Tìm lịch sử trong ký ức nhân quần

Như con người, những thành phố có tuổi đời lâu dài như Sài Gòn - TP.HCM đều có lịch sử hình thành và phát triển. Lịch sử của một thành phố hiện diện ở các công trình kiến trúc, ở trong các bảo tàng, nhưng không chỉ vậy - nó còn đọng lại trong tâm tưởng của con người, được chắt lọc trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những ký ức nhân quần.

Vô cùng chí lý khi nói một thành phố không có các di tích giống như “khuôn mặt người không nếp nhăn” và như “con người không ký ức”, điều đó làm cho người ta nhớ đến các ma nơ canh trưng bày trong tủ kính.

Tuy hai mà một

Ký ức về một thành phố sống trong mỗi gia đình, mỗi con người, và trong những viên gạch lát đường. Nhưng tiếc thay, đời người là hữu hạn, khi người ta ra đi thì ký ức cũng đi theo. Khi một gia đình di cư đến nơi khác là kỷ vật sẽ thất thoát, khi người già khuất núi là họ mang theo biết bao nhiêu ký ức. Để giữ những cái lúc thường thấy “chả đáng gì” nhưng khi cần thì “quý hơn vàng”, ở bất cứ thành phố nào cùng lúc tồn tại hai lực lượng: chính thức và phi chính thức.

Lực lượng chính thức thường là các trung tâm, các viện nghiên cứu, nơi tập hợp các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia hàng đầu. Theo kênh chính thức, người ta nhận được khá đầy đủ những con số thống kê, sự kiện lịch sử, năm tháng, tuy nhiên những thông tin đó trong đa phần các trường hợp là để phục vụ việc tra cứu soạn luận án tiến sĩ, thạc sĩ, để viết ra những cuốn sách dày cộp chất trong thư viện. Những nhà nghiên cứu, nhất là nghiên cứu có kinh nghiệm, ngày càng có xu hướng tìm hiểu lịch sử từ những chuyện được coi là “vụn vặt” của cá nhân như những tạp bút, tản văn, hồi ký... Có thể người ta không tìm thấy ở đây lời cam kết về độ tin cậy, nhưng họ lại tìm thấy cảm xúc, những góc khuất, những hạt bụi lấp lánh, và khi xâu chuỗi chúng lại ta có được hình ảnh khác lạ của một thành phố. Đó chính là sự mê hoặc của thể loại “không chính sử”.

Bất cứ thành phố nào cũng có một lực lượng dân chúng đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc lưu giữ ký ức cho nó. Đó là lực lượng phi chính thức, có thể là các trí thức, nhà giáo, doanh nhân, nhưng cũng có khi chỉ là một nữ tu, một sinh viên, cái chính là họ yêu thành phố đó và thực hiện các nghiên cứu về nơi mình yêu dấu dưới nhiều hình thức khác nhau và tất nhiên với tinh thần tự nguyện, bất vụ lợi.

Ảnh Lê Quân

Cũng như ở nhiều thành phố khác, nguồn lực nghiên cứu về vùng đất này có những thời mạnh mẽ tuôn trào, có những lúc âm ỉ, nhưng chưa bao giờ đứt gãy. Có những giai đoạn đời sống vô cùng khó khăn, thiếu cả cơm ăn, áo mặc, bán cả đồ đạc trong nhà để độ nhật nhưng dường như người Sài Gòn chưa bao giờ từ bỏ việc lưu giữ ký ức.

Rất có thể Trịnh Hoài Đức được coi là nhà Sài Gòn học đầu tiên với tác phẩm Gia Định thành thông chí, một tác phẩm đầu tiên có lớp lang, bài bản về Sài Gòn. Những bậc tiền bối được xã hội mặc nhiên coi là các nhà Sài Gòn học có Vương Hồng Sển, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, Mạc Đường... Nhóm những người trẻ hơn nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực hẹp sau này chia làm hai nhóm, một nhóm hàn lâm ở trong các trường đại học, viện nghiên cứu như Phan An, Nguyễn Thị Yến Tuyết, Lê Trung Hoa, Nguyễn Minh Hòa, Lê Quang Ninh, Huỳnh Ngọc Trảng...; nhóm khác nghiên cứu tự do nhưng rất thành công như Cao Tự Thanh, Nguyễn Đình Tư...

