Tiểu thương không vào chợ, chính quyền loay hoay tìm giải pháp

Chợ mới Kế Xuyên được xây dựng xong từ tháng 9-2015 nhưng các tiểu thương không chịu vào chợ buôn bán.

(Cadn.com.vn) - Hơn 1 năm qua, kể từ ngày chợ Kế Xuyên (xã Bình Trung, H. Thăng Bình, Quảng Nam) khánh thành, đưa vào hoạt động nhưng các tiểu thương vẫn không chịu vào chợ mới buôn bán. Nhiều người đã vào buôn bán một thời gian nhưng do quá ế ẩm nên phải chuyển về chợ cũ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Kế Xuyên (cũ) được xây dựng trước năm 1975 có diện tích là 700m2 nên ngày càng xuống cấp. Hơn nữa, chợ cũ nằm giữa khu dân cư và sát QL1A nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trước thực tế đó, năm 2006, Đảng ủy, HĐND xã Bình Trung có chủ trương xin di dời chợ Kế Xuyên đến vị trí mới. Sau khi xem xét về chủ trương, địa điểm, ngày 10-9-2013, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Thông báo số 320 cho phép UBND H. Thăng Bình thu hồi 30.526m2 đất loại 5% do UBND xã Bình Trung quản lý để xây dựng chợ Kế Xuyên mới và khu dân cư quanh chợ. Song do ngân sách địa phương còn khó khăn nên UBND H. Thăng Bình xin chuyển chủ đầu tư sang Cty TNHH Tân Phương Toàn thực hiện việc xây dựng chợ mới theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.

Trong quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân địa phương đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng xem xét một số nội dung liên quan đến việc thu hồi đất, chọn địa điểm xây dựng chợ mới, quá trình xây dựng chợ mới vượt quá diện tích được thu hồi... Những nội dung trên đã được Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét, có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng tại H. Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam sửa chữa, khắc phục một số sai sót trong việc sử dụng căn cứ pháp luật để ban hành quyết định thu hồi đất, xây dựng một số tuyến đường mới đấu nối với chợ... Song, khi chợ Kế Xuyên mới được hoàn thành với nhiều điều kiện thuận lợi hơn, như: nơi mua bán rộng rãi, thoáng đãng, đảm bảo các yêu cầu về PCCC, vệ sinh... nhưng các tiểu thương vẫn không vào chợ mới để buôn bán.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Văn Thịnh (trú thôn Kế Xuyên 2, xã Bình Trung), trình bày: Việc chọn địa điểm xây dựng chợ mới còn nhiều bất cập, như: quá gần với Trường Tiểu học Nguyễn Du, việc mua bán ở chợ sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm cũng như chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, địa điểm của chợ mới nằm trên trục đường liên xã, số lượng người tham gia giao thông quá đông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Ngoài ra, Công ty TNHH Tân Phương Toàn (đơn vị thi công) còn tự ý san lấp, lấn chiếm hơn 3.000m2 đất nông nghiệp để phân lô bán đất làm nhà... Nhân dân chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.

Về thực trạng này, tại buổi làm việc cùng P.V Báo Công an TP Đà Nẵng vào ngày 15-11-2016, Chủ tịch UBND xã Bình Trung Lê Văn Cường cho biết: Hiện tại, các quầy hàng trong chợ mới đã được các tiểu thương đăng ký hết song không tổ chức buôn bán. Nguyên nhân các tiểu thương "chê" chợ mới là do một số hộ dân sống xung quanh chợ cũ có tâm lý khi chợ cũ di dời sẽ không còn điều kiện mua bán, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập nên có hành vi khiếu nại, lôi kéo người khác. Bên cạnh đó là người buôn bán nhỏ, người tiêu dùng chưa quen với địa điểm mới... Còn theo một số tiểu thương, do mức thu tiền mặt bằng tại chợ mới quá cao so với chợ cũ. Cụ thể, một gian hàng 8m2 ở chợ cũ chỉ thu 2,5 triệu đồng cho 15 năm nhưng tại chợ mới có mức thu 4 triệu đồng/1 năm, diện tích gian hàng quá chật...

Trước tình trạng tiểu thương kiên quyết không chịu vào chợ mới, UBND H. Thăng Bình đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Theo Phó chủ tịch UBND H. Thăng Bình Nguyễn Văn Húy, trước mắt, UBND H. chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Bình Trung tổ chức tuyên truyền, vận động các tiểu thương chấp hành chủ trương di dời đến chợ mới. Trong thời gian đến, UBND huyện sẽ ra quyết định đóng cửa chợ cũ và xử lý nghiêm các đối tượng chây ì, không chịu di dời hoặc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến TTATGT. Đối với những tiểu thương di dời đến chợ mới sẽ được hỗ trợ tiền mặt bằng và các loại phí khác trong thời hạn 1 năm. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại cho những hộ sống xung quanh chợ cũ (mức hỗ trợ sẽ được xem xét cụ thể đối với từng hộ) và có một số cơ chế ưu đãi khác nhằm khuyến khích các tiểu thương thực hiện việc di dời.

Mong rằng, với những biện pháp, chính sách ưu đãi như vậy các tiểu thương sớm chấp hành chủ trương di dời đến nơi mua bán mới nhằm ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng xã Bình Trung thành một địa phương tiêu biểu trong việc xây dựng nông thôn mới tại Quảng Nam.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_157800_tie-u-thuong-khong-va-o-cho-chi-nh-quye-n-loay-hoa.aspx