Tình hình COVID-19: Hơn 102 triệu người khỏi bệnh

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Klinikum Rechts der Isar ở Munich, Đức - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 27/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 126.683.142 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.778.889 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 102.150.061 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 561.142 ca tử vong trong tổng số 30.853.032 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 307.326 ca tử vong trong số 12.407.323 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 161.275 ca tử vong trong số 11.908.373 bệnh nhân.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong ngày 26/3. Không có ca tử vong hay nghi nhiễm nào được thông báo cùng ngày. Tính đến hết ngày 26/3, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 90.159 ca nhiễm, trong đó 4.636 ca tử vong.

Hàn Quốc ngày 27/3 ghi nhận thêm 505 ca nhiễm mới, trong đó 490 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 101.275 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 19/2 vừa qua, làm tăng quan ngại về một làn sóng lây nhiễm vào mùa xuân này khi người dân đi ra ngoài nhiều hơn trong bối cảnh thời tiết ấm áp. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có thêm 5 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.721 người.

Tại châu Âu, do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở Pháp, ngày 26/3, Chính phủ liên bang Đức đã phải coi quốc gia láng giềng này là Khu vực có chỉ số lây nhiễm cao, bắt buộc mọi trường hợp từ Pháp nhập cảnh Đức phải có kết quả âm tính với COVID-19.

Trong khi đó, Berlin đã đưa bang Tirol (Áo) cũng như CH Czech và Slovakia ra khỏi danh sách các khu vực biến thể bùng phát, đồng nghĩa với việc phần lớn các hạn chế với người nhập cảnh Đức từ những nơi này sẽ được dỡ bỏ.

Tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 ở Pháp trong vài tuần qua ngày càng nghiêm trọng, giới chức nước này ghi nhận mỗi ngày có tới 30.000 ca nhiễm mới, trong khi các bệnh viện ở nhiều khu vực hầu như quá tải.

Do số ca nhiễm mới trung bình 7 trong ngày vượt ngưỡng 300 ca/100.000 người, cao hơn mức giới hạn mà Đức đặt ra là 200 ca/100.000 người, nên Đức đã xếp Pháp vào danh sách Khu vực chỉ số lây nhiễm cao. Trong khi đó, cơ quan y tế Đức ngày 26/3 ghi nhận có thêm 21.942 ca nhiễm mới và 186 ca tử vong.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) ngày 26/3 cho biết Ethiopia đã ghi nhận số ca nhiễm mới hàng tuần cao nhất ở "Lục địa Đen" với 11.898 ca. Đây là tuần thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Phi này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới hằng tuần cao nhất tại châu lục này. Trong tuần trước đó, Ethiopia đã ghi nhận 9.329 ca mắc mới, cũng là con số cao nhất trong cùng thời điểm ở châu Phi.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Ethiopia, với số ca nhiễm mới cao kỷ lục này đã nâng tổng số ca bệnh ở Ethiopia lên 194.524 ca, tính đến sáng 26/3. Hiện Ethiopia xếp thứ 5 trong số 10 quốc gia châu Phi ghi nhận số ca bệnh cao nhất châu lục, xếp sau các nước gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ai Cập.

Theo CDC châu Phi, tính đến ngày 26/3, toàn châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 4.154.938 người mắc COVID-19 và 111.318 ca tử vong. Trong đó, khu vực Nam Phi là nơi có số ca mắc cũng như số ca tử vong cao nhất châu lục, tiếp theo là khu vực Bắc Phi.

Về vấn đề phát triển vắcxin ngừa COVID-19, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng vắcxin của công ty BioNTech sản xuất tại nhà máy mới ở TP Marburg, thuộc bang Hessen của Đức, nơi dự kiến có khả năng sản xuất tới 250 triệu liều vắcxin cho tới giữa năm nay.

Khi toàn bộ nhà máy được hoàn thiện, năng lực sản xuất mỗi năm sẽ lên tới 1 tỉ liều và đây là một trong số cơ sở sản xuất vắcxin theo công nghệ mRNA lớn nhất thế giới. Dự kiến, trong vài ngày tới, vắcxin của hãng BioNTech tại nhà máy Marburg sẽ được vận chuyển tới Bỉ để đóng lon.

Ngày 26/3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể được lưu trữ ở nhiệt độ tủ đông bình thường trong thời gian ngắn, thay vì trữ trong kho siêu lạnh.

