Tình nguyện trên xe lăn

TP - Sau cơn bạo bệnh, cô gái bình thường trở thành người khuyết tật, sống chung bên chiếc xe lăn, nhưng không buồn bởi hoàn cảnh, Phạm Thị Ngát (sinh năm 1987) vẫn vươn lên, truyền năng lượng sống tới bạn bè đồng cảnh ngộ và những mảnh đời khốn khó bằng những hoạt động thiện nguyện cùng CLB Vòng tay thân ái. Lớp học văn hóa dành cho trẻ em khiếm thị do Ngát mở tại Thái Bình. Ảnh: Minh Gia.

Lớp học văn hóa dành cho trẻ em khiếm thị do Ngát mở tại Thái Bình. Ảnh: Minh Gia.

Tình nguyện trên xe lăn đầy nhiệt huyết, Ngát là một trong 10 cá nhân xuất sắc được trao tặng Giải thưởng tình nguyện Quốc gia.

Đam mê

Phạm Thị Ngát.

Mọi hoạt động đều diễn ra trên xe lăn, sinh hoạt còn khó khăn, tại sao Ngát lại đi làm tình nguyện?

“Tôi thích công việc tình nguyện bởi tôi hiểu, những người khuyết tật thường không thiếu vắng tiếng cười, tôi muốn chia sẻ yêu thương, truyền niềm tin cho họ. Mỗi người đều có những điều không may mắn khác nhau, và khi họ có người ở bên, được chia sẻ chính là lúc họ vững tin hơn vào cuộc sống phía trước”.

Phạm Thị Ngát

Tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Bình trong gia đình thuần nông có 3 chị em, tôi là con gái thứ hai. Khi sinh ra tôi khỏe mạnh bình thường nhưng sau cơn bạo bệnh lúc hơn 1 tuổi tôi bị yếu dần đi. Cùng với hai lần tai nạn gẫy chân khiến tôi mất hoàn toàn khả năng đi lại. Khi đi làm tình nguyện, tôi không nghĩ nhiều đến lý do vì sao. Gặp những người có hoàn cảnh khó khăn tôi luôn thấy có sự đồng cảm và muốn làm gì đó giúp họ. Dù sinh hoạt của tôi còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, tôi tham gia các hoạt động tình nguyện thường xuyên. Tôi may mắn được mọi người ủng hộ, thành viên CLB Vòng tay thân ái chính là điểm tựa, cho tôi động lực để đi cùng những hoạt động thiện nguyện đến lúc này.

Bạn chia sẻ rằng bị cuốn vào công việc tình nguyện và có đam mê đặc biệt với những hoạt động này?

Tôi có duyên với tình nguyện, phải nói rằng duyên rất đậm. Tôi tham gia hoạt động cùng CLB Vòng tay thân ái từ năm 2008, khi CLB mới thành lập, rồi tôi bị cuốn theo đam mê. Tôi thấy khó khăn của mình chẳng là gì so với những mảnh đời, số phận ở ngoài xã hội, có nhiều người bị bệnh hiểm nghèo, nhiều em nhỏ khát khao đến trường, phải bỏ học vì nhà nghèo khó. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn cảm ơn vì đã may mắn gặp những người bạn đồng hành cùng đi trên con đường tình nguyện, công việc mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc.

Truyền niềm tin, năng lượng sống

Bạn được đánh giá cao bởi có nhiều sáng kiến và đột phá trong hoạt động tình nguyện dù gặp nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt? Đột phá đó là gì?

Tôi luôn nỗ lực hết mình vì công việc thiện nguyện và gắn kết các CLB, tổ chức, nhóm, hội cùng phối hợp.

Tôi đã đứng ra mở lớp dạy học văn hóa, trang bị kỹ năng hòa nhập cuộc sống cho trẻ em trong Hội Người mù tỉnh Thái. Lớp học duy trì đều đặn 3 buổi mỗi tuần. Hiện tại tôi đang có dự án mở thư viện miễn phí cho những độc giả tại nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với văn hóa đọc. Hy vọng dự án sẽ thành công và mang sách đến với những người yêu sách.

Điều bạn cảm thấy vui nhất khi hoạt động tình nguyện là gì?

Tôi thích công việc tình nguyện bởi tôi hiểu, những người khuyết tật thường không thiếu vắng tiếng cười, tôi muốn chia sẻ yêu thương, truyền thêm năng lượng cho họ. Bởi bạn chỉ cần nắm tay họ. Cho thấy họ thấy bạn yêu đời, yêu người như thế nào là đã truyền năng lượng sống và niềm tin cho họ. Mỗi người đều có những điều không may mắn khác nhau, khi họ có người ở bên, được chia sẻ chính là lúc họ vững tin hơn vào cuộc sống phía trước.

Giải thưởng tình nguyện quốc gia là một vinh dự lớn đối với tôi, cho tôi thêm động lực để tiếp tục đồng hành với người khuyết tật, những mảnh ghép không lành lặn của cuộc sống luôn cần sự hỗ trợ của tình nguyện viên.

Cảm ơn bạn!

Phạm Thị Ngát là chủ nhiệm CLB “Vòng tay thân ái” Thái Bình. Qua 6 năm hoạt động, CLB đã có nhiều hoạt động hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, những bệnh nhân điều trị tại cách bệnh viện... CLB thường tổ chức các chương trình gây quỹ thường niên như bán nước, bán hoa trong các dịp lễ, kỷ niệm, thu gom phế liệu tại các khu ký túc xá, xóm trọ sinh viên để có thêm khoản thu lâu dài. Ngát vừa được vinh danh là 1 trong 5 tình nguyện viên xuất sắc nhận Giải thưởng Chim én năm 2013.

Hải Yến
thực hiện

Nguồn Tiền Phong: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/665866/tinh-nguyen-tren-xe-lan-tpp.html