Tỉnh nào có diện tích rừng lớn nhất cả nước?

Đây là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Tỉnh này sở hữu diện tích rừng lớn nhất Việt Nam với hơn 1 triệu ha.

1. Tỉnh nào có diện tích rừng lớn nhất cả nước?

Thanh Hóa
Nghệ An
Quảng Bình
Gia Lai

Chính xác

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối năm 2022, Nghệ An dẫn đầu cả nước với hơn 1 triệu ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 789.000 ha, còn lại là rừng trồng.

Khoảng 10.289 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, Nghệ An cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp biến lợi thế về diện tích rừng trở thành động lực phát triển kinh tế, đồng thời vẫn bảo vệ môi trường tự nhiên.

2. Tỉnh này sở hữu vườn quốc gia nào?

Vườn quốc gia Bạch Mã
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Pù Mát
Vườn quốc gia Tràm Chim

Chính xác

Dù sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, Nghệ An chỉ có duy nhất vườn quốc gia Pù Mát, trong khi nhiều tỉnh với diện tích rừng nhỏ hơn lại có nhiều rừng quốc gia.

Theo tiếng đồng bào dân tộc, Pù Mát có nghĩa là đỉnh núi cao. Năm 2001, Pù Mát được chuyển hạng từ Khu bảo tồn Thiên nhiên thành Vườn quốc gia.

Hiện Vườn quốc gia Pù Mát được xem là vùng lõi của một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận năm 2007. Pù Mát có diện tích 94.804ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn.

3. Ngoài khai thác gỗ, Nghệ An còn có ngành kinh tế dựa trên loại cây nào?

Cây đước
Cây chè
Cây sâm
Thảo quả

Chính xác

Nghệ An có diện tích trồng chè đạt 8.000 ha, chủ yếu thuộc 6 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Tương Dương. Cây chè đã trở thành sản phẩm chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ gia đình các huyện miền núi của tỉnh.

Ngoài ra, Nghệ An còn sở hữu nhiều cây chè cổ thụ tồn tại hàng trăm năm. Một số chuyên gia cho rằng, người Pháp đã mang giống chè cổ thụ này tới và trồng chúng ở những địa phương gần biên giới Lào như xã Mường Lống, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

4. Khu rừng bần ngập mặn nổi tiếng của tỉnh Nghệ An được hình thành do con sông nào đổ ra biển?

Sông Dinh
Sông Chu
Sông Lam
Sông Cấm

Chính xác

Sông Lam ở Nghệ An đổ ra biển Đông tại Cửa Hội. Vị trí đặc biệt này đã tạo nên hệ sinh thái rừng bần ngập mặn với diện tích gần 60ha, dài hơn 4km, kéo dài từ xã Hưng Hòa, TP Vinh tới chân cầu Cửa Hội.

Theo khảo sát, ngoài cây bần, khu rừng còn có 9 loài cây ngập mặn khác như: ô rô, ráng, sú, lác... phân bố ở cửa sông, trên bãi ngập cao và vùng bãi cát. Động vật có 63 loài bao gồm: 3 loài thú, 31 loài chim, 10 loài bò sát, 14 loài cá... Trong đó, 8 loài quý hiếm bao gồm rái cá, bồ nông chân xám, quạ khoang, bói cá lớn, rắn ráo, rắn hổ trâu, cạp nong, hổ mang…

5. Rừng săng lẻ tại Nghệ An thuộc địa phận huyện nào?

Quỳnh Lưu
Tương Dương
Diễn Châu
Nghi Lộc

Chính xác

Săng lẻ, tên khoa học Lagerstroemia tomentosa, là loại cây thân gỗ cao khoảng 30-40m, đường kính thân dao động 40-80cm. Nhiều cây săng lẻ lâu năm có thể lớn đến mức 2-3 người ôm không xuể.

Rừng săng lẻ nằm ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương có diện tích 70ha, được chính quyền tỉnh Nghệ An và người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt.

Hiện rừng được phát triển thành khu du lịch, cắm trại, kết hợp với một số địa điểm thu hút du khách khác như rừng nguyên sinh Tam Hợp, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, hệ thống hang động ở các xã Hữu Khuông, Yên Thắng, Tam Đình.

Lam Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-co-dien-tich-rung-lon-nhat-ca-nuoc-2171133.html