Tình báo Lithuania: Với những lợi thế này, chiến dịch của Nga ở Ukraine có thể dài thêm ít nhất 2 năm nữa

Các yếu tố như giá dầu tăng cao, lách trừng phạt và đầu tư nhà nước đang mang đến cho Nga các nguồn lực đủ để tiếp tục chiến dịch ở Ukraine với cường độ hiện tại trong ít nhất 2 năm nữa.

Binh sĩ Nga tham gia duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow vào ngày 9/5/2023. (Nguồn: Anadolu)

Trên đây là nhận định của tình báo Lithuania, gồm Cục An ninh Phản gián nhà nước và Cơ quan An ninh thuộc Bộ Quốc phòng, đưa ra trong báo cáo thường niên đánh giá về các mối đe dọa mà quốc gia Baltic này đang phải đối mặt.

Reuters dẫn thông tin trong báo cáo nêu rõ, năm 2023, Moscow đã cải tổ và tăng cường quân đội cũng như đang trên đà mở rộng các năng lực quân sự dọc theo biên giới của Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm cả ngay sát Phần Lan, thành viên mới của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Hôm 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serrgey Shoigu cũng cho biết, Nga đã tăng cường các lực lượng quân sự ở Bắc và Đông Nga nhằm đáp trả việc tăng cường các lực lượng NATO ở biên giới với Nga.

Các cơ quan an ninh Lithuania cho rằng, Nga có thể đánh giá các bài học kinh nghiệm thu được trong hai năm xung đột vừa qua và cải thiện hiệu quả chiến đấu của mình.

Theo báo cáo, Nga đang cố né các lệnh trừng phạt áp đặt lên ngành công nghiệp quốc phòng nước này sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong khi đó, Iran và Triều Tiên công khai cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, thì Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vi mạch lớn nhất và đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chính cho các giao dịch quốc tế của Moscow.

Tình báo Lithuania cũng nhận định, kể từ khi triển khai đầu đạn quân sự ở Belarus năm 2023, Nga đã không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng để sử dụng ở quốc gia đồng minh này.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vừa bước sang năm thứ ba, với việc Moscow không có dấu hiệu giảm bớt áp lực dọc mặt trận, trong khi Kiev đang rơi vào tình thế ngày càng bấp bênh do thiếu khí tài cũng như sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ.

Lithuania là quốc gia láng giềng của cả Nga và Belarus, từng chịu ảnh hưởng từ Moscow nhưng hiện là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU). Nước này cùng nhiều đồng minh ở Baltic lo ngại xung đột ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến các quốc gia xung quanh.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-bao-lithuania-voi-nhung-loi-the-nay-chien-dich-cua-nga-o-ukraine-co-the-dai-them-it-nhat-2-nam-nua-263276.html