Tìm lại vị thế 'cửa ngõ'

Những thành tựu mà Bảo Yên đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sự vươn lên của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội để xứng tầm là 'cửa ngõ' của tỉnh.

Khơi dậy tiềm năng

Khi chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cây cầu tại km 75 bắc qua suối Trĩ, xã Phúc Khánh cũng là ranh giới hai tỉnh Lào Cai - Yên Bái thường là địa điểm tỉnh Lào Cai đón các đoàn khách đến thăm và làm việc. Cửa ngõ Bảo Yên vẫn thường được hình dung và nhớ tới khi nhắc về cây cầu ấy. Với tuyến đường sắt, Ga Bảo Hà cũng được đánh giá là một trong những ga sầm uất nhất. Những lợi thế trong quá khứ đã được Bảo Yên khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế địa phương. Suốt những năm Quốc lộ 70 giữ vai trò là tuyến giao thông đường bộ quan trọng nhất từ Lào Cai đi Hà Nội, thị trấn Phố Ràng chạy dọc theo tuyến đường nhộn nhịp ngày cũng như đêm. Khu vực Ga Bảo Hà trở thành điểm kinh doanh thương mại, dịch vụ nhộn nhịp với những căn nhà cao tầng san sát như phố thị. Theo thời gian, lợi thế ấy mất dần, hàng hóa, hành khách đến Lào Cai không còn đi qua Bảo Yên mà theo đường cao tốc. Những người bi quan bày tỏ lo lắng vậy vai trò “cửa ngõ” của tỉnh có còn?

Thị trấn Phố Ràng đang tìm lại vẻ sầm uất trước đây.

Đặt trong tổng thể, Bảo Yên vẫn là địa phương có vị trí địa lý quan trọng của tỉnh, là đầu mối giao thông, kết nối vùng, liên vùng bằng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 70, Quốc 279, đường sắt, đường thủy và đường hàng không trong tương lai gần là điều kiện thuận lợi để Bảo Yên phát triển kinh tế. Khi tác động của tuyến Quốc lộ 70 và đường sắt đối với kinh tế địa phương không còn lớn như trước khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoạt động, Bảo Yên đã có cái nhìn rõ ràng hơn về các yếu tố nội lực và ngoại lực để tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững.

Với lợi thế về đất đai, huyện tiếp tục xác định nông - lâm nghiệp là lĩnh vực ưu tiên trong cơ cấu phát triển kinh tế, trong đó chú trọng triển khai thực hiện các dự án cây trồng, vật nuôi chủ lực, tiềm năng của huyện. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có gần 23.000 ha quế, 756 ha chè, 320 ha cây hồng không hạt.

Ngoài nông nghiệp, huyện Bảo Yên ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị, trung tâm cụm xã. Từ năm 2020 đến nay, có gần 30 dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện. Nhờ đó, diện mạo chung của huyện có những thay đổi rõ nét. Dự án Cảng Hàng không Sa Pa được triển khai tại xã Cam Cọn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân, hứa hẹn là một điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bảo Yên trong tương lai. Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng, huyện Bảo Yên đang tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế và những nét văn hóa đặc sắc của gần 20 dân tộc để đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Khu du lịch tâm linh đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh và các di tích lịch sử, văn hóa đang khai thác hiệu quả, đồng thời tiếp tục được đầu tư nâng tầm để đáp ứng với xu hướng phát triển mới. Huyện Bảo Yên đang khảo sát, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá. Xã Nghĩa Đô với văn hóa Tày đặc trưng, nếp nhà sàn truyền thống được gìn giữ nguyên vẹn, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp… đang được quy hoạch trở thành trung tâm văn hóa Tày của khu vực, hứa hẹn trở thành điểm du lịch nổi tiếng cả nước…

Tăng tốc để bứt phá

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Bảo Yên vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%, thu nhập bình quần đầu người đạt 43 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 195 tỷ đồng, đạt 137% kế hoạch tỉnh giao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng đô thị - nông thôn được đầu tư ngày càng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên… Đây là tiền đề vững chắc để Bảo Yên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo thực hiện khát vọng phát triển bứt phá vươn lên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh và đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Na trái vụ ngày càng được mở rộng diện tích ở Bảo Yên.

Năm 2022 là năm tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, Bảo Yên xác định 4 địa bàn trọng tâm gồm: Thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà, xã Nghĩa Đô và xã Cam Cọn; 4 lĩnh vực trọng điểm là: Nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nông thôn mới; quy hoạch và xây dựng hạ tầng; phát triển du lịch bền vững; cải cách hành chính, chuyển đổi số; 15 mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Trong đó, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nội ngành nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và sắp xếp dân cư nông thôn. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và tăng cường chế biến sâu các sản phẩm nông - lâm nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc hữu (OCOP)...

Cùng với đó, huyện huy động mọi nguồn lực và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng văn minh, hiện đại trên cơ sở phát triển đa dạng loại hình dịch vụ. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, tạo cơ sở vật chất cho phát triển thương mại. Xây dựng đô thị Bảo Hà gắn với quy hoạch Tân An - Bảo Hà trở thành đô thị cửa ngõ của tỉnh, trung tâm du lịch tâm linh tầm cỡ khu vực và quốc gia, với trọng tâm là quần thể Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia đền Bảo Hà. Rà soát quy hoạch, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Tày, quy hoạch xây dựng Trung tâm bảo tồn và giao lưu văn hóa Tày Tây Bắc tại xã Nghĩa Đô...

Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết: Với những mục tiêu cụ thể, những phương hướng, giải pháp đã đề ra, bằng quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc trong huyện, Bảo Yên tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện khát vọng phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Bảo Yên thành huyện phát triển khá của tỉnh và đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025, xứng đáng là cửa ngõ khu vực phía Nam của tỉnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355491-tim-lai-vi-the-cua-ngo