Tìm hướng đi cho sân khấu cải lương

Hơn một thập kỷ qua, sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu cải lương nói riêng đều đang loay hoay tìm lại chỗ đứng cho mình.

Những danh ca, nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật kịch hát dân tộc từng được phủ ánh hào quang chói lọi không thể chấp nhận được chuyện - cải lương giờ chỉ còn là dĩ vãng, là “vang bóng một thời”. Hiện nay, để không bị chìm nghỉm giữa dòng giải trí ngày càng phong phú đa dạng, sân khấu cải lương miền bắc cố gắng chuyển mình bằng những hướng đi mới dưới nhiều hình thức như câu lạc bộ, biểu diễn giao lưu với khán giả, phối hợp với các tour du lịch tổ chức các buổi biểu diễn trích đoạn kinh điển… Nhưng kết quả là tốc độ giống như một chú sên chăm chỉ nhích dần từng bước chậm rãi.

Với sân khấu cải lương miền nam, nơi “chôn nhau cắt rốn” của bộ môn nghệ thuật này, những bài bản cổ của cải lương - Nhất lý - Nhị ngâm – Tam nam - Tứ oán – Ngũ điểm - Lục xuất… và phổ biến nhất là câu vọng cổ, hậu thân của bài “Dạ cổ hoài lang” của cụ Sáu Lầu vẫn đã và đang được lớp lớp các nghệ sĩ trẻ đau đáu với nghề cố gắng gieo câu, nhả chữ nhằm nỗ lực chiếm lại vị trí nhất định trong lòng mộ điệu gần xa. Dù không bị công chúng “hắt hủi” như miền bắc nhưng bao trùm vẫn là một không khí ảm đạm, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ khơi dậy được tình yêu, sự đam mê trong một bộ phận khán giả cũ, những “mộ điệu xưa” còn hầu hết giới trẻ, thế hệ tương lai kế cận gần không quan tâm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Nghệ sĩ cải lương thời nào cũng vậy, họ cũng cần phải lấp đầy cái dạ dày chứ chưa nói gì đến việc muốn ca, muốn đổ một câu vọng cổ dài. Thời buổi giá cả đắt đỏ, nhiều nghệ sĩ cải lương phải kiếm tiền bằng nghề “tay trái” để nuôi hy vọng nối dài cho “cánh tay phải”. Đó là một nỗi đau không biết bao giờ mới dứt.

Gần đây, một số chương trình gameshow truyền hình thực tế như Chuông vàng vọng cổ, Ngân mãi chuông vàng… đã dấy lên tia hy vọng sẽ có một ngày nào đó, cải lương mặc dù có thể không trở về được vị trí đỉnh cao như thời hoàng kim, nhưng sẽ lại thu hút một số lượng lớn người hâm mộ, nhất là chương trình Đường đến danh ca vọng cổ, một sân chơi dựa theo form của The Voice rất thu hút người xem.

Chương trình mang một màu sắc mới, đầy tính giải trí nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống của bộ môn nghệ thuật dân tộc. Đảm nhận vai trò Huấn luyện viên của chương trình là ba nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương đó là NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ và nghệ sĩ Ngọc Huyền. Đây là những tên tuổi đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ với những vở diễn từ lâu đã đi sâu vào trái tim khán giả trong và cả ngoài nước. Đó là một ưu điểm của chương trình, sẽ không có lời ra tiếng vào bình luận về trình độ hay tư cách của huấn luyện viên như một số chương trình gameshow truyền hình thực tế khác. Thêm vào đó, đội ngũ thí sinh dự thi khá hùng hậu, chất lượng tốt, nhiều giọng ca sáng được giới chuyên môn đánh giá cao, khán giả thích thú đón nhận nồng nhiệt.

Tìm ra một phương thuốc hữu hiệu cho bệnh “suy nhược” của sân khấu cải lương mới là bước khởi đầu. Làm sao để “tăng sức đề kháng” cho sân khấu cải lương mới là vấn đề nan giải. Chương trình hay, hướng đi tốt đã có. Nhưng tại sao sức lan tỏa mới chỉ đến với một bộ phận khán giả phía nam. Thiết nghĩ, nếu như những chương trình giải trí của cải lương được khởi chiếu trên kênh VTV3 thay vì chỉ chiếu trên các kênh truyền hình của địa phương như HTV9, HTV7; nếu như cải lương cũng được trình chiếu vào giờ vàng trên sóng truyền hình như 19h – 20h thay cho các giờ phát sóng hiện tại là 1h, 21h thì chắc chắn cải lương sẽ khởi sắc. Đến khi nào sân khấu cải lương mới gặp được “ông bụt, bà tiên” chịu tài trợ đầu tư cho các chương tình truyền hình cải lương được lên sóng theo nguyện vọng thì may ra ước mơ kia sẽ trở thành hiện thực.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33252502-tim-huong-di-cho-san-khau-cai-luong.html