Tìm về với biển

Những khi khó khăn tôi thường tìm về với biển, để bắt đầu câu chuyện đại loại nào đó, hay ngồi hát vu vơ bên chiều đầy sóng.

Minh họa: MD

Cuộc sống là một guồng quay không đoán định, ta cứ mải miết đi, để tìm thứ gì đó - thứ gì đó mông lung lắm, đến cuối đời hỏi lại mình cũng không chắc đã tìm thấy thứ ta muốn. Nhưng cứ thế, guồng quay ấy không chừa một ai, sao ta cứ mở mắt là hối hả?

Biết thế, nhưng sao ta vẫn muốn ghi, muốn ghì lại tháng ngày tươi đẹp trót trôi qua đời mình. Cái nắm tay áo trắng vụt mất như mây bay ngang đầu, nụ cười thiếu nữ hoen buồn dưới bờ mi cong, nụ hôn lẩn khuất màu hoa phượng và giật mình vỡ nát theo tiếng ve đánh dấu sự trưởng thành bất đắc dĩ của hoa niên thơ mộng.

Chiều xưa, tôi đã ngồi bên biển, ôm đàn và hát. Hát cho dại khờ tuổi đôi mươi, hát cho vài lần vấp váp mắt lưng tròng chực khóc giữa phố phường hoa lệ, và khóc cho chúng mình với ước mơ trong trẻo sắt son đá vàng,...

Tôi hát những lời mộc lòng tôi, giọng quặn thắt, ngập ngừng cũng như lòng biển bày mình lăn theo con sóng, để rơi vào vô định, ngu ngơ.

Có nhiều đêm, tôi và biển thức cùng nhau. Sợ đêm sẽ mang thứ gì đó đi mất, có thể nỗi cô đơn hay cơn gió mồ côi lúc lỡ đường, sà vào lòng tôi trú ngụ qua sự truy đuổi của những ngọn gió bầy đàn vồ vập phía sau lưng.

Tôi và biển nâng niu những vệt nhớ mông lung chưa muốn tắt, chúng tôi muốn vệt nhớ ấy ở lại thêm chút nữa, ít thôi, trước lúc từ biệt nhau. Tôi cùng biển ngồi nghe thương nhớ nói chuyện, chia sẻ chút hoang mang cùng nó, và cũng cho nó gói ghém vài cơn đau vừa tỉnh dậy của mình, kiểm đếm lại mắt môi ai đã vô tình vương lại, nhịp tim ai đã đập thay tôi quãng đường nào và buông tay nhau ở quãng tuổi nào,...

Chỉ có biển mới có thể trò chuyện cùng tôi, hiểu và âu yếm tôi. Không một ai khác. Chúng tôi đã ngồi tư lự như thế bao nhiêu đêm không rõ, nhưng rõ để làm gì, đêm đến rồi đi, ngày mai một tôi khác lại trò chuyện cùng một biển khác. Biển và tôi luôn mới trong nhau như lần đầu gặp gỡ, cái bỡ ngỡ thuở xa xưa đều hiện diện ở nơi này, chúng tôi bắt đầu làm quen và vẽ lên những trằn trọc, co cụm, yếu đuối và phục hồi nhau.

Lắng nghe biển hát, những chai sạn, những vết thương, đôi lần ngã quỵ đều choàng tỉnh giấc, chúng kêu lên da diết hơn tiếng đàn, chúng dịu dàng êm ái hơn lằn roi em từng để lại...

Biển và tôi thừa nhận nhau, lém lỉnh cùng nhau. Này tiếng dế gặm lời ca quê kêu đến lạc giọng, này cái cười góa bụa tuổi thiếu thời hoen tím lênh đênh, này tấm áo cũ gom hết gió sương sờn vai không nỡ vứt... Này biển ơi! đừng đào thêm, đừng cào cấu thêm những giấc mơ loang lổ. Chúng tôi bày ra như bày hàng ở chợ, nhưng không bán. Chúng tôi không bán bất cứ thứ gì kể cả nỗi đau, nỗi đau, đôi lúc đáng quý và kiêu sa hơn hạnh phúc.

Biển đến với tôi lúc nào cũng mang theo câu hỏi, những câu hỏi không đầu không cuối, theo sóng cứ vô tư giơ lên và cắm phập vào tôi đau buốt.

Bằng cách đó, biển và tôi đã hồi sinh nhau trong cái buồn vĩnh cửu. Sóng và gió vẫn đùa với nhau, dẫu mùa đông hay mùa hè, mùa thu hay mùa xuân. Mùa đông, biển lạnh nhưng lại làm ấm những tâm hồn cô đơn như tôi. “Vĩnh cửu” là thứ gì?, tôi hỏi biển như thế, biển quờ quạng tìm câu trả lời, nó lục tung các ngõ ngách lòng mình rồi lại ngồi thẫn thờ, im lặng.

Tản văn của: Trần Đức Tín

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/tim-ve-voi-bien/29961.htm