Tiết lộ bất ngờ về gia đình kẻ đánh bom tự sát ở Manchester

Gia đình kẻ đánh bom tự sát tại sân vận động Manchester (thành phố Manchester, Anh) là một phần của mạng lưới khủng bố toàn cầu. Tổng cộng đã có 9 người đã bị bắt liên quan đến vụ tấn công khủng bố này.

Theo thông tin vừa được tiết lộ đêm qua (24.5), gia đình của kẻ đánh bom tự sát Salman Abedi có liên quan đến mạng lưới khủng bố toàn cầu.

Salman Abedi - kẻ đánh bom tự sát ở Manchester khiến 22 người thiệt mạng và ít nhất 119 người bị thương - có thể dính líu tới cả 3 vụ tấn công khủng bố tàn bạo ở sân vận động Manchester Arena, ở Paris và Brussels, các nhà điều tra cho hay. Một giả thuyết được đưa ra cho rằng, Abedi là một phần tử thuộc nhóm khủng bố "Man in the Hat", trong đó có Mohamed Abrini - liên quan đến các vụ thảm sát hàng loạt ở Paris và Brussels. Mohamed Abrini từng đến Manchester vào năm 2015.

Salman Abedi- kẻ đánh bom tự sát ở sân vận động Manchester.

Cha của Abedi là Ramadan và em trai Hashem đêm qua cũng đã bị cảnh sát chống khủng bố bắt tại Lybia. Các nhà điều tra cho biết, Hashem có liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và đang có kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công ở Tripoli. Hashem bị buộc tội không tố giác khi biết về kế hoạch tấn công khủng bố của em trai từ hơn 1 tháng trước. Còn người cha Ramadan được báo cáo là một chiến binh thuộc phong trào Salafi Jihadi thuộc giáo phái cực đoan nhất Salafism, từng tuyên bố công khai ủng hộ nhóm khủng bố Al Qaeda ở Syria.

Hashem - em trai của Salman Abedi.

Người thứ ba có liên quan là anh trai Ismail cũng đã bị bắt tại Manchester. Người này cũng từng bị liệt vào danh sách của một đơn vị chống khủng bố. Ismail bỏ ngang việc học đại học để đi du lịch sang Trung Đông và được đào tạo kỹ năng khủng bố ở Syria. Ismail từ Libya trở lại Anh chỉ vài ngày trước khi vụ đánh bom tự sát xảy ra.

Tờ Independent đưa tin, bà Samia (50 tuổi, mẹ của Abedi, một nhà khoa học hạt nhân) cũng đã bị bắt tại Manchester. Các quan chức tình báo trích dẫn theo nguồn tin tình báo ở Mỹ cho biết, Samia sợ rằng con trai mình đã bị tẩy não.

Còn chị gái Jomana nói rằng, cô rất ngạc nhiên trước hành động đánh bom tự sát của Abedi vì theo cô, cậu em trai mình tử tế và rất yêu thương chị.

Ramadan (cha của Abedi) đã bị bắt đêm qua tại Tripoli.

Có tin rằng, Abedi sinh lòng thù hận vì cái chết của cậu bạn Abdul Wahab Hafidah - một người Anh gốc Libya. Abdul Hafidah đã chết sau khi bị một chiếc ôtô đi ẩu đâm vào. Abedi cho rằng, đó là do sự ngược đãi đối với người Hồi giáo ở Anh.

Đêm qua, các cơ quan anh ninh phải đối mặt với những câu hỏi khó sau khi một nhân viên cộng đồng Hồi giáo giấu tên nói rằng, nhiều thành viên của cộng đồng cách đây 5 năm đã liên tục gọi đến đường dây nóng của cảnh sát chống khủng bố để phản ánh về quan điểm và những hành động cực đoan của Abedi. Nhân viên này cho BBC hay, Abedi khi theo học đại học đã tuyên bố "ủng hộ chủ nghĩa khủng bố", bày tỏ quan điểm đồng tình với hành động đánh bom tự sát.

Một nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo khác cũng từng báo cáo về Abedi cách đây 2 năm vì nghi ngờ liên quan đến chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Akram Ramadan (49 tuổi), một người của cộng đồng Hồi giáo Lybia gần miền nam Manchester, cho biết Abedi nằm trong danh sách theo dõi vì nhà thờ Hồi giáo báo cáo với ông rằng chính quyền phản ánh về quan điểm cực đoan của Abedi.

Hashem Abedi (20 tuổi, bên trái, em trai của kẻ đánh bom liều chết ở Manchester) cũng đã bị bắt ở Libya. Ismail (anh trai của Salman Abedi, giữa) bị bắt tại Anh.

Liên quan đến vụ đánh bom ở Manchester, các nhà chức trách cho tờ ABCNews hay, họ tìm thấy xưởng chế tạo bom ở nhà của Abedi. Dường như Abedi dự trữ đủ các chất hóa học để chế tạo bom.

Tuy nhiên, nhiều nhà điều tra tin rằng Abedi chỉ là một "con lừa", còn các chuyên gia chuẩn bị sẵn hết thiết bị cho nam thanh niên 22 tuổi này đang có âm mưu gây đổ máu thêm nữa.

Khalid Mahmood thuộc Bộ Lao động nói với MailOnline rằng, trường hợp Abedi chứng minh sự yếu kém của hệ thống kiểm soát dọc biên giới nước Anh. Ông cũng cho hay, số lượng nhân viên kiểm soát biên giới đã giảm 50% kể từ năm 2010. "Chúng tôi không có và chưa bao giờ có đường biên an toàn", ông Mahmood nói.

Ông Mahmood cho rằng, bà Theresa May phải "chịu trách nhiệm" về vấn đề biên giới này vì bà là Bộ trưởng Nội vụ trong 6 năm.

Tin bài đọc nhiều

Gia Minh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/tiet-lo-bat-ngo-ve-gia-dinh-ke-danh-bom-tu-sat-o-manchester-667919.bld