Tìm hướng mới cho ngành đóng tàu và du thuyền

Đoàn doanh nghiệp cơ khí hàng hải Việt Nam gồm 7 doanh nghiệp đóng tàu, cơ khí hàng hải đã đi khảo sát và làm việc tại thị trường Hà Lan và Thụy Điển nhằm mở rộng cơ hội hợp tác và tìm khả năng, hướng mới cho ngành cơ khí hàng hải Việt Nam về sản xuất các loại tàu, du thuyền và sản phẩm cơ khí hàng hải.

Trong thời gian làm việc tại Hà Lan, Đoàn đã đi thăm Triển lãm quốc tế về du thuyền (HISWA) thường niên lần thứ 25, và đã làm việc với Hiệp hội Du thuyển Hà Lan, Hiệp hội đóng du thuyền Hà Lan. HISWA là một trong những triển lãm lớn nhất trên thế giới về các kiểu tàu, du thuyền loại vừa và nhỏ. Triển lãm năm nay có qui mô lớn nhất, có sản phẩm du thuyền và thiết bị du thuyền mới nhất ở Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Pháp… với trên 300 gian hàng trưng bày 520 chiếc du thuyền các loại. Tại triển lãm HISWA, Đoàn đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi làm việc với nhiều công ty Hà Lan có sản phẩm trưng bày như đóng du thuyền, sản xuất và cung cấp thiết bị, cấu kiện cho ngành du thuyền, học hỏi kinh nghiệm và kết nối bạn hàng, trao đổi khả năng về hợp tác gia công, sản xuất du thuyền. Đại diện Lãnh đạo Hiệp hội đóng du thuyền Hà Lan đã chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội. Đoàn Việt Nam đã mời Hiệp hội đóng du thuyền Hà Lan sớm đi Việt Nam để khảo sát cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đóng tàu, du thuyển. Đoàn đã đi thăm và làm việc với một số công ty Hà Lan đã và đang kinh doanh, hợp tác đóng tàu, cơ khí hàng hải với Việt Nam để tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ đối tác. Đoàn cũng đã đến thăm Hiệp hội đóng tàu Hà Lan, Hiệp hội cơ khí hàng hải Hà Lan và có cuộc giao thương với trên 50 doanh nghiệp thành viên của HME về cơ khí hàng hải, đặc biệt là các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cho ngành đóng tàu biển và sản phẩm cơ khí hàng hải. Nhiều doanh nghiệp Hà Lan đã bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực cung cấp trang thiết bị hàng hải cũng như tìm hiểu khả năng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu tại Việt Nam và mong muốn sớm được đi khảo sát điều kiện cụ thể tại một số địa phương tại Việt Nam. Tại Thụy Điển, Đoàn đã có buổi giao thương với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các chủ tàu Thụy Điển, thăm và làm việc với Công ty Stena, là một trong những chủ tàu lớn trên thế giới, đã có nhiều đơn đặt hàng đóng tàu tại nhiều nước, trong đó có các nước Châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong các cuộc tiếp xúc, các doanh nghiệp Thụy Điển đều bày tỏ mong muốn được sang Việt Nam tìm hiểu thực trạng của ngành đóng tàu Việt Nam để có thể xúc tiến khả năng đặt hàng đóng tàu tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là tàu khách, du thuyền, tàu chở hàng, tàu chở dầu và tàu chở hóa chất. Sau chuyến đi khảo sát thị trường, làm việc tại Hà Lan,Thụy Điển, các doanh nghiệp tham gia Đoàn đã thiết lập được quan hệ hợp tác với nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đối tác và nâng cao được hiểu biết về tiềm năng của ngành đóng du thuyền, đóng tàu biển, ngành cơ khí hàng hải của Hà Lan và Thụy Điển, cũng như xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành đóng tàu, du thuyền trên thế giới, từ đó có thêm được định hướng phát triển mới về đóng du thuyền, tàu biển và sản phẩm cơ khí hàng hải tại Việt Nam, đặc biệt khả năng phát triển ngành sản xuất du thuyền và tàu chở hàng cỡ nhỏ trong nước, tạo sản phẩm mới cho xuất khẩu, góp phần hạn chế nhập siêu, đồng thời phục vụ nhu cầu du lịch biển đảo của các khu du lịch, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Các cuộc giao thương trong chuyến đi cũng đã giúp cho các nhà doanh nghiệp hai nước Hà Lan và Thụy Điển hiểu biết hơn về tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam và khả năng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, cũng như cơ hội cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu tại Việt Nam. Một kết quả đáng chú ý là đã có doanh nghiệp thành viên trong Đoàn đã ký được hợp đồng trị giá 40 triệu USD để thực hiện đóng 10 con tàu chở hàng cỡ nhỏ, với trọng tải 1800 tấn/chiếc và thời gian giao hàng trong hai năm. Trong các cuộc tiếp của Đại sứ Việt Nam tại các nước Hà Lan và Thụy Điển với Đoàn, các doanh nghiệp trong Đoàn đã bày tỏ mong muốn được Chính phủ, Bộ Ngoại Giao và Bộ Công Thương, các Đại sứ quán và cơ quan Thương vụ tại các nước này tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia để tổ chức những chuyến đi khảo sát tương tự trong các năm tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thêm cơ hội gặp gỡ, giao thương với các doanh nghiệp từ các nước có công nghiệp đóng tàu phát triển, từ đó tiếp cận được thêm các dự án và hợp đồng ở các cấp độ khác nhau. Các thành viên trong Đoàn cũng kiến nghị cho phép được thành lập Hiệp hội đóng tàu Việt Nam để tập hợp nguồn lực, xây dựng khuôn khổ pháp luật cho hoạt động nghề nghiệp và có phân công lao động hợp lý nhằm chuyên môn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành cơ khí hàng hải, đồng thời có diễn đàn để kết nối và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đóng tàu và cơ khí hàng hải nhằm giúp cho các doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam, góp phần vào định hướng lâu dài để ngành đóng tàu Việt Nam vươn lên trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước và có thể vươn ra mạnh hơn trên thị trường đóng tàu quốc tế.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/kinh-doanh-dau-tu/dau-tu/21533-tim-huong-moi-cho-nganh-dong-tau-va-du-thuyen