'Tiêu một đồng cũng phải ke'

Chính phủ đã có báo cáo thẳng thắn trước Quốc hội những khó khăn trong quản lý thu chi ngân sách và vấn đề nợ công. Điều này được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Lo lắng về nợ công luôn làm "nóng" các kỳ họp của Quốc hội. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là trách nhiệm của cơ quan dân cử để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Nhìn một cách công bằng, tỷ lệ nợ công cao chưa hẳn là nguy hiểm. Ví dụ, tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật Bản đã lên tới hơn 200% GDP vượt xa so với các nước khác. Nợ công của Nhật Bản hiện nay lớn hơn cả quy mô kinh tế của Anh, Đức, Pháp cộng lại. Tuy nhiên, nợ công nước này cao nhưng lại không đáng lo vì việc sử dụng đồng tiền đi vay có hiệu quả. Song, việc Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ vào ngày 1-7-2015 đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với nhiều quốc gia ngập trong nợ nần.

Trong bối cảnh đất nước cần nhiều nhu cầu cho đầu tư phát triển, vay nợ cho mục đích này là điều không phải bàn cãi. Tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với nỗ lực của ngành Tài chính thời gian qua đảm bảo an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính. Nước ta còn nghèo, cần vay nợ chi cho đầu tư phát triển, trong khi đó, tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn chưa đạt mục tiêu đề ra. Còn nữa, nguồn thu ngân sách cũng gặp khó do giảm thuế, giá dầu giảm, doanh nghiệp chưa phát triển như kỳ vọng... là những nguyên nhân gây áp lực lên nợ công.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội đã hiến kế. Có đại biểu cho rằng muốn giảm được nợ công cần phải nuôi dưỡng và tăng thu, giảm chi. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu tổng thể nợ công, hay tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy nợ nần đối với nguồn vốn ODA...

Vay nợ không quan trọng bằng sử dụng hiệu quả và có nguồn trả nợ. Lần này, Chính phủ trình Quốc hội một loạt các giải pháp liên quan đến điều hành trong lĩnh vực tài chính- ngân sách và nợ công cho thấy một cái nhìn nghiêm túc, tổng thể và dài hơi về vấn đề này. Những chỉ số an toàn nợ công được nhìn nhận nghiêm túc. Trần nợ công không được thay đổi, trong trường hợp nới nợ Chính phủ, thì nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương phải giảm là sự kiên quyết trong chủ trương của Chính phủ.

Trong thời gian tới, việc tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm bội chi, giảm nợ công là một trong những ưu tiên trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính.

"Trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, chi tiêu một đồng cũng phải căn ke", đó là chia sẻ của một đại biểu trước Quốc hội. Nhìn xa hơn, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, vẫn phải đặt ra yêu cầu chi tiêu công tiết kiệm, hiệu quả, coi đây là bước đột phá trong quản lý, sử dụng ngân sách.

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tieu-mot-dong-cung-phai-ke.aspx