Tim đập nhanh, ngủ nhiều coi chừng dấu hiệu của bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở trước cổ. Mặc dù có kích thước nhỏ chỉ 30gram nhưng lại đóng vai trò quan trọng cho nội tiết cơ thể. Ở giai đoạn sớm, các bệnh về tuyến giáp ít có biểu hiện.

Tuyến giáp có vai trò tiết ra các hormone để duy trì hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Đồng thời tuyến giáp còn tác động lên tế bào mô của nhiều cơ quan.

Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, tạo ra một lượng hormone vừa phải gọi là bình giáp. Còn khi tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone gọi là suy giáp. Lượng hormone trong tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều thì gọi là cường giáp. Suy giáp và cường giáp có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Đối với bệnh nhân mắc suy giáp do thiếu hụt hormone, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như:

Cơ thể mệt mỏi, lờ đờ, chậm chạp
Hay ngủ, dễ buồn ngủ
Hay quên
Da vàng, dày
Phù mặt, mặt tròn, phù mi mắt dưới.
Các biểu hiện về lông tóc móng bao gồm: tóc rụng, dễ gãy, móng giòn.
Các triệu chứng lên tim mạch: mạch chậm, huyết áp thấp,
Các triệu chứng liên quan đến thần kinh cơ như: đau cơ, đi lại yếu, chậm chạp.

BSCKII Lê Thị Phương Huệ thông tin về một số dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.

Một số dấu hiệu của bệnh cường giáp hay bị nhầm lẫn không phát hiện được vì các triệu chứng của suy giáp rất phong phú. Thường ở giai đoạn muộn, bệnh có nhiều biểu hiện, tuy nhiên ở giai đoạn sớm có nhiều triệu chứng rất khó phát hiện. Nhiều bệnh nhân đến khám than phiền ngủ ngáy to, ù tai, nghe kém… Khi khám phát hiện ra tình trạng hormone tuyến giáp thiếu hụt và gây ảnh hưởng đến hệ thống vòi tai. Thậm chí cường giáp cũng có thể gây ảnh hưởng đến dây thanh quản.

Các biểu hiện của cường giáp thường ngược lại với suy giáp. Bao gồm:

Bệnh nhân ăn nhiều nhưng vẫn sút cân, có thể kèm theo đi ngoài.
Khó ngủ
Bệnh nhân dễ bị kích thích lúc nào cũng lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng.
Khi đi lại yếu cơ gốc chi (thắt lưng, hông, cơ chậu, cơ mông…)
Có thay đổi liên quan đến sinh dục như: rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, thiểu kinh.

Triệu chứng của bệnh tuyến giáp rất phong phú. Tùy vào tình trạng bệnh nhân mắc phải là cường giáp hay suy giáp. Ngoài ra phụ thuộc vào đối tượng và giai đoạn bệnh nhân đến khám bệnh. Có những trường hợp bệnh nhân đến khám với triệu chứng tim đập nhanh và phát hiện ra cường giáp. Bệnh nhân ngủ nhiều và hay quên khi khám thì phát hiện ra suy giáp. Vì vậy những đối tượng nói trên có nguy cơ cao mắc các bệnh về tuyến giáp cần đi tầm soát định kỳ.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp cần đi thăm khám định kỳ để tầm soát bệnh.

Người mắc bệnh tuyến giáp nên ăn gì?

Người mắc bệnh lý tuyến giáp vẫn phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng 4 yếu tố: đường, đạm, mỡ, các vitamin muối khoáng và uống đủ nước. Đối với bệnh nhân mắc cường giáp nên tránh các loại thức ăn có nhiều chất kích thích như: trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá... Khiến tim đập nhanh hơn, khó ngủ hơn và dễ đi ngoài hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân bị cường giáp có thể bị rối loạn đường huyết nhẹ. Vì vậy nên kiêng những đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ sẽ dễ tăng đường huyết cho bệnh nhân. Bên cạnh đó không ăn quá nhiều các đồ ăn chứa nhiều i-ốt và rong biển.

Khám tuyến giáp ở đâu?

Dưới đây là một số địa chỉ khám tuyến giáp uy tín tại Hà Nội.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Địa chỉ: Số 42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Cơ sở 1: Đường Nguyễn Bồ (Ngõ 215 Ngọc Hồi),Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Cơ sở 2: Số 80 Ngõ 82 Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện K. Cơ sở 1: 43 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Cơ sở 3: 30 đường Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

BSCKII Lê Thị Phương Huệ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-dap-nhanh-ngu-nhieu-coi-chung-dau-hieu-cua-benh-tuyen-giap-16923051216541232.htm