Tinh thần đổi mới trong nhà trường ngày càng hiệu quả và tích cực hơn

Năm học 2022 - 2023, năm đầu tiên giáo dục trung học triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với cấp THPT, là năm thứ hai đối với cấp THCS. Bên cạnh những kết quả đạt được cho thấy sự nỗ lực thì thực tiễn triển khai trong năm học cũng cho thấy còn những tồn tại, khó khăn cần khắc phục đối với giáo dục trung học trong năm học mới.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ với bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT. Ảnh: VA

PV: Hiện nay, chương trình GDPT 2018 đã được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả các cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường. Sau thời gian thực hiện, đồng chí có thể đánh giá sơ bộ về kết quả việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới này?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Trong thời gian vừa qua như chúng ta được biết, Chương trình GDPT 2018 là một sự cụ thể hóa của đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 Quốc hội. Trong đó, thiết kế chương trình này theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh từ nội dung đến những yêu cầu về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, trong quá trình triển khai chương trình thời gian qua cho đến nay thì đã được lớp 1, lớp 2, lớp 3 đối với cấp tiểu học, THCS là lớp 6, lớp 7 và THPT lớp 10. Năm học 2023 - 2024 sẽ tiếp tục thực hiện đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Để thực hiện việc đổi mới giáo dục, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT chủ yếu tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, làm sao để người giáo viên đóng đúng vai trò là người tổ chức kiểm tra và định hướng hoạt động học của người học, thì qua quá trình triển khai hơn nửa chặng đường vừa qua, theo dõi các cơ sở giáo dục phổ thông, rồi các nhà trường báo cáo hằng năm, chúng tôi thấy kết quả nổi bật thấy được, đó là tinh thần của sự đổi mới phương pháp dạy học trong các giờ học nhà trường.

Các nhà trường đã tự chủ xây dựng được kế hoạch giáo dục, trong đó mặt được là phân phối chương trình các môn học theo yêu cầu đảm bảo sự phù hợp với đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất của nhà trường. Tiếp đó là tổ chức việc dạy học trong từng môn học sao cho giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập nhiều hơn trong từng giờ học.

Quan trọng hơn là thấy học sinh hào hứng hơn, tích cực hơn, chủ động hơn trong việc khai thác sách giáo khoa. Sự chủ động ấy cho tôi thấy một không khí với cách làm như thế cứ tiếp tục thì chắc chắn những học sinh được học theo phương pháp này không chỉ nắm vững về mặt kiến thức, kỹ năng mà qua đó đảm bảo chắc chắn là sẽ phát triển năng lực của mình.

Như chúng ta đã biết, làm cái gì thì phát triển cái đấy, đọc sẽ phát triển năng lực đọc, làm thí nghiệm, thực hành, khi học sẽ phát triển năng lực thực hành rồi vận dụng những kiến thức ấy, giải quyết những vấn đề trong học tập cũng như trong cuộc sống thì dần dần các em sẽ được phát triển năng lực, phát hiện, giải quyết vấn đề và nhiều kỹ năng khác. Đó là tinh thần đổi mới giáo dục. Với những tinh thần như thế, chúng tôi cũng rất là mong là chặng đường tiếp theo sẽ giúp cho không khí, tinh thần đổi mới trong nhà trường ngày càng hiệu quả và tích cực hơn.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu, nguyện vọng của học sinh ở mỗi cơ sở giáo dục là một điều khó khăn. Ảnh: VA

