Tin mới nhận

Khai mạc triển lãm giao thương Hàn Quốc

Sáng 30-11, tại Khách sạn Lotte Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hanoi) đã khai mạc triển lãm giao thương Hàn Quốc 2016. Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dự. Đây là sự kiện giao thương Hàn Quốc tại Việt Nam lớn nhất trong năm, thu hút 70 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, 65 doanh nghiệp khu vực ASEAN và 350 đơn vị trong nước với tư cách khách mời giao thương. Các sản phẩm của Hàn Quốc được trưng bày và giới thiệu đều là những mặt hàng ưa chuộng, bao gồm mỹ phẩm, đồ trang sức, thời trang; đồ gia dụng, bếp; thực phẩm, đồ uống; thiết bị LED, nguyên liệu phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp nhẹ... Trong khuôn khổ hội chợ, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam giới thiệu chính sách thu hút đầu tư, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam; tổ chức hội thảo "Hệ thống bán lẻ Việt Nam: kênh phân phối và cách thức tiếp cận”; lễ hội mua sắm trực tuyến sản phẩm Hàn Quốc với nhiều ưu đãi, kéo dài từ nay đến ngày 3-12.

Trao giải phương án quy hoạch làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng

Ngày 30-11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức trao giải cuộc thi ý tưởng quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Các phương án quy hoạch đồng bộ, từ hệ thống giao thông nội bộ làng nghề, hạ tầng dịch vụ du lịch, bố trí các công trình dịch vụ, cho đến cải tạo, chỉnh trang kiến trúc hay xử lý rác thải... Kết quả, hội đồng thi tuyển đã trao giải nhất dự án bảo tồn làng nghề Vạn Phúc cho Công ty Arep Ville, giải nhất dự án bảo tồn, phát triển làng nghề Bát Tràng cho Liên danh Nikken Sekkei Civil Engineeting Ltd (Nhật Bản) và Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng. Từ các phương án này, Hà Nội sẽ lập quy hoạch chi tiết, phấn đấu đến năm 2019-2020, Bát Tràng và Vạn Phúc sẽ trở thành hai làng nghề phát triển du lịch kiểu mẫu của thành phố.

Phấn đấu thu hơn 3.500 tỷ đồng từ đấu giá đất

UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, thành phố giao các đơn vị tổ chức thực hiện hoàn thành vượt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2016 (kế hoạch là 3.050 tỷ đồng), phấn đấu thu hơn 3.500 tỷ đồng. Kiểm tra, rà soát các dự án, xác định cụ thể các khu đất đủ điều kiện để tổ chức đấu giá; thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình đấu giá, đôn đốc thu tiền sử dụng đất theo quy định. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho UBND cấp huyện trong công tác đấu giá đất; giao các địa phương chủ động lập kế hoạch sử dụng đất, tổ chức đấu giá đối với các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt có diện tích dưới 5 m2. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành kế hoạch sử dụng đất năm 2017, trong đó phải thể hiện nội dung quỹ đất để tổ chức đấu giá trình UBND thành phố phê duyệt.

Đề xuất nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Ngày 30-11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an TP Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tổ chức Hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nâng số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tiến hành thu hồi phương tiện xe máy không bảo đảm theo tiêu chuẩn. Giảm dần tiến tới dừng cấp phép sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe ô-tô, xe máy tại khu vực nội đô. Thí điểm hạn chế hoạt động của ô-tô, xe máy tại các tuyến đường, khu vực có phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động tốt…

Thí điểm phương án giao thông khi tuyến buýt nhanh hoạt động

Để chuẩn bị chạy thử tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa trong tháng 12, Sở Giao thông vận tải thí điểm phương án tổ chức, điều hành giao thông trên các tuyến đường có BRT hoạt động. Theo phương án này, trên đoạn tuyến từ Ba La tới nút giao Giảng Võ - Cát Linh sẽ phân làn cho xe buýt đi riêng bằng vạch sơn liền kết hợp cắm đinh phản quang báo hiệu. Các đoạn tuyến: Ba La - Yên Nghĩa và Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ do mặt đường nhỏ, cho nên sẽ tổ chức cho lưu thông hỗn hợp xe buýt cùng các phương tiện khác. Sở tạm thời đóng một số điểm quay đầu trên tuyến để bảo đảm linh hoạt trong tổ chức giao thông sau này. Riêng điểm quay đầu trước cổng triển lãm Giảng Võ (cũ) sẽ đóng cố định chờ điều chỉnh phù hợp. Việc thi công cầu đi bộ và lối đi tiếp cận nhà chờ xe buýt khu vực này vẫn thực hiện bình thường… Phương án tổ chức giao thông sẽ tiếp tục được đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế khi tuyến buýt đi vào hoạt động.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31431002-tin-moi-nhan.html