Tìm cách gỡ vướng cho dịch vụ karaoke hoạt động trở lại

Sau 5 năm triển khai Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, bên cạnh những mặt tích cực đã phát sinh những bất cập gây khó khăn cho tổ chức, DN kinh doanh karaoke, vũ trường.

Theo các chuyên gia, sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định khiến các cơ sở kinh doanh này chưa thể hoạt động trở lại sớm.

Bất cập cần tháo gỡ

Ngày 19/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (Nghị định 54), có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2019. Nghị định 54 triển khai thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn thì dịch Covid-19 bùng phát khiến các loại hình kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định phải tạm dừng hoạt động.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đảm bảo điều kiện PCCC trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Năm 2022, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều cơ sở kinh doanh đã không thể hồi phục do tác động của đại dịch; mặt khác, thực trạng cháy nổ tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke sau mở cửa trở lại đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn về tinh thần, vật chất cũng như an toàn, an sinh xã hội. Số liệu tổng rà soát về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên cả nước (tính đến tháng 6/2023) cho thấy, đã có 10.482/15.161 (chiếm 69%) cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động.

Về lâu dài việc cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải theo quy hoạch, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn; không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư, hoạt động của các trụ sở cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Tại cuộc họp nghe báo cáo rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường mới đây, báo cáo của Bộ VHTT&DL nêu rõ, hiện nay, một số quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã phát sinh các tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh karaoke, vũ trường.

Đơn cử, Nghị định 54 quy định điều kiện phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ.

Quy định này gây khó khăn cho DN khi thực tế đa số cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình. Bên cạnh đó, qua đánh giá, điều kiện này cũng không có ý nghĩa cho việc đảm bảo tăng cường công tác PCCC tại cơ sở.

Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định chưa cụ thể hóa các nội dung, dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác có liên quan một cách thống nhất, có hệ thống gây khó khăn cho người dân, DN trong việc tra cứu, thực hiện các quy định.

Về trình tự, thủ tục thẩm định thực tế các địa điểm kinh doanh trước khi cấp phép đã được quy định, nhưng chưa cụ thể được thành phần, phân định trách nhiệm giữa các sở, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong công tác cấp giấy phép, kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Quy định còn chồng chéo

Sau nhiều vụ cháy xảy ra ở các quán karaoke, vũ trường, hoạt động kinh doanh hai dịch này gần như đóng băng bởi nhiều hộ không đảm bảo yêu cầu PCCC. Từ đó, nhiều hộ kinh doanh lên tiếng "kêu cứu" để sớm gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh này.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, liên quan đến quy định PCCC, thời gian qua loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke gặp những vấn đề như: Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến loại hình cơ sở kinh doanh karaoke (xây dựng, PCCC, điện, cấp giấy phép an ninh trật tự) có sự chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho DN trong việc khắc phục, đảm bảo an toàn về PCCC.

Thứ hai, đa số cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình, dẫn đến không đáp ứng đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ngay từ thời điểm đưa công trình vào hoạt động và không được duy trì thường xuyên như: Không đủ lối thoát nạn hoặc không bảo đảm theo quy định; sử dụng vật liệu trang trí nội thất trên đường thoát nạn, phòng hát không bảo đảm yêu cầu về khả năng chịu lửa theo quy định; không trang bị đủ phương tiện PCCC hoặc không duy trì chế độ hoạt động của hệ thống theo đúng chức năng...

Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh, người dân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về PCPC, có tâm lý làm đối phó, dẫn đến vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng.

“Tất cả những nguyên nhân này khiến cho việc thực hiện nghiêm các quy định về PCCC trở nên khó khăn nên khi Chính phủ, dù có chủ trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động PCCC trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm vẫn khiến hoạt động kinh doanh này chưa thể hoạt động trở lại sớm như chúng ta mong muốn” - PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Vì vậy, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Bộ VHTT&DL cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke, tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke theo thẩm quyền, tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke. Đồng thời, Bộ VHTT&DL cần chỉ đạo Sở VHTT&DL các địa phươg kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các DN, hộ kinh doanh karaoke.

“Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, do kinh doanh dịch vụ karaoke là dịch vụ hết sức đặc thù, cần có sự phối hợp của các ngành công an, xây dựng, công thương nên hoạt động quản lý của Bộ VHTT&DL chỉ có thể hiệu quả nếu có sự phối với các bộ, ngành và của UBND các cấp. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương cấp phép, quản lý loại hình dịch vụ này sẽ giúp vừa chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vừa giúp để dịch vụ đặc thù này đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội ở các địa phương” – PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Ngày 19/2 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND về việc phân cấp việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn quản lý đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh Việt Nam và nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về các hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn quản lý.

Lại Tấn, Hằng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-cach-go-vuong-cho-dich-vu-karake-hoat-dong-tro-lai.html