PV: Triển khai chương trình mới ở lớp 10 - lớp đầu tiên của giai đoạn định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn môn học và chuyên đề học tập đã gặp thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Chương trình 2018 được thiết kế hai giai đoạn theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Giai đoạn cơ bản là từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh được trang bị những kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng để làm căn cứ cơ sở quan trọng trong việc là định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn tiếp theo đối với cấp THPT là 3 lớp, 10, 11, 12 giờ thuộc vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Đây là định hướng thôi cho nên chương trình đã thiết kế có các môn học bắt buộc và hoạt động giáo dục bắt buộc, trong đó các em sẽ được chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Việc lựa chọn này để giúp cho các em hứng thú với môn học có năng lực, sở trường, với mong muốn sau này tiếp tục định hướng nghề nghiệp theo lĩnh vực gắn với môn học đó. Như vậy, ưu điểm đầu tiên phải nói đó là số môn học đáng lẽ học cả 9 thì bây giờ chỉ còn 4 lựa chọn đấy, tức là số môn học cũng được giảm đi để cho các em tập trung vào hướng mà thấy mình có năng lực, sở trường, có hứng thú và mong muốn sau này tiếp tục đi lên theo hướng đó.

Tuy nhiên, là giai đoạn đầu mới thực hiện thì cũng có những khó khăn. Cái khó khăn đầu tiên, một bên là đội ngũ giáo viên các môn học và cơ sở vật chất của các nhà trường, một bên là nhu cầu của người học, nó rất là động. Cho nên việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu, nguyện vọng của học sinh ở mỗi cơ sở giáo dục là một điều khó khăn. Vì vậy, chúng ta mới phải có định hướng, tư vấn để nhận ra là mình có năng lực, sở trường nào. Khó khăn này thì trong năm học vừa qua, hầu hết các trường phổ thông ban đầu thực hiện rất khó khăn. Cũng nhiều ý kiến trao đổi trên các diễn đàn, hội thảo thì cũng nhiều ý kiến nêu ra. Thế nhưng sau đó khi bắt tay thực hiện các nhà trường cũng đã tìm được giải pháp để làm sao với đội ngũ nhân lực của mình thì đáp ứng tối đa nguyện vọng học sinh, tuy không thể đáp ứng hết được. Việc xây dựng các nhóm môn để cho học sinh lựa chọn đã được các nhà trường dần quen, vượt qua được bỡ ngỡ bước đầu. Ngay trong quá trình triển khai, rút kinh nghiệm từ thực tế diễn ra, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản hướng dẫn các nhà trường tổ chức các lớp học sao cho linh hoạt hơn. Chẳng hạn khi tổ chức lớp học không phải 100% học sinh lớp 10A phải học cùng nhau tất cả 4 môn lựa chọn, mà có thể một số em chỉ học 3 môn cùng lớp. Môn thứ 4 có thể được học cùng lớp khác. Như thế sẽ đảm bảo ngày càng là đáp ứng được nhiều hơn nguyện vọng của học sinh khi lựa chọn các môn học.

PV: Thực tiễn khi triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật ở cấp THPT. Bộ GD&ĐT có hướng gì để giải quyết bài toán này, thưa đồng chí?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Trước hết phải nói là, việc thiếu giáo viên thì ngay cả khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì việc thiếu giáo viên vẫn cứ diễn ra lâu nay. Tất nhiên, việc thiếu này thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chỉ tiêu biên chế. Còn nguyên nhân nữa là Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn giáo viên cao hơn. Bởi vậy việc bố trí giáo viên, tuyển giáo viên ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Rồi một vài môn đặc thù như môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật, thậm chí cả môn Ngoại ngữ, Tin học lại thiếu nguồn tuyển.

Bộ GD&ĐT cũng đã có nắm bắt được kịp thời, cũng lắng nghe ý kiến của các địa phương. Vì vậy, về phía Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ để có thể tăng thêm chỉ tiêu biên chế, bổ sung thêm để cho các địa phương có đủ chỉ tiêu tuyển dụng.

Đối với việc thiếu nguồn tuyển, nếu mà tuyển dụng theo đúng yêu cầu chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục 2019 thì lại chưa đủ, cho nên Bộ GD&ĐT cũng đang báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội đồng ý cho một số địa phương với các môn đặc thù có thể tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên, nhưng với điều kiện là khi được tuyển dụng vào rồi thì sẽ cam kết đào tạo bổ sung để đảm bảo thực hiện đúng chuẩn theo lộ trình của Nghị quyết, của Nghị định 71 hướng dẫn Luật Giáo dục 2019. Đấy là những giải pháp mang tính vĩ mô.

