Tính phương án cưỡng chế GPMB cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Tại huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk, có hơn 92ha đất của 212 hộ dân ở các xã Cư Pui và Cư Drăm thuộc diện buộc thu hồi để xây dựng Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đến thời điểm này, trên 95% diện tích đã được các hộ bàn giao và nhận hỗ trợ, chỉ còn 25 hộ chưa chấp thuận phương án di dời và bàn giao mặt bằng.

Chính quyền địa phương đang lên phương án cưỡng chế nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Gia đình anh Sùng Mý Hòa, thôn Cư Dhiắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có gần 2.000 m2 đất và một ngôi nhà gỗ khoảng 100 m2 trong diện buộc di dời bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng đường cao tốc. Anh cho biết, tổng số tiền gia đình được nhận hỗ trợ là hơn 216 triệu đồng. Anh cho rằng số tiền này chưa thỏa đáng, vì so với việc di dời ngôi nhà gỗ và bàn giao gần 2 sào đất là không tương xứng.

13 hộ dân ở thôn Cư Dhiắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông chưa chấp thuận phương án hỗ trợ di dời, dù đất làm nhà là đất lấm chiếm đất rừng.

“Bên UBND xã giải thích là đất nhà mình lấn chiếm, không được đền bù, chỉ có hỗ trợ di dời thôi, nhưng hỗ trợ ít quá. Một mét vuông được hỗ trợ 18.000 đồng. Tiền hỗ trợ di dời ngôi nhà không đủ, phải thuê người tháo cả ngôi nhà đi cơ mà, đâu mà làm được”, anh Sùng Mý Hòa nói.

Ông Trần Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk thông tin, toàn xã có trên 47ha đất của 137 hộ dân thuộc diện buộc thu hồi giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng đường cao tốc. Đến thời điểm này, đã có 112 hộ nhận hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, còn 13 hộ có nhà ở và 12 hộ khác có đất sản xuất, chưa chấp nhận bàn giao. Hiện chính quyền địa phương, các hội đoàn thể xã vẫn tích cực tuyên truyền, thuyết phục: “Còn 12 hộ không liên quan đến việc di dời nhà ở thì UBND xã đang tiếp tục xuống vận động thì nhiều hộ đồng lòng rồi. Chúng tôi cũng đang tiếp tục xuống vận động tiếp thì số còn lại lại cũng đã có chiều hướng chấp thuận nhận tiền bàn giao mặt bằng. Riêng 13 hộ có nhà ở phải di dời thì họ chưa đồng ý vì cho rằng mức hỗ trợ di dời còn thấp”.

Các gia đình thường kê khai việc khai hoang đất những năm trước 2000 để nhận đền bù cao, trong khi bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ kiểm kê không trùng khớp.

Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có chiều dài 16,2km, thuộc hai xã Cư Pui và Cư Drăm. Tổng diện tích đất phải thu hồi gần 170ha.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, toàn bộ diện tích đất của người dân thuộc diện phải thu hồi là đất rừng bị lấm chiếm. Theo quy định, diện tích đất rừng này không được bồi thường, chỉ được hỗ trợ và mức hỗ trợ phụ thuộc vào thời điểm lấn chiếm. Các hộ thường kê khai năm lấn chiếm trước năm 2000 để làm căn cứ nhận hỗ trợ mức cao hơn. Vướng mắc xuất hiện khi thông tin kê khai lệch với tình trạng rừng được cơ quan chức năng ghi nhận qua từng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp khẳng định, UBND huyện sẽ tiếp tục vận động lần cuối và sẽ cưỡng chế nếu những hộ này không chấp thuận phương án di dời, giao mặt bằng: "Qua công tác vận động tuyên truyền, đã có rất nhiều hộ dân hiểu và đồng thuận phương án nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Còn lại trên 10 hộ chưa đồng thuận, UBND huyện sẽ tiếp tục tổ chức đoàn vận động lần cuối cùng. Quan điểm của chúng tôi là để bà con thống nhất bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án. Trường hợp những hộ dân sau khi đã nghe vận động, giải thích, tuyên truyền và đã hiểu rồi mà cố tình không chấp hành, thì lúc ấy mới thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.

Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nối 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa có chiều dài 117,5km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 6/2023 và đang được gấp rút xây dựng. Ngoài vướng mắc giải phóng mặt bằng, các mỏ vật liệu, bãi đổ thải của dự án cũng chưa được xác định cụ thể.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tinh-phuong-an-cuong-che-gpmb-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-post1088220.vov