trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND về khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ (thay thế Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư theo Quyết định số 1322/2007/QĐ-UBND).

Dự án Khu Trung tâm Thương mại, Khách sạn Hoa Sen Yên Bái do Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái làm chủ đầu tư, được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,5 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển văn hóa – xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững; trở thành tỉnh phát triển trong vùng Tây Bắc. Tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ tới như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2016 – 2020 là 7%; Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2020: Nông lâm nghiệp 18,6% – Công nghiệp Xây dựng 32,8% – Dịch vụ 48,6%; Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2020 là 42 triệu đồng; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 là 3.000 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm 2016 – 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 3,5%; Tỷ lệ che phủ của rừng từ năm 2020 ổn định 63%.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung thực hiện một số chương trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó tập trung xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững; tập trung vào phát triển một số mặt hàng chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Xác định công nghiệp là khâu đột phá, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản với các công nghệ tiên tiến. Phát huy lợi thế đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, có tiềm năng để đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là đầu tư các dịch vụ ở trung tâm thành phố Yên Bái: các khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm…; các dịch vụ du lịch hồ Thác Bà, du lịch đầm Vân Hội; các tua du lịch phía Tây để khai thác tốt các tiềm năng về du lịch như: Mường Lò, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Suối Giàng,… Tiếp tục đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển kinh tế – xã hội vùng cao (huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và huyện mới tách ra từ huyện Văn Chấn).

Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng lao động tại địa phương và đủ điều kiện cho xuất khẩu, là khâu đột phá để phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức… Và trên cơ sở đó, đồng thời tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tin tưởng rằng trong tương lai tỉnh Yên Bái sẽ phát triển toàn diện và bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển trong vùng Tây Bắc.

Đắc Nguyên – Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thu-hut-dau-tu-tao-da-tang-truong-kinh-te/