Tiểu chuẩn PGS, GS: Hãy bỏ những cái rườm rà, tìm tiêu chí chất lượng thực sự

“GS, PGS trước hết ứng viên phải là người “có tên tuổi” trong một lĩnh vực hoạt động khoa học và có những công bố có “giá trị khoa học và thực tiễn” trong các tạp chí khoa học chuyên ngành", PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư để lấy ý kiến góp ý. Dự thảo này có một số thay đổi so với Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg về Ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS).

PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những tiêu chuẩn để phong hàm giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, muốn tuyển chọn và bổ nhiệm được các GS, PGS có chất lượng thực sự, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và khoa học của nước nhà thì các tiêu chí đưa ra về tiêu chuẩn của các ứng viên phải gắn liền với “Tiêu chí chất lượng thật sự”.

Vậy lấy gì để đánh giá “Tiêu chí chất lượng thật sự” của một ứng viên GS, PGS? Ở nước ngoài, muốn trở thành GS, PGS trước hết ứng viên phải là người “có tên tuổi” trong một lĩnh vực hoạt động khoa học. Bởi những công trình nghiên cứu khoa học và những công bố có “giá trị khoa học và thực tiễn” trong các tạp chí khoa học chuyên ngành có chất lượng sẽ được nhiều nhà khoa học biết đến.

Ngoài ra, người đó cũng cần có nhiều học trò (nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên) tìm đến họ để được họ truyền đạt những kiến thức khoa học thực sự với tâm huyết và niềm đam mê của cả thầy và trò.

Họ có thể đứng trên bục giảng để giảng về chuyên môn, chuyên đề khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu với uy tín cao, kể cả trong nước và nước ngoài, nhưng không nhất thiết phải tính chi li mỗi năm họ phải đứng trên bục giảng bao nhiêu giờ. Vì đứng trên bục giảng để giảng kiến thức cơ bản thì trợ lý của họ cũng có thể giảng được.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của cá nhân tôi, giảng dạy phải gắn liền với nghiên cứu khoa học và ngược lại, nghiên cứu khoa học phải gắn liền với giảng dạy thì chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học mới cao. Chỉ có thế, chúng ta mới đào tạo ra được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà sư phạm có thực sự chất lượng.

Thực tế cho thấy, các trường đại học nổi tiếng, “cái nôi” sinh ra các giải thưởng Nobel, các công trình nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học vĩ đại như Đại học Cambridge, Đại học Oxford, của Vương Quốc Anh, Đại học Harvardhoặc MIT của Hoa Kỳ v.v… đều có mô hình kết hợp nghiên cứu và giảng dạy cực kỳ tuyệt vời.

Vì thế, nếu thực sự muốn nền giáo dục và khoa học nước nhà phát triển thì “tiêu chuẩn” để dựa vào đó mà tuyển chọn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS là cực kỳ quan trọng. Hãy cố gắng xây dựng tiêu chuẩn dựa trên “Tiêu chí chất lượng thật sự”.

Hãy kiên quyết loại bỏ những tiêu chuẩn rườm rà để tuyển chọn và bổ nhiệm được các GS, PGS thực sự có uy tín về khoa học và trình độ chuyên môn, được cả xã hội, đồng nghiệp và học trò ngưỡng mộ, khâm phục và tôn trọng.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tieu-chuan-pgs-gs-hay-bo-nhung-cai-ruom-ra-tim-tieu-chi-chat-luong-thuc-su-post225226.info