Tình trạng nghiện Internet - game online trong giới trẻ: Nhìn nhận thực trạng và đi tìm giải pháp

Ngày nay, Internet được sử dụng như một công cụ đắc lực phục vụ cho việc học hành, nghiên cứu, làm việc và giải trí... Trong đó, game online là một trong những hình thức giải trí được giới trẻ yêu thích. Bên cạnh những tác động tích cực, tình trạng nghiện internet - game online (I-G) đang trở thành vấn đề bức xúc của gia đình, nhà trường và xã hội.

Đó cũng chính là lý do mà Báo Đồng Nai phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai tổ chức hội thảo “Nghiện internet - game online: thực trạng và giải pháp” vào sáng ngày 6-8. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Trường TH, THCS, THPT Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa). Bệnh của thời hiện đại Theo anh Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng (Bệnh viện tâm thần trung ương 2), thời gian gần đây, không ít phụ huynh đưa con đến bệnh viện để được điều trị do rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi, mà nguyên nhân xuất phát từ việc nghiện I-G. Những em này thường có triệu chứng hung hăng, thờ ơ với những hoạt động xung quanh, mất cảm xúc, mất ngủ, hay mệt mỏi, căng thẳng, sống thu mình, ít tiếp xúc với người xung quanh và có những khó khăn trong học tập... Có em cho biết đã chơi game online 3-4 năm và mức độ nghiện khá nặng. Có những em trốn học, ngồi cả ngày ở điểm internet. Để có tiền chơi game, có em không ngần ngại nói dối và lấy cắp tiền của gia đình... Không chỉ rối loạn về hành vi và sức khỏe tâm thần, tai hại hơn khi có những em gái bị rối loạn giới tính - hậu quả của việc sắm vai nhân vật quá lâu, nên thích có những biểu hiện anh hùng. Em H.A. (ở TP. Biên Hòa) được cha mẹ đưa đến tư vấn với lý do hay bỏ học, tụ tập đánh nhau, ăn mặc như con trai và rất đỗi ngỗ nghịch. H.A. làm quen với internet từ năm lớp 10 và ngồi 4-5 giờ/ngày. Em thường cùng bạn bè trên mạng rủ nhau bỏ nhà, bỏ học đi chơi, đầu tóc thì cắt ngắn và xưng hô như những cặp tình nhân. Giải pháp nào cho tình trạng nghiện I-G? Với thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em, vị thành niên, thanh niên nghiện I-G, ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân, gia đình và xã hội, tại hội thảo này, những nhà nghiên cứu khoa học, bác sĩ tâm lý và lãnh đạo các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề này. Về mặt sức khỏe tâm thần, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai, xác định: “Nghiện I-G là một loại bệnh tâm thần. Cai nghiện I-G cần phải có thời gian và quy trình. Điều trị nghiện I-G là tập trung vào sự sử dụng internet có điều độ và có kiểm soát của bệnh nhân. Một số cách trị nghiện internet đã được thực hiện, như: “kiếm” việc cho người nghiện làm để họ không có nhiều thời gian dành cho I-G, hoặc có thể để họ lên mạng nhưng phải xác định khoảng thời gian và có hệ thống báo hiệu nhắc nhở, giúp họ ngừng sử dụng máy vi tính. Nếu biện pháp hạn chế không thực hiện được thì buộc người bệnh phải dừng tất cả hoạt động liên quan đến việc sử dụng I-G; hướng dẫn bệnh nhân lập một danh sách các hoạt động thường ngày đã bị bệnh nhân quên lãng do nghiện I-G, giúp bệnh nhân nhận thức lại và kích thích lại những hoạt động hữu ích trước đây...”