Tìm 'sợi chỉ đỏ' trong dạy học Lịch sử

Việc lựa chọn, truyền thụ cho học sinh kiến thức cơ bản vô cùng quan trọng, là cơ sở để nâng cao hiệu quả giờ học Lịch sử, nâng cao kết quả của giáo dưỡng, giáo dục, phát triển ở mức cao nhất mà không khiến học sinh quá tải kiến thức.

Khi giáo viên (GV) chỉ cho học sinh (HS) thấy kiến thức nào là cơ bản nhất, đâu là sợi chỉ đỏ trong hệ thống kiến thức, các em sẽ định hướng mình cần phải học kỹ cái gì, lướt qua cái gì; từ đó không có cảm giác ngại học khi đứng trước một khối lượng kiến thức khá nhiều trong SGK.

Các nguyên tắc xác định kiến thức cơ bản

Việc xác định kiến thức cơ bản phải dựa trên một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất: Kiến thức cơ bản được xác định phải căn cứ vào mục tiêu giáo dục - đào tạo của đất nước ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể.

Ví dụ: Trong thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bộ môn lịch sử thường hướng vào các nội dung quân sự, đấu tranh cách mạng, ca ngợi tinh thần đoàn kết, đấu tranh của dân tộc. Các nội dung kiến thức về văn hóa, kinh tế trở nên ít quan trọng hơn.

Còn trong giai đoạn hiện nay, đất nước được hòa bình độc lập, mục tiêu chiến lược của cách mạng giai đoạn này là xây dựng CNXH, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh thì nhiệm vụ của giáo dục thời kỳ này là đào tạo con người toàn diện về mọi mặt, do đó nội dung giáo dục nói chung, giáo dục lịch sử nói riêng phải được đảm bảo trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh những kiến thức về quân sự vẫn tiếp tục được giảng dạy, còn có những kiến thức quan trọng khác như chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục...

Thứ hai: Xác định kiến thức cơ bản phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu, trình độ nhận thức của HS ở mỗi lớp, mỗi cấp cụ thể.

Nếu ở THCS, HS phải nắm vững kiến thức cơ bản, chủ yếu là các sự kiện, nhân vật, địa danh, thời gian một cách cụ thể, bước đầu rút ra những khái niệm đơn giản, thì ở THPT trên cơ sở những sự kiện cụ thể, HS phải đánh giá, khái quát hóa ở mức độ cao, để rút ra những quy luật, bài học quan trọng. Vì thế, việc xác định và lựa chọn kiến thức cơ bản phải có sự khác nhau giữa các cấp học.

Vì vậy, GV khi xác định và truyền thụ kiến thức cơ bản cho HS, nhất định phải chú ý đến đối tượng nhận thức. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để đảm bảo sự thành công trong việc giảng dạy kiến thức cơ bản.

Thứ ba: Việc xác định các kiến thức cơ bản phải căn cứ vào ý nghĩa giáo dục của các sự kiện.

Trong nội dung bài học lịch sử ,có những sự kiện đôi khi không ảnh hưởng đến sự phát triển của một giai đoạn lịch sử nhất định, cũng không có ý nghĩa quan trọng đối với giai đoạn lịch sử sau đó, nhưng lại có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức của HS thì vẫn được coi là kiến thức cơ bản.

Ví dụ khi dạy về bài 19: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), GV có thể cung cấp thêm cho các em về sự kiện: "Lê Lai cứu chúa":

Sự kiện này không có ý nghĩa lớn về mặt kiến thức nhưng lại có tính giáo dục rất cao, HS thấy được sự trung thành, tinh thần hy sinh xả thân vì nghĩa lớn của vị anh hùng Lê Lai. Qua đó giáo dục cho các em cách hành động, ứng xử trong cuộc sống hiện tại.

Thứ tư: Khi xác định kiến thức cơ bản phải chú ý tới những thành tựu hiện đại của khoa học giáo dục, khoa học lịch sử, phương pháp dạy học lịch sử.

Nhìn chung, kiến thức trong SGK là những kiến thức cốt lõi cần thiết cho sự hiểu biết của HS về lịch sử, tuy thế SGK là một loại tài liệu tương đối tĩnh, sự thay đổi của SGK không thể theo kịp sự phát triển của khoa học.

Vì vậy, để đảm bảo kiến thức cơ bản luôn là những kiến thức chính xác nhất, GV phải thường xuyên cập nhật những thành tựu mới nhất của khoa học, những đánh giá, những quan điểm mới về các sự kiện lịch sử của các nhà nghiên cứu, đương nhiên những thành tựu này phải được khoa học công nhận về độ chính xác.

Giải pháp giúp học sinh ghi nhớ kiến thức cơ bản trong dạy học Lịch sử

Để giảng dạy tốt kiến thức cơ bản, GV phải sử dụng rất nhiều các biện pháp sư phạm, góp phần phát triển năng lực tư duy, độc lập của các em: Tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, rút ra quy luật, bài học cần thiết. Đồng thời, phát triển cho các em kỹ năng thực hành bộ môn: Làm, sử dụng các loại đồ dùng trực quan, kỹ năng nói, viết, trình bày vấn đề một cách độc lập, rõ ràng trước tập thể.

Trong quá trình giảng dạy những nội dung kiến thức cơ bản của môn lịch sử nói chung, những kiến thức cơ bản phần lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV nói riêng, tôi luôn sử dụng các kênh hình, tranh ảnh minh họa, liên hệ với thực tế để giáo dục tư tưởng cho HS.

Các kênh hình, tranh ảnh minh họa giúp cho HS hình dung được vấn đề cụ thể hơn, huy động được sự tham gia đồng bộ của nhiều giác quan đặc biệt là hai hệ thống tín hiệu: mắt thấy và tai nghe, từ đó sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của HS, giúp HS nhớ bài lâu hơn.

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, ngoài việc tận dụng những kênh hình trong SGK, GV có thể tận dụng mạng internet để có được những hình ảnh đẹp phục vụ cho việc dạy lịch sử.

GV tìm những hình ảnh mà mình cần, sau đó in ra giấy A4. Trong khi sử dụng tranh ảnh cần đặt các câu hỏi để HS suy nghĩ và tìm ra các vấn đề có liên quan đến hình ảnh đó, chứ không để cho HS chỉ nhìn hình đó vì thấy nó đẹp.

Đối với các nhân vật lịch sử, sau khi cho HS quan sát hình ảnh, GV hỏi: Nhân vật này là ai? Sống dưới triều đại nào? Nhân vật này là ai có công lao gì? Ta có thể học được gì ở nhân vật này…?

Đối với hình là chùa chiền GV có thể hỏi: Tên của ngôi chùa này là gì? Ngôi chùa này liên quan đến triều đại nào? Liên quan đến sự kiện lịch sử nào? Qua hình ảnh của ngôi chùa này thể hiện điều gì…? Những câu hỏi đó sẽ giáo dục tư tưởng cho HS.

Cô Vũ Thị Lý – Giáo viên Trường THCS Yên Phong (Nam Định)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tim-soi-chi-do-trong-day-hoc-lich-su-1895873-v.html