Tỉnh nào từng là kinh đô của 3 triều đại phong kiến đầu tiên ở nước ta?

Với vị trí địa lý đặc biệt, tỉnh này được chọn làm kinh đô của 3/4 triều đại phong kiến đầu tiên ở nước ta.

1. Tỉnh nào từng là kinh đô của 3 triều đại phong kiến đầu tiên ở nước ta?

Thanh Hóa
Nghệ An
Ninh Bình
Phú Thọ

Chính xác

Hoa Lư được chọn làm kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 968. Ngày nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư nằm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.

Dù chỉ làm kinh đô của nước ta trong thời gian khá ngắn, nhưng nơi này ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với 3 triều đại liên tiếp là Đinh, Tiền Lê và nhà Lý.

Hoa Lư được miêu tả: “Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được”.

2. Vị vua nhà Lý nào quyết định dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long?

Vua Lý Thái Tổ
Vua Lý Thái Tông
Vua Lý Thánh Tông
Vua Lý Nhân Tông

Chính xác

Sau khi lên ngôi vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô về Thăng Long. Thời nhà Đinh và Tiền Lê, các vua phải đề phòng các thế lực cát cứ và giặc ngoại xâm, vì vậy kinh đô Hoa Lư với địa thế hiểm trở sẽ giúp bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, đến thời nhà Lý, nhu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế khiến triều đình quyết định dời kinh đô tới nơi thuận lợi cho giao thương, sản xuất.

Theo Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ cho rằng việc dời đô là “mưu nghiệp lớn”, “làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”. Đồng thời, vua nhận xét đất Đại La là thắng địa, có thể đặt kinh đô ngàn năm.

3. UNESCO công nhận di tích Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm nào?

2004
2008
2010
2014

Chính xác

Năm 2014, di tích Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trước đó, Cố đô Hoa Lư cũng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện tại, cứ đến tháng 3 âm lịch hằng năm, khách du lịch lại tìm tới Ninh Bình để tham dự Lễ hội truyền thống Hoa Lư, nhằm tưởng nhớ các đời vua đã có công xây dựng đế đô, giúp người Việt dựng nước.

4. Tỉnh nào có diện tích lớn nhất Việt Nam, từng 2 lần được chọn làm kinh đô?

Thanh Hóa
Nghệ An
Bình Định
Thừa Thiên Huế

Chính xác

Nghệ An là tỉnh lớn nhất Việt Nam với diện tích 16.490km2. Trong lịch sử, Nghệ An nổi tiếng là nơi sinh ra nhiều vị tướng giỏi, giúp vua dựng nước. Đồng thời, Nghệ An cũng 2 lần được chọn làm kinh đô nước Việt dưới thời vua Mai Hắc Đế và Hoàng đế Quang Trung.

5. Hoàng đế Quang Trung đặt tên cho kinh đô tại Nghệ An là gì?

Tây Đô
Bắc Thành
Phượng Hoàng Trung Đô
Tống Bình

Chính xác

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do Hoàng đế Quang Trung xây dựng cạnh dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay thuộc thành phố Vinh, Nghệ An.

Kinh thành được xây dựng năm 1788, thay thế cho kinh đô Phú Xuân. Tên gọi Phượng Hoàng xuất phát từ loài chim quý trong truyền thuyết, từ "Trung Đô" hàm ý là nơi trung tâm của đất trời. Đây cũng là nơi Hoàng đế Quang Trung tập hợp hàng vạn binh mã để tiến ra Bắc, đánh tan quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm 1789.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-la-kinh-do-cua-3-trieu-dai-phong-kien-dau-tien-o-nuoc-ta-2157197.html