Tình hình Biển Đông: Vì đâu Trung Quốc nghĩ mình thống lĩnh Biển Đông?

Tình hình Biển Đông ngày 15/10: Giám đốc Chương trình Đông Á thuộc Viện Lowy, Tiến sĩ Merriden Varrall cho rằng xung đột trên Biển Đông sẽ không mang lại kết quả gì nếu thế giới vẫn ép Trung Quốc nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm của mình.

Trang tin News.com.au cho hay phát biểu tại Hội thảo ASEAN năm 2016, bà Varrall nhấn mạnh có 4 lý do chính khiến Trung Quốc quyết tâm theo đuổi giành quyền lực và mục tiêu này còn sâu xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở nguồn lợi tài nguyên và tài chính.

Trung Quốc nghĩ mình có quyền lịch sử

Theo bà Varrall, trước hết, Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy của quốc gia này chỉ đơn thuần là "sự quay lại của trật tự tự nhiên" nói cách khác là số phận hay vận mệnh. Quan điểm này ăn sâu vào cả lực lượng quan chức hàng đầu Trung Quốc bao gồm nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cho tới dân thường.

Mỹ phản ứng ngày càng gay gắt sẽ chỉ kích động thêm sự hung hăng của Trung Quốc.

"Theo thế giới quan của Trung Quốc, họ xem mình là người đóng vai trò lớn trong quyền lực toàn cầu, kiến tạo hòa bình và cần được tôn trọng. Họ tin rằng vấn đề chỉ còn là thời gian khi nào họ lại quay lại giữ vai trò này", bà Varrall chia sẻ.

Cũng theo bà Varrall, khi bà tới Trung Quốc cách đây vài năm, bà đã nhìn thấy một người dân nước này đi đôi giày in dòng chữ "quần đảo Điếu Ngư là của người dân Trung Quốc". Theo bà Varrall, đây chính là quan điểm phổ biến trong suy nghĩ của người Trung Quốc và nó đã tạo nên cơn sóng chủ nghĩa dân tộc ăn sâu trong tiềm thức của họ. Trên thực tế, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông hiện vẫn là điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Nói cách khác, Trung Quốc muốn toàn thế giới coi họ là nhà lãnh đạo toàn cầu. Tham vọng này lớn tới mức Bắc Kinh từ chối lùi bước và bằng bất cứ giá nào cũng phải giành được mục tiêu đã đề ra.

Trung Quốc xem mình là "anh lớn" ở châu Á

Trung Quốc tự xem mình là "anh lớn" trong các tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Trong khi phương Tây cho rằng các nước trên thế giới đều có quyền bình đẳng thì Trung Quốc lại coi mình là "lão trượng".

"Một khi họ coi mình là anh lớn, là trung tâm của vấn đề, họ sẽ xem mình có trách nhiệm bảo vệ và giám sát những nước khác. Đổi lại các nước phải chiều lòng và tôn trọng họ", bà Varrall nhấn mạnh.

Đây là lý do giải thích tại sao Trung Quốc quyết liệt phản đối sự can thiệp của nước ngoài trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Và Bắc Kinh cho rằng các nước trong khu vực cần phải tỏ ra "tôn trọng" họ.

Điển hình, hồi năm 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mô tả quốc gia này và các nước láng giềng trên Biển Đông là "một đại gia đình".

"Trung Quốc và các nước ASEAN là những láng giềng sát gần nhau và giống như một đại gia đình. Mối quan hệ này trở nên thân thiết là bởi Trung Quốc luôn theo đuổi phương châm láng giềng tốt và chính sách đối ngoại thân thiện đồng thời sẵn sàng là láng giềng, là bạn và là đối tác tốt với ASEAN. Ngoài ra, nền tảng chính sách đối ngoại của Trung Quốc nằm ở các nước đang phát triển. Dù trong tương lai Trung Quốc có hùng mạnh và phát triển đến đâu, Trung Quốc vẫn sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của các nước đang phát triển bao gồm các nước trong khối ASEAN", ông Vương nhấn mạnh.

Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ thực hiện tuần tra trên Biển Đông.

Trung Quốc xem mình là nạn nhân

Theo Tiến sĩ Varrall, Trung Quốc tự xem mình là một nạn nhân của thế giới tượng tự như trong Cuộc chiến thuốc phiện những năm 1800. Đây là thời kỳ đen tối với quốc gia này, do đó chính phủ Trung Quốc đã luôn tâm niệm sẽ không để tái diễn trong tương lai.

"Đó là một cú sốc lớn đối với người dân Trung Quốc. Họ từng nghĩ Trung Quốc là trung tâm của thế giới, là đỉnh cao của văn minh nhân loại. Nhưng cuối cùng họ lại bị chính những quốc gia vô danh mà trước đó từng phải nạp cống phẩm cho họ, xâu xé. Điều này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng tâm lý lớn", bà Varrall nhận định.

Đây là lý do chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh họ cần phải trở nên mạnh mẽ và đoàn kết hơn để chống lại mọi sự can thiệp đến từ nước ngoài dù là lớn hay nhỏ.

Trung Quốc xem mình không bành trướng

Trên hết, Trung Quốc coi Mỹ và Nhật Bản mới là những nước gây rối và bành trướng chứ không phải là Bắc Kinh.

Trong năm 2014, ông Tập Cận Bình từng mô tả đất nước Trung Quốc như là "một quốc gia yêu chuộng hòa bình". Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định quốc gia này có lịch sử 5.000 năm "yêu quý hòa bình".

"Việc theo đuổi hòa bình, hữu nghị và hòa hợp là một phần trong tính cách con người Trung Quốc và ăn sâu trong dòng máu người dân. Việc theo đuổi phát triển hòa bình đại diện cho truyền thống văn hóa yêu chuộng hòa bình của dân tộc Trung Hoa trong hàng ngàn năm qua, một truyền thống mà chúng tôi được kế thừa và phát huy", ông Tập nói.

Quan điểm này đã trở nên phổ biến trong xã hội Trung Quốc và ăn sâu vào tiềm thức không chỉ giới lãnh đạo mà ngay cả những người công nhân lao động tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo bà Varrall, những phản ứng ngày càng gay gắt của Mỹ sẽ chỉ kích động thêm sự hung hăng của Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh coi hành động của Mỹ và các đồng minh là một phần trong kế hoạch kiềm chế Trung Quốc trở thành một cường quốc.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tinh-hinh-bien-dong-vi-dau-trung-quoc-nghi-minh-thong-linh-bien-dong-post211289.info