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh lại nhìn nhận: “Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến khía cạnh tiêu cực của I-G, mà hãy tìm cách khai thác khía cạnh tích cực của nó. Bởi khai thác I-G cũng xuất phát từ khao khát của con người trong việc tìm kiếm thông tin, giải trí, tìm kiếm sự giao tiếp khác ngoài giao tiếp trực tiếp, để được bộc lộ chính kiến, cá tính, được thẳng thắn tranh luận trên mạng và phần nào rèn luyện kỹ năng tính toán, quan sát, suy luận khi khai thác I-G... Đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Thấy được cả hai mặt của vấn đề sẽ tránh được tình trạng nhà quản lý cứ chạy theo giải quyết hậu quả, còn gia đình thì quá lo lắng hay quá lơ là... Vấn đề quan trọng là làm sao phát huy được mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của I-G”. Còn ý kiến của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.Hồ Chí Minh lại cho rằng: “Sử dụng I-G có thể có vai trò “tích cực” trong nhất thời cho cá nhân người trẻ và gia đình. Nhưng từ chỗ sử dụng đến lạm dụng, lệ thuộc và liều lượng gia tăng thì nghiện I-G trở thành một thói quen, lúc đó tác động tiêu cực của nó sẽ được phát huy. Chính vì thế, cần có những cách tiếp cận đa chiều, đa bình diện, cả trong việc tìm hiểu và đánh giá người nghiện lẫn trong quá trình chăm sóc và trị liệu”. Tại cuộc hội thảo, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Nguyễn Thị Huệ cho rằng, đây là lần đầu tiên ở Đồng Nai tổ chức được một hội nghị bàn về vấn đề nghiện I-G. Theo bà Huệ, hiện tại ở Đồng Nai chưa có điều tra, khảo sát nào để biết rõ cụ thể số người nghiện I-G để từ đó có những giải pháp một cách cụ thể, thiết thực. Bà cho rằng, ngành GD-ĐT, Hội Tâm lý giáo dục Đồng Nai có thể nghiên cứu, đăng ký đề tài khoa học này để triển khai. Khi đó, các đơn vị sẽ có điều kiện đi sâu tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và đề ra những hướng giải quyết phù hợp, thỏa đáng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh: Qua những lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nghe một số phản ánh về vấn đế này, chủ yếu là ý kiến của các phụ huynh về việc đề nghị cần hạn chế những điểm dịch vụ I-G ở gần trường học, cũng như việc khống chế thời gian chơi game. Nghiện I-G là một hiện tượng đáng lo ngại trong giới trẻ. Tại hội nghị này, các nhà khoa học đã thảo luận, đưa ra những giải pháp về mặt sinh học, tâm lý rất thú vị, nhưng theo tôi cũng cần có những giải pháp từ phía các cơ quan quản lý về vấn đề này. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ có những tác động đến các ngành, các cấp để có những giải pháp về mặt xã hội, để cùng phối hợp đồng bộ trong việc hạn chế tình trạng nghiện I-G trong giới trẻ. Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT: Hiện nay, ngành GD-ĐT chưa thống kê được liệu trong số học sinh yêu kém, bỏ học có bao nhiêu trường hợp do ảnh hưởng của nghiện I-G. Chúng tôi chỉ biết rằng đây là một vấn đề mà gia đình, nhà trường và xã hội đang rất bận tâm. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc khảo sát nắm rõ tình hình, cũng như có hướng giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề này. Chúng tôi cũng hy vọng khi Thông tư liên tịch số 60 về quản lý hoạt động trò chơi trực tuyến được chỉnh sửa, bổ sung thì hiệu quả của việc ngăn ngừa tình trạng lạm dụng I-G sẽ cao hơn. Ông Đinh Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT Trường TH, THCS,THPT Đinh Tiên Hoàng: Không thể phủ nhận có tình trạng học sinh ở các trường phổ thông đi sớm về muộn vì tranh thủ ghé tiệm internet để chơi game, chat... Ngay tại trường, đối với những em vắng mặt không rõ lý do, chúng tôi phải gọi điện về nhà để báo với cha mẹ các em biết. Thực tế, có tình trạng học sinh được cha mẹ đưa đến cổng trường nhưng không vào lớp mà trốn đi chơi I-G. Chúng tôi đã đề nghị phụ huynh quản lý lộ trình đến trường của con mình, quản lý các hoạt động ngoài giờ của các em để ngăn chặn tình trạng các em mải mê ở tiệm I-G, nhưng có phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm. Nghiện game online đang trở thành nỗi bức xúc của các trường phổ thông khi mà đã có tình trạng học sinh có biểu hiện lơ là việc học...

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=354618&co_id=30361