Thế nhưng quan trọng muốn tuyển đủ giáo viên theo yêu cầu của các cấp học thì địa phương phải quan tâm, hết sức nỗ lực. Khi đã có chỉ tiêu biên chế rồi, đã được tháo gỡ về nguồn tuyển thì nhanh chóng làm thủ tục, quy trình thực hiện đúng quy định sao cho đảm bảo vừa gọn nhẹ, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để từ đó tuyển được đội ngũ giáo viên kịp thời, bổ sung cho các lớp học mà hiện nay còn đang thiếu hụt, đang gặp khó khăn.

Năm học 2023 - 2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa: ĐT

PV: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh năm học 2023 - 2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, đồng chí có lưu ý gì đến các trường học khi năm học này, bắt đầu triển khai chương trình mới các lớp 4, 8, và 11?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Đúng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nói năm học này là năm bứt tốc, đây đúng là một năm giữa của chu trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Năm học này triển khai chương trình mới các lớp 4, 8 và 11. Năm học sau là với lớp 5, 9 và 12 được xem là về đích, là đủ 12 lớp sẽ thực hiện Chương trình GDPT mới 2018. Trước sự bất tốc này phải được thể hiện mấy việc mà chúng tôi mong muốn các nhà trường phải tập trung cao hơn, làm sâu hơn về mặt chuyên môn hiệu quả hơn.

Thứ nhất, chúng ta đã hiểu Chương trình đã thực hiện được 2 năm với THCS và nếu tiểu học là 3 năm rồi. Như vậy đã hiểu được sâu hơn về chương trình rồi, đã giao cho nhà trường quyền chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (việc xếp thời khóa biểu) rồi. Chúng tôi mong muốn sự bứt tốc này phải được thể hiện qua sự quản lý chương trình của các nhà trường. Các thầy cô hiệu trưởng phải chỉ đạo được việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường sao cho phù hợp hơn nữa đối với đội ngũ giáo viên, cũng như cơ sở vật chất của trường mình, đặc biệt là phân công giáo viên dạy các môn học mới như môn khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương phải bảo đảm, làm tiền đề cho các năm học tiếp theo.

Thứ hai, đối với đội ngũ giáo viên thì các thầy, các cô đã đổi mới phương pháp dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài dạy đang dần đi vào thực chất, cơ bản khắc phục được những tồn tại (kế hoạch bài dạy dài, không rõ mục tiêu, nội dung, sản phẩm của các hoạt động học), đã cơ bản bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học.

Chương trình GDPT mới đã được triển khai 3 năm cấp Tiểu học, 2 năm cấp THCS, 1 năm cấp THPT. Như vậy tất cả 3 cấp học đều đã triển khai, các thầy cô tích lũy kinh nghiệm. Do vậy mong muốn các thầy cô tập trung hơn nữa cho việc xây dựng kế hoạch bài dạy. Trong quá trình dạy học, giáo viên là người tổ chức, định hướng, kiểm tra; học sinh là chủ thể thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua khai thác nội dung sách giáo khoa, sử dụng thiết bị dạy học, học liệu để chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng, qua đó phát triển năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình.

Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh đảm bảo quy định.

Thứ ba, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đánh giá thường xuyên hay định kỳ đối với từng môn học, hoạt động giáo dục thì các thầy cô cố gắng tập trung làm sao đó đánh giá đúng theo yêu cầu cần đạt của chương trình, “thoát ly” được sách giáo khoa, xem sách giáo khoa chỉ là “nguyên liệu” để giúp học sinh phát triển các năng lực, giúp học sinh được tiếp cận với những tình huống mới hơn, từ tình huống mới đó học sinh vận dụng được kiến thức học để giải quyết thì mới gọi là phát triển năng lực. Có như vậy mới thực hiện hiệu quả, đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội là thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

Đổi mới để xây dựng thành công mô hình xã hội học tập trên cả nước

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/giao-duc/tinh-than-doi-moi-trong-nha-truong-ngay-cang-hieu-qua-va-tich-cuc-hon-648110.html