Trong tuyên bố, EMA nêu rõ việc điều chỉnh quy định về nhiệt độ bảo quản vắcxin sẽ giúp tăng tốc độ triển khai các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 đang bị đình trệ ở châu Âu do vấn đề nguồn cung và công tác hậu cần.

Theo đó, cơ quan trên đã cho phép vận chuyển và lưu trữ các lọ vắcxin Pfizer/BioNTech ở nhiệt độ tủ đông bảo quản dược phẩm tiêu chuẩn, từ -25 đến -15 độ C, trong hai tuần. Tuyên bố nhấn mạnh đây là một giải pháp thay thế cho việc lưu trữ dài ngày vắcxin Pfizer/BioNTech ở nhiệt độ từ -90 đến -60 độ C trong tủ đông chuyên dụng.

Một nghiên cứu của Anh do Đại học Sheffield và Đại học Oxford đứng đầu cho thấy 99% số người sau khi được tiêm một mũi vắcxin Pfizer/BioNTech đã có phản ứng miễn dịch mạnh chống lại COVID-19.

Dẫn nghiên cứu, phóng viên TTXVN tại London cho biết thực hiện nghiên cứu mang tên Miễn dịch bảo vệ từ tế bào T đối với COVID-19 từ ngày 9/12/2020 đến ngày 9/2/2021, các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học Sheffield, Đại học Oxford, Đại học Liverpool, Đại học Newcastle và Đại học Birmingham đã phân tích mẫu máu của 237 nhân viên y tế để tìm hiểu phản ứng tế bào T và kháng thể của những người này sau khi tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Ngoài việc phát hiện thấy 99% số người có kháng thể miễn dịch sau khi được tiêm một liều vắcxin, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy rằng những người chưa từng bị nhiễm COVID-19 nếu được tiêm 2 liều vắcxin thì có phản ứng tế bào T mạnh như những người đã từng nhiễm bệnh và được tiêm một liều vắcxin.

Ở những người trước đây đã nhiễm COVID-19 và được tiêm một liều vắcxin, kháng thể cao hơn 6,8 lần và phản ứng tế bào T cao hơn 5,9 lần so với ở những người được tiêm một liều vắcxin nhưng trước đó chưa từng bị nhiễm COVID-19.

Kết quả này gợi ý rằng tiêm một liều vắcxin Pfizer/BioNTech giúp chống lại nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng, nhưng tiêm đủ hai liều sẽ tạo ra mức độ bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chưa xác định được phản ứng tế bào T và kháng thể tồn tại được bao lâu sau khi tiêm chủng.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 26/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến Peru có thêm 1,8 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong năm 2020, qua đó tỉ lệ nghèo đói tại quốc gia Nam Mỹ này vào năm ngoái đã lên tới 27,5% dân số, tăng gần 6% so với năm 2019.

IMF đánh giá tác động của dịch COVID-19 lên đời sống xã hội của người dân Peru có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu chính phủ nước này không thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những người thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Trong những tháng đầu năm 2021, Chính phủ Peru đã thực hiện khoản hỗ trợ trị giá 600 sol (khoảng 167 USD) dành cho người dân nghèo tại 10 tỉnh hiện đang phải đối mặt với tình trạng báo động gây ra từ đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại nước này.

Tuy nhiên, IMF cho rằng biện pháp cụ thể này sẽ chỉ giúp giảm khoảng 0,7% tỉ lệ nghèo đói hiện tại. Thiết chế tiền tệ này cũng nhấn mạnh, nếu không có những khoản hỗ trợ lớn hơn, hàng triệu hộ gia đình Peru sẽ tái nghèo.

IMF lưu ý Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 trên phương diện mất việc làm và thu nhập, trong đó phụ nữ và người lao động phi chính thức bị tác động nặng nề nhất.

Mặc dù nền kinh tế Peru dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, song IMF dự báo tỉ lệ nghèo đói tại nước này khó có thể giảm mạnh. Tổ chức tín dụng này nhận định Peru sẽ phải đưa ra các khoản hỗ trợ tương đương 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có thể giảm tỉ lệ đói nghèo thêm 3,6%.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253796/tinh-hinh-covid-19--hon-102-trieu-nguoi-khoi-benh.html