Tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ

Trong hai ngày 21 và 22/11, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ (XMC) cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2023-2030.

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Minh Thu

Dự Hội thảo có đại diện Bộ Công an, Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục các tỉnh phía Bắc.

Khai mạc hội thảo, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên cho biết: Công tác XMC là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được quan tâm và bền bỉ triển khai ngay từ những ngày đầu cách mạng Tháng Tám năm 1945, với các phong trào “Bình dân học vụ”, “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ” theo lời dạy của Bác Hồ.

Cùng với phổ cập giáo dục, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả XMC được Chính phủ quan tâm đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Công tác XMC cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học XMC. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được 53.965 người ra học XMC, trong đó có 44.087 học viên là người DTTS. Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Thu

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết, năm 1992 Bộ GD&ĐT và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Chương trình phối hợp số 4641/CTPH ngày 30/7/1992 về thực hiện “Phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học và chống mù chữ” ở các xã vùng cao biên giới, hải đảo. Năm 2011, hai Cơ quan ký kết Chương trình số 920/CTr-BGDĐT-BTLBP ngày 05/9/2011 về phối hợp đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả PCGD tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo (giai đoạn 2011- 2015). Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình phối hợp đã có gần 70.000 người được XMC, hơn 80.000 em được PCGD tiểu học, gần 50.000 học sinh bỏ học được vận động trở lại trường, đặc biệt đã xóa được trên 40 thôn, bản “trắng” về giáo dục, trong đó có phần đóng góp của cán bộ chiến sỹ BĐBP và các thầy, cô giáo đang làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, biển, đảo.

Năm 2018, hai cơ quan tiếp tục ký Chương trình phối hợp số 633/CTrBGĐT-BTLBP ngày 02/3/2018 về “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở địa bàn biên giới, hải đảo (giai đoạn 2018-2025). Hiện nay các đơn vị BĐBP đang phối hợp với ngành giáo dục và địa phương tiếp tục duy trì trên 30 lớp học XMC, lớp học tình thương với trên 700 học viên là đồng bào dân tộc khu vực biên giới, biển, đảo tham gia; vận động hơn 6.000 học sinh bỏ học trở lại trường. Kết quả trên đã góp phần cùng với địa phương tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội, bình đẳng trong học tập; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ở khu vực biên giới, biển, đảo.

Hôi nghị thu hút đông đảo các đại biểu, đại diện các bộ, ngành, địa phương tham gia. Ảnh: Minh Thu

Bên cạnh đó, trước thực trạng nhiều con em đồng bào các DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải bỏ học giữa chừng, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các em học sinh có điều kiện thuận lợi để đến trường, như: Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” (triển khai từ năm 2016) hằng năm hỗ trợ hơn 3.000 cháu (trong đó có khoảng gần 200 cháu ở khu vực biên giới nước bạn Lào, Campuchia), với mức 500 nghìn đồng/tháng đến khi học hết lớp 12; các đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi gần 400 cháu tại đồn. Đến nay, tổng kinh phí cho Chương trình khoảng gần 100 tỷ đồng, từ nguồn vận động cán bộ, chiến sĩ BĐBP trực tiếp ủng hộ và một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Tư lệnh BĐBP được Bộ Quốc phòng giao chủ trì triển khai thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, đã triển khai nhận đỡ đầu 5.437 cháu và nhận nuôi 400 cháu học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, với nguồn kinh phí 72 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Hội thảo, các tham luận, ý kiến đã tập trung trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao ý thức học chữ của người DTTS; vận động người mù chữ đi học xóa mù chữ, không bỏ học giữa chừng; chế độ, chính sách hỗ trợ, động viên người học XMC là người dân tộc thiểu số; phương pháp dạy XMC đặc thù, phù hợp với người DTTS như điều kiện địa lý, phong tục, tập quán…

Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các tổ chức, đoàn thể địa phương trong công tác XMC; giải pháp hạn chế tình trạng tái mù chữ; cách thức tổ chức cho người mới biết chữ tham gia học nghề để làm kinh tế, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình, tạo động lực để tiếp tục học giai đoạn 2 của chương trình XMC...

Bích Thu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-cong-tac-xoa-mu-chu-post469248.html