Tiết kiệm trong dân cư: Những kinh nghiệm thoát nghèo

Với những sản phẩm huy động và cho vay nhỏ nhưng hiệu quả đã góp phần rất lớn giúp các hộ gia đình ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và những vùng miền còn nhiều khó khăn phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.

Từ phong trào “Hũ gạo Bác Hồ”

Thời kỳ kháng chiến kiến quốc, phong trào “hũ gạo tiết kiệm” mà Bác Hồ là người đi đầu thực hiện đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của hai cuộc kháng chiến. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đồng tiền tiết kiệm chảy qua hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế miền Bắc, cung ứng nguồn lực phục vụ cho giải phóng miền Nam.

Nhân viên ngân hàng tư vấn tiết kiệm trong dân cư. Ảnh minh họa.

Theo Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, năm 1960, tổng số tiền huy động tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng đạt 45,9 triệu đồng tiền ngân hàng mới, đến năm 1963 đã tăng lên gấp đôi 104,8 triệu đồng tiền ngân hàng và đóng góp một nguồn vốn rất lớn cho hoạt động ngân hàng thời kỳ kháng chiến.

Hòa bình lập lại, các dòng vốn tiết kiệm lại tiếp tục tham gia vào công cuộc dựng xây, kiến thiết nước nhà. Từ sau năm 1975 đến nay, hệ thống ngân hàng đã không ngừng đổi mới trong việc thực thi nhiệm vụ huy động vốn và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, nếu như năm 1990, tỷ lệ huy động vốn/GDP mới chỉ đạt 20% thì đến nay tổng huy động vốn qua hệ thống ngân hàng đã đạt khoảng trên 100% GDP, trong đó tỷ lệ tiết kiệm tăng từ 5% lên 30% so GDP.

Một minh chứng điển hình cho phong trào tiết kiệm cần được quan tâm, thúc đẩy trong giới phụ nữ, theo báo cáo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, trong 5 năm (2012-2016), với số tiền tiết kiệm chỉ từ 5.000đ – 10.000đ theo định kì hàng tuần, hàng tháng, 11 triệu hội viên Hội LHPN Việt Nam đã tạo được nguồn quỹ tiết kiệm trên 6 nghìn tỉ đồng, từ đó giúp 1,5 triệu phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững

Chia sẻ về ý nghĩa của việc thực hiện tiết kiệm, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, việc tiết kiệm, kể cả tiết kiệm những khoản tiền rất nhỏ nhưng nếu đúng cách cũng sẽ đem lại những hiệu quả to lớn đối với đời sống kinh tế xã hội.

Đến ngân hàng tiết kiệm

“Việc phát triển các sản phẩm tài chính với các mạng lưới huy động và cho vay phù hợp, tập trung vào các đối tượng là phụ nữ và các gia đình nghèo có thể tạo thành một nguồn vốn rất lớn, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình và nâng cao mức sống của người dân.

Hơn thế, tỷ lệ tiết kiệm còn phản ánh kết quả giảm nghèo và có tác động rất lớn tới sự phát triển chung của nền kinh tế. Đặc biệt, tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng có vai trò rất quan trọng góp phần cân đối và đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng”, Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Liên Việt cho biết.

Thực tế cho thấy, tiết kiệm trong dân cư tạo nguồn vốn để đầu tư, kinh doanh, mở rộng sản xuất góp phần phát triển kinh tế của hộ gia đình nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Ở Đức, khi nói đến tiền bạc, 84% người Đức nhắc đến từ Sparkasse (Ngân hàng tiết kiệm).

Ngân hàng (NH) tiết kiệm được thành lập từ cuối thế kỷ 18, khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng ở Đức. Cho đến nay, thị phần của NH tiết kiệm là trên 50% đối với tiết kiệm và gần 40% thị phần cho vay của Đức. Với 26.000 máy ATM và khoảng 15.000 điểm giao dịch giúp người nghèo và người thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ có thể đến gửi tiền và vay tiền để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách dễ dàng, thuận lợi.

Ở Philipin, tổ chức CARD cũng tập trung vào phát triển các sản phẩm tiết kiệm cho người nghèo và phụ nữ nghèo để có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và nuôi sống gia đình họ. Từ những khoản tiết kiệm rất nhỏ tương đương từ 4 đô la Mỹ và những món vay từ CARD rất nhiều phụ nữ Philipin đã giúp bản thân và gia đình họ thoát nghèo, thậm chí có thể mua được nhà để ở.

Tại Việt Nam, hiện đang có một số Ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tài chính vi mô phát triển mạnh hoạt động huy động tiết kiệm và cho vay đối với các đối tượng nhỏ, lẻ, các hộ gia đình nghèo và phụ nữ để phát triển kinh tế. Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, các tổ chức tài chính vi mô như TYM, … đã mở rộng tới các vùng miền trong cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Nghiên cứu chiến lược, Quan hệ và Kinh doanh quốc tế (NH TMCP Liên Việt): Hiện tại còn có rất nhiều dư địa cho hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam do hiện nay tài chính vi mô mới đáp ứng được một phần nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, ở các nước khác đã có thể đáp ứng được 70%, cá biệt có nước còn đạt được mức 90%.

Phương Linh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tiet-kiem-trong-dan-cu-nhung-kinh-nghiem-thoat-ngheo-44679.html