Tin mình giỏi là cần, nhưng chưa đủ

Hệ thống giáo dục Mỹ đang tạo ra những chàng trai cô gái bơi lội giỏi và đầy tự tin diễn thuyết trước công chúng, nhưng về kiến thức toán học và khoa học nói chung thì kém hơn nhiều so với các nước phát triển khác.

Theo bảng xếp hạng giáo dục quốc tế mới nhất của OECD, trẻ em Mỹ được đánh giá trung bình lúc đọc sách, dưới trung bình về khoa học tự nhiên nói chung và lại càng kém hơn về toán học: chỉ xếp hạng thứ 27 trên tổng số 34 quốc gia phát triển. Các trắc nghiệm cho thấy trẻ em 15 tuổi ở bang Massachusetts, nơi môi trường giáo dục được đánh giá tốt hơn hầu hết các bang khác của nước Mỹ, bị tụt hậu rất xa so với nhóm đối chứng tại Thượng Hải về toán học. Khoảng cách đó có thể mất tới 2 năm học tập thường xuyên mới bắt kịp.

Và đó không phải là vì thiếu đầu tư. Tiền đầu tư cho giáo dục của Mỹ vào loại “khủng”, bình quân đứng trong top 5 các nước phát triển OECD. Mức độ bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục của trẻ em Mỹ cũng ở mức trung bình trong khối OECD.

Theo tờ The Economist, có vẻ như nguyên nhân chính nằm ở chỗ tham vọng trở nên xuất sắc về trí tuệ của trẻ em Mỹ không cao như tham vọng trở thành các ngôi sao thể thao hay giải trí. Đáng ngạc nhiên là bọn trẻ Mỹ bản ngữ cũng khá vất vả với các bài học ngữ pháp tiếng Anh không khó đối với những học sinh nước ngoài. Lại nữa, trong một nghiên cứu liên quan đến 8 quốc gia OECD, trẻ em Mỹ cho rằng chúng rất giỏi toán, nhưng thực tế trình độ lại dưới mức trung bình khá xa – như đã nêu trên. Ngược lại, trẻ em Hàn Quốc cho là mình kém cỏi hơn ở môn toán so với trẻ em của bất kỳ quốc gia nào khác trong khối này, nhưng thực tế chúng lại là giỏi nhất.

Có vẻ như ở Mỹ, nhiệm vụ xây dựng lòng tự tin cá nhân - dù là hết sức quan trọng đi nữa –chưa tương thích với việc xây dựng những cơ sở vững chắc cho niềm tin ấy. Hơn thế, theo tác giả bài báo trên tờ The Economist số ra gần đây, chưa có những căn cứ xác thực chứng minh mối liên hệ nhân - quả giữa tự tin cá nhân với những thành công trong cuộc sống. Tự tin là tốt, nhưng đánh giá quá cao giá trị bản thân một cách thiếu cơ sở thì cũng tai hại không kém.

Bài báo này khép lại với một hình ảnh khá thú vị: Nếu các huấn luyện viên quá chú trọng vào việc làm cho bọn trẻ tin rằng chúng có thể bơi tốt mà coi nhẹ việc thực sự giúp chúng có kỹ năng bơi tốt, thì nguy cơ bị đuối nước vẫn luôn rình rập đâu đó.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tin-minh-gioi-la-can-nhung-chua-du.aspx