Tìm lại mùi tết

Ngày xưa, tức là hai mươi năm về trước, cảm xúc đoàn viên ngày tết tràn ngập trong lòng tôi niềm hạnh phúc thiêng liêng biết bao. Bởi, mỗi năm một dịp thăm quê thôi.

Công việc mưu sinh bộn bề ở TPHCM khiến vợ chồng tôi quên luôn ngày tháng. Đến khi người người xôn xao bàn chuyện tết tự nhiên một gợi nhắc hiện lên trong đầu: "Chừng nào hai đứa về? Liệu coi rồi sắp xếp mua vé kẻo trễ hết". Ấy là câu chữ quen thuộc của mẹ chồng viết thư gửi mỗi độ thời gian trôi về cuối tháng Chạp.

Trang trí phòng khách đón tết

Vậy là vợ chồng tất tả lên kế hoạch. Nào là nhờ người bỏ mối báo giùm mấy ngày về quê. Người gốc trong này họ đâu đón Tết cổ truyền rộn ràng như mình. Đọc báo chính là thú vui giải trí duy nhất của họ những ngày đầu năm. Rồi lại nghĩ sang chi mua đồ tết. Trước là cho mẹ già hai bên mỗi người đôi xấp vải mới và quần áo cho con đẹp xinh. Sau nữa lo bánh trái dâng cúng ông bà nội ngoại, tặng biểu bà con hàng xóm. Nói gì nói chút quà phương xa vẫn mang nguồn vui lạ. Với lại thời ấy khốn khó càng trân quý cái của thịt làng bằng một sàng thịt chợ.

Thật ra biếu tết ngày ấy giản đơn đến là dung dị. Một phong bánh in gói giấy đỏ chói đượm màu may mắn và xách bánh thuẫn vàng ươm đổ thơm lừng mùi trứng. Gói trà kèm cây thuốc nữa là thôi. Vậy đấy mà người nhận mừng rỡ cảm ơn hết lời. Thì cũng gọi của ít lòng nhiều cho biết mùi quà thành phố ra sao. Tình cảm quý nhau hơn muôn vạn vật chất. Cho nên để những mối quan hệ mãi giữ sâu sắc mùa tết nào vợ chồng về đều có quà người quen.

Trên hành trình về quê trong lệ kệ hành lý ngoài những thứ mua tặng còn có cả món quà được tặng. Chủ sạp báo biếu set nước ngọt coca cola cùng ít bánh kẹo. Không nhiều, nhưng quý. Lòng nghĩ đến lòng thì vui vẻ biết ơn mà nhận. Ít ra có cái về khoe gia đình bán báo cũng được biếu tết. Chưa hết. Bên tòa soạn còn tài trợ vé xe nên lòng ấm lên cảm giác được quan tâm sâu sắc. Vậy đủ rồi. Về nhà ăn tết thôi.

Bông cúc chưng trước nhà dịp tết

Ăn tết với ai đó là nạp bụng no nê thịt cá, ngập đầy bia nước và ngấy ngọt bánh kẹo. Nhưng với gia đình tôi thì khác. Giá trị thiêng liêng nằm ở tinh thần. Cảnh đoàn viên đậm đà tình thân và tràn đầy hạnh phúc của ngày gặp mặt đủ đầy những người ruột thịt yêu thương mới thực ý nghĩa. Đây con ruột con dâu kia mẹ già con thơ rỡ ràng ôm xiết tủi mừng khôn tả. Hôn hít, cưng nựng quá chừng. Bao nhiêu cảm xúc dâng trào khoảnh khắc. Bốn mùa đằng đẵng cuối cùng cũng đến ngày hội ngộ.

Nghe có vẻ như cảnh sum họp ngày đất nước thống nhất nhưng kỳ thực có cất bước ly hương mới thấu cảm quặn lòng nỗi nhớ như nào. Chỉ vì cuộc sống mới dứt áo ra đi. Mấy khi nhung nhớ cùng lắm gửi thư thôi. Dài thật dài ngày tháng không về lần nào, ngoài tết.

Nhưng rồi thời huy hoàng nghề báo dạo nay còn đâu. Internet ra đời một cuộc cách mạng không tưởng về tiếp cận thông tin. Người ta có nhiều lựa chọn để nghe, xem, đọc tin tức. Điều này đồng nghĩa nghề báo "thất thu". Nhiều người chuyển nghề. Vợ chồng tôi không nằm ngoài cuộc đào thải bởi làn sóng hiện đại bùng nổ. Lần lượt dắt díu nhau hồi gia bám vào đất mẹ sống cuộc sống mới nông thôn.

Nghĩa là thôi rạo rực đếm ngày về tết và hết cảnh vắn dài xúc động. Nghĩa là không còn quà phương xa gói biếu. Mà nay cái đơn sơ xưa cũ đâu còn là thứ gì đó hiếm hoi. Thời buổi đại trà hàng hóa đủ bánh kẹo chất lượng và đẹp mắt ăn đứt bánh in, bánh thuẫn. Cái mới nhiều đến là thừa. Cho nên hương vị bánh kẹo tết thụ hưởng nơi bờ môi, đầu lưỡi tẻ nhàm. Bình thường không có gì lạ thường. Mọi ngày ăn đã ngấy. Giỏ quà, hộp thiếc trao tay cũng chỉ tượng trưng. Mấy ai ngồi lại xúm xít chia bánh cùng ăn cùng khen vị mùi trong cuộc cười rôm rả.

Ví như mâm cơm tết bày nơi bàn cũng vậy. Những thịt kho, cá chiên rồi bánh chưng, bánh tét, củ kiệu nhạt nhẽo khẩu vị. Ngày trước, chỉ một năm những ngày cúng giỗ và tết nhất họa may thịt cá biết mùi. Giờ khéo ăn nhiều lo bệnh. Qua loa cho có ngồi ăn gọi là.

Phải vậy mà lòng từng ủ ê nói tết bây giờ kém vui. Rồi tự hỏi có phải mình đã hững hờ với cái văn hóa cổ truyền vốn từng đậm trong lòng những kỷ niệm khó quên cùng gia đình thuở xưa. Và tôi quyết tìm lại mùi tết bằng cách kéo mọi người trong gia đình xích gần nhau ăn những bữa cơm ấm áp tình thân, chuyện những câu nức tiếng cười. Thiêng liêng và hạnh phúc là đây. Gắng giữ khoảnh khắc đong đầy lưu sâu chặt vào lòng cho mùa sau có cái hồi nhớ để biết rằng luôn có một cái tết đoàn viên đón chờ mình mỗi năm.

HẠNH PHÚC

(TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-lai-mui-tet-post724446.html