Tuy lạ mà quen

Khoảng năm năm trở lại đây, có hiện tượng khá lạ là sách viết về Sài Gòn nhiều vô kể, có thể lên đến hàng trăm đầu sách, tính cả số xuất bản ở hải ngoại thì còn nhiều hơn nữa. Từ khi đường sách Nguyễn Văn Bình ra đời, hầu như thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng có giới thiệu sách về Sài Gòn. Những tác giả nghiên cứu theo kiểu hàn lâm vẫn còn nhưng có xu hướng giảm đi, có thể kể đến như Trần Hữu Quang, Nguyễn Thanh Lợi... nhưng có một xu hướng phi hàn lâm nổi lên rất mạnh mẽ. Họ đa phần là người trẻ, cũng có một vài người không còn trẻ nữa nhưng lối viết rất trẻ trung, không khuôn phép như các thế hệ trước.

Những người trẻ này có xu hướng làm cho những đứa con tinh thần của mình gần gũi với cuộc sống bình dân hơn; họ vẫn sử dụng những bức ảnh, những con số, những sự kiện nhưng chúng được mềm hóa. Đọc họ, chúng ta thấy được sự dâng đầy của cảm xúc cá nhân, thấy chân dung Sài Gòn qua hình ảnh cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hiểu tiến trình hình thành và phát triển của một thành phố qua những cái rất đỗi dung dị như một đoạn vỉa hè, một quán chè mè đen, một cái xe hủ tíu, và số phận một con người đâu đó đã gặp... Họ gọi tác phẩm của mình là tạp văn, ký sự, lượm lặt dông dài, kể cả chả xác định thể loại gì nhưng chính những điều tưởng chừng rất vụn vặt đó làm cho chúng ta thấy Sài Gòn gần gũi, dung dị và thật thân thương.

Ảnh Hoàng Anh

Nếu các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu khi nói về các công trình kiến trúc bao giờ cũng bằng những con số định lượng như năm tháng, chiều cao, quy mô thì những người viết tạp văn lại viết về chúng với những cung bậc xúc cảm hồn nhiên đến mức người đọc thấy hình như nó cao hơn và lộng lẫy hơn vốn có, đặc biệt là khi viết về tính cách cởi mở, hào phóng, và tự do của người Sài Gòn thì không ai viết hay hơn họ.

Chính họ đã vẽ nên chân dung đẹp đẽ của người Sài Gòn với các chiều kích, cung bậc, góc cạnh khác nhau mà các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp không làm được. Một số cây bút thu hút được lượng bạn đọc đông đảo và được xã hội định vị là những nhà Sài Gòn học bình dân (tạm gọi để phân biệt với các nhà hàn lâm) như Phúc Tiến, Nguyễn Thị Hậu, Đàm Hà Phú, Phạm Công Luận...

Sách của họ thật đa dạng, chỉ nội cái tên đã thấy được Sài Gòn muôn mặt rồi. Nghiêm túc một tý có Sài Gòn bao nhớ, Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú), Sài Gòn - chuyện đời của phố (Phạm Công Luận), Sài Gòn đất và người (Nguyễn Thanh Lợi), Sài Gòn đất lành chim đậu (Phan Hoàng), Sài Gòn không phải ngày hôm qua (Phúc Tiến). Có phần tùy hứng và màu mè hơn là Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng (Hạ Dung), Say nắng Sài Gòn (Duy Thành), Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi (Hiền Hòa), Sài Gòn một sợi tơ lòng (Lê Hoàng Hựu), Sài Gòn thị thành hoang dại (Khải Đơn), Khóc giữa Sài Gòn (Nguyễn Ngọc Thạch), Không gian gia vị Sài Gòn (Trần Tiến Dũng), Sài Gòn cứ vội (Tử An, Ngọc Hoài Nhân)...

Những cuốn sách viết về Sài Gòn 

Cũng như tất cả những ai đã đến và sống ở thành phố này, họ (các tác giả viết về Sài Gòn) yêu thành phố này lắm, nhưng khổ nỗi một khi yêu quá hay ghét quá người ta có xu hướng cực đoan, với cái lý người yêu Sài Gòn nhất, hiểu Sài Gòn nhất như mình mới là đúng. Những cuộc tranh luận gốc gác cái tên Sài Gòn từ đâu ra, chỗ nào là “mả nguỵ”, thành “Cộng Hòa” là thành nào, tại sao các bến xe miền Nam gọi là “cảng”... không vì ăn thua mà chỉ là “tớ biết Sài Gòn hơn đằng ấy” làm cho bức tranh Sài Gòn thật kỳ ảo, lạ lùng mà thân thiết.

Người viết bài này ước ao có đủ tiền và đủ sức tập hợp tất cả các loại sách viết về Sài Gòn - TP.HCM thành một thư viện riêng, nhưng khó quá: tuần nào chả có một đầu sách mới ra lò viết về mảnh đất này!

Nguyễn Minh Hòa

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/8510/tim-lich-su-trong-ky-uc-nhan-quan.ndt