Tính toán lại kịch bản để có thêm nguồn lực phục hồi tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại và đang có những diễn biến phức tạp, cần tính toán lại kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Nguồn:Tổng cục Thống kê - Đồ họa: DUNG HÀ

Theo đó, khi tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo ở mức rất thấp, Chính phủ cần xem xét có thể phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, chỉ tiêu bội chi ngân sách, chỉ tiêu trần nợ công… để có thêm điều kiện huy động nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, ông dự báo như thế nào về những tác động, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai đến nền kinh tế?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Những tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và trong trạng thái bất định, bất ổn, do đó khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại dự báo sẽ làm gia tăng những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, cũng như có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên tôi cho rằng, chúng ta có thể có những lạc quan tương đối, bởi Việt Nam đã có những thành tích và kinh nghiệm kiểm soát tốt dịch bệnh trong suốt thời gian vừa qua. Do đó, chúng ta có quyền kỳ vọng rằng, nếu Chính phủ tiếp tục triển khai nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch như đã từng làm trong giai đoạn trước, thì nền kinh tế sẽ có điều kiện để tiếp tục quá trình phục hồi, nhất là đối với những ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề nhất của đại dịch như hàng không, du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn, thương mại...

Ông Nguyễn Đình Cung

Mặc dù vậy, tôi cũng muốn lưu ý, cho đến nay, các dự báo đang liên tục thay đổi, và quan điểm cá nhân tôi cho rằng, xét về tổng thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể thấp kỷ lục trong 35 năm đổi mới, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* PV: Như vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, song song với việc cần tiếp tục triển khai tốt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch, đâu là những giải pháp trọng tâm cần thực hiện để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Hiện nay, “cỗ xe tam mã” giúp phục hồi nền kinh tế do dịch Covid-19 được xác định bao gồm đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng. Do đó, cần phải xác định đâu là những điểm nghẽn trong 3 “cỗ xe” này để tháo gỡ. Đặc biệt nhất là vấn đề đầu tư công, hiện giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã có những chuyển biến tích cực hơn nếu so với nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt của năm nay, đầu tư công phải “gánh” trọng trách quan trọng là động lực chính để duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, thì vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cần phải “thúc” nhanh, mạnh hơn nữa, để phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay cũng là lúc đòi hỏi cần những cải cách thể chế một cách thực sự đột phá, không thể duy trì mãi thực trạng gọi nôm na là “làm theo quy định, tiến theo quy trình” được. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) mới được tự do làm gì, còn làm như thế nào lại chưa được tự do hoàn toàn, bởi vẫn bị ràng buộc bởi quá nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, cần thực hiện cải cách một cách mạnh mẽ, gỡ bỏ bớt rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhất là tạo điều kiện cho những mô hình kinh doanh mới, ngành nghề mới xuất hiện trong giai đoạn dịch Covid-19 có thể phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đóng góp vào việc khôi phục, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, tôi cho rằng, những bất cập trong một số chính sách hỗ trợ DN đã ban hành thời gian qua cần phải sớm được khắc phục, sửa đổi. Đơn cử, như quy định về hỗ trợ DN vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ngừng việc, có quy định DN phải đạt một tỷ lệ nhất định về số lượng nhân viên phải nghỉ việc. Tôi cho rằng, quy định về điều kiện hỗ trợ như vậy là không hợp lý, không thực tế. Bởi, vô hình chung có thể tạo ra hiện tượng DN sẽ sa thải nhân viên nhiều hơn để đạt được “tiêu chuẩn” vay vốn, và do đó lại đi ngược lại với chủ trương khuyến khích DN cố gắng giữ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh… Những bất cập như vậy cần phải được sửa đổi ngay để DN thực sự được “chạm” tới các chính sách hỗ trợ, từ đó mới có thêm lực để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

* PV: Bên cạnh những giải pháp trọng tâm trên, theo ông, trong tình hình mới hiện nay, Chính phủ có cần “tung” thêm các gói hỗ trợ nữa hay không?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát trong những tháng đầu năm nay, Chính phủ đã rất kịp thời thiết kế, đưa ra các chính sách hỗ trợ như gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ cơ bản cũng khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại và đang có những diễn biến rất phức tạp, tôi cho rằng một số chính sách hỗ trợ nên được gia hạn. Ví dụ như, các chính sách về tài khóa có thể xem xét gia hạn, kéo dài thêm thời gian giãn, hoãn thuế..., hay đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội, có thể thay đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế của DN, người dân trong bối cảnh hiện nay…

Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý, nếu để tăng thêm chính sách thì hiện nay dư địa chính sách không còn nhiều, nguồn lực ngân sách là hữu hạn, nên chúng ta phải có những tính toán lại, tính toán từ kịch bản tăng trưởng GDP đến một số chỉ tiêu được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế như thu ngân sách, bội chi và nợ công. Hiện nay, cân đối thu chi ngân sách đang được tính toán dựa trên dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,8%, song rõ ràng, kịch bản tăng trưởng GDP năm nay không thể đạt được mức đó, thậm chí có thể chỉ đạt ở mức rất thấp khoảng 2%, từ đó, nguồn thu ngân sách bị hạn hẹp, trong khi chi ngân sách tăng lên do phát sinh các chi phí phục vụ phòng chống dịch bệnh. Do đó, để có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ cần xem xét có thể phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách, thay đổi chỉ tiêu trần nợ công… để có thêm điều kiện huy động nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế và tôi cho rằng, chúng ta phải xem xét ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ đến cuối năm.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Cần “thúc” giải ngân vốn đầu tư công

Hiện giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã có những chuyển biến tích cực hơn so với nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt của năm nay, đầu tư công phải “gánh” trọng trách quan trọng là động lực chính để duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, thì vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cần phải “thúc” nhanh, mạnh hơn nữa, để phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.

Diệu Thiện (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-05/tinh-toan-lai-kich-ban-de-co-them-nguon-luc-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te-90510.aspx