Tìm cách quảng bá và bán sản phẩm OCOP

Ngày 5/7, tại tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra hội thảo với chủ đề 'Bàn giải pháp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP'.

Khu vực giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tiêu biểu của các tỉnh tại Trung tâm thương mại GO! Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Khu vực giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tiêu biểu của các tỉnh tại Trung tâm thương mại GO! Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Hội thảo do Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức với sự tham gia của đông đảo các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà phân phối sản phẩm, ban, ngành liên quan.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, trao đổi về các cách thức quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), xây dựng mục tiêu và nhiệm vụ giai đoạn 2021- 2025. Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh hiện có 173 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao; trong đó, có 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao; theo đánh giá của các chủ thể sản phẩm, giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, người tiêu dùng ưa chuộng, doanh số bán hàng tăng so với trước.

Theo ông Trần Nho Hưởng, trong những năm vừa qua, để phát triển, quảng bá, bán sản phẩm OCOP hiệu quả, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch, chợ truyền thống và đưa lên sàn thương mại điện tử. Hiện tại, tất cả các sản phẩm OCOP đều đã được bày bán tại các siêu thị, khu du lịch, điểm dừng nghỉ trên đường cao tốc, một số sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến và áp dụng các biện pháp bảo hộ, khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể,…cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm cấp quốc gia.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện gắn mã số vùng trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương,… Qua đó góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn với các sản phẩm đặc thù, thế mạnh, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, cảnh quan, môi trường nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Tiến sĩ Bùi Đình Hòa, chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP quốc gia cho biết, hiện, 63/63 tỉnh, thành phố đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Các địa phương đã công nhận 9.160 sản phẩm 3 sao trở lên, đã công nhận 20 sản phẩm 5 sao; trong đó, 38,6% chủ thể là hợp tác xã, 25,4% là doanh nghiệp, 33,2% thuộc các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh; còn lại là các tổ hợp tác.

Chương trình OCOP đã và đang mang lại nhiều thành tựu nhất định cho kinh tế nông thôn nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như số lượng sản phẩm OCOP tại các địa phương tăng nhanh nhưng lại chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế mang tính đặc thù, nên chất lượng, giá trị cũng như hiệu quả chưa được như mong muốn; việc phát triển các sản phẩm còn rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến chương trình OCOP, sản phẩm OCOP có gì khác biệt với hàng cùng loại không dán nhãn OCOP để đưa ra quyết định chọn mua; hoặc đối tượng chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ vì vậy cần nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại còn rời rạc chưa đạt hiệu quả cao; khả năng nắm bắt thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh của các chủ thể còn hạn chế;…

Để nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, Tiến sĩ Bùi Đình Hòa cho biết, ngoài việc tiếp tục truyền thông, nâng cao chất lượng các hội chợ, kết nối cung cầu… các chủ thể sản phẩm OCOP cũng như các địa phương cần tích cực thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, kênh giới thiệu và bán hàng trực tuyến.

Cùng với đó, các địa phương xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhân rộng các điểm bán hàng OCOP với việc thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP, dùng sản phẩm OCOP làm quà tặng của địa phương, quảng bá sản phẩm trong hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần ban hành quy chế, chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai chương trình; tích cực đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát sản phẩm đạt chuẩn, không ngừng nâng cao chất lượng cho sản phẩm./.

Trần Trang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tim-cach-quang-ba-va-ban-san-pham-ocop/298152.html