Tiêu điểm: Cần làm rõ trách nhiệm trong sai phạm bán bảo hiểm qua ngân hàng

Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc hôm qua 19/3, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các nhóm vấn đề tài chính và ngoại giao do UBTVQH lựa chọn chất vấn lần này đều là các vấn đề nóng được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng các Bộ trưởng sẽ có các phần trả lời làm rõ trách nhiệm và rõ giải pháp.

Vấn đề nóng nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trước sự phát triển nóng của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng thời gian qua.

Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội đã đeo bám quyết liệt vấn đề bức xúc này suốt từ kỳ họp thứ 5 đến nay. Trước các câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc giải quyết khiếu kiện liên quan đến bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, theo chức năng nhiệm vụ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ đứng ra xử lý.

Tuy nhiên, một số khách hàng bảo hiểm nhân thọ khiếu kiện cho rằng khi tìm đến Cục quản lý giám sát bảo hiểm thì Cục chưa làm hết chức năng của mình.

Trả lời câu hỏi về hướng xử lý những sai phạm của bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng, Bộ trưởng cho biết, nhiều sai phạm có thể do nhân viên ngân hàng chứ chưa chắc là chỉ đạo của cấp trên.

SAU 2 LẦN THÍ ĐIỂM CASINO, CẦN MỘT CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ RÕ RÀNG

Ở nhiều quốc gia, casino đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, du lịch và thu hút đầu tư. Còn tại Việt Nam, sau 5 năm thí điểm cho người Việt vào chơi casino, đến nay kinh doanh casino đã đem lại một số kết quả ban đầu. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề này một lần nữa làm nóng nghị trường.

Năm 2016, cho phép thí điểm cho người Việt vào chơi casino tại Phú Quốc và Vân Đồn. Nhưng casino Vân Đồn chưa được xây dựng nên việc thí điểm này mới chỉ ở tại Phú Quốc từ 2019. Đến năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thí điểm thêm 2 năm. Và đến nay, khi hết thời hạn thí điểm, vấn đề quản lý casino được đại biểu đặc biệt quan tâm chất vấn.

Casino là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm nên cần quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đã qua 2 lần thí điểm, thời gian đủ dài để có một định hướng quản lý rõ ràng cho loại hình kinh doanh đặc thù này.

CHẶT ĐỨT CÁC ĐƯỜNG DÂY “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, một vấn đề thời sự làm nóng nghị trường là các đường dây lừa đảo đưa lao động trái phép ra nước ngoài - hay còn gọi là các bẫy "việc nhẹ, lương cao". Những câu chuyện "tiền mất, tật mang" đã được cảnh báo liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng những cái kết đau lòng vẫn chưa có điểm dừng.

Bộ trưởng Ngoại giao thừa nhận tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động qua biên giới là vấn đề rất phức tạp từ năm 2020 đến nay vì không phải chỉ là vấn liên ngành mà còn phải phối hợp với nhiều nước bạn mới có thể xử lý được.

Năm 2023, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan chức năng sở tại ở Campuchia, Philippines, Thái Lan, Lào, Myanmar giải cứu, hỗ trợ đưa khoảng 1.500 công dân về nước, trong đó điển hình là các vụ tại Philippines và Campuchia. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là một phần nhỏ trong các đường dây cưỡng bức lao động, đang rất cần các nỗ lực quyết liệt hơn nữa của Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng.

CẢI TỔ NGÀNH NGOẠI GIAO SAU VỤ "CHUYẾN BAY GIẢI CỨU

Một vấn đề thời sự nóng khác cũng được các đại biểu đề cập, đó là đại án “Chuyến bay giải cứu” - một trong những vụ án trọng điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nhiều lãnh đạo Bộ Ngoại giao vướng vòng lao lý. “Một sự việc đau xót” là điều Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thừa nhận trước cử tri cả nước, nhưng người đứng đầu ngành Ngoại giao cũng khẳng định, cần ngay lập tức phải có những nỗ lực quyết liệt để lấy lại uy tín của ngành.

Gần 2 năm đại dịch Covid-19, hơn 2.000 chuyến bay giải cứu gần 240.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước - chiến dịch của Nhà nước được nhân dân hưởng ứng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao khi một nhiệm vụ dường như bất khả thi khi đó đã được hoàn thành.

Thế nhưng, niềm tự hào đã nhanh chóng biến thành nỗi đau, khi lợi dụng chủ trương nhân văn của nhà nước, 54 người, trong đó có nhiều lãnh đạo, cán bộ ngoại giao, bằng nhiều thủ đoạn đã trục lợi cá nhân, “ăn tiền” trên những chuyến bay giải cứu đồng bào.

Chỉ trong 1 ngày, đã có 69 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận, với tổng số 86 câu hỏi bám sát các vấn đề cử tri quan tâm. Nhiều cử tri nhận định Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc với nhiều kinh nghiệm trả lời chất vấn, đã trả lời trực diện, mạch lạc, không né tránh, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát nhiệm vụ của ngành. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dù lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc lĩnh vực phụ trách, đã trả lời rõ ràng, thẳng thắn, cầu thị vào các vấn đề đại biểu nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về chất vấn làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện nghị quyết và lời hứa của các vị trưởng ngành.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Cát Sinh - Lê Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-can-lam-ro-trach-nhiem-trong-sai-pham-ban-bao-hiem-qua-ngan-hang-215016.htm