Tiếp tục sàng lọc, xử lý ngân hàng yếu kém

Trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thì lĩnh vực tái cơ cấu các TCTD đã có những bước đi rõ ràng hơn cả.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của NHNN, các phương án cơ cấu lại ngân hàng đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào. “Các ngân hàng yếu kém đang tích cực triển khai cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Nhờ đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này đã ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại; các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo quy định” – NHNN cho biết.

Việc tái cơ cấu TCTD sẽ không chỉ dừng lại ở 9 ngân hàng yếu kém. Theo nguồn tin của Thời báo Ngân hàng, NHNN đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm 2 NHTMCP và 6 TCTD phi ngân hàng cần cơ cấu lại và yêu cầu các TCTD này xây dựng Phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015.

Đối với các NHTM Nhà nước, NHNN đang chỉ đạo các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa hoàn thiện phương án cơ cấu lại từ nay đến năm 2015 phù hợp với thực trạng hoạt động của từng ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong việc thực hiện tái cơ cấu các TCTD, TS. Cao Sĩ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, bên cạnh các NHTM Nhà nước, các ngân hàng nước ngoài cũng phải được xử lý những tồn tại, yếu kém. Lý do vì hoạt động ngân hàng mang tính hệ thống rất cao, chỉ cần một vài ngân hàng yếu tồn tại sẽ bị chi phối ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Một đại diện của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, trên thực tế NHNN cũng đang tạo điều kiện và khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các TCTD Việt Nam, đặc biệt là các TCTD yếu kém để cơ cấu lại các TCTD này. Cơ quan này đã trình Chính phủ Nghị định quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM, trong đó có thể xem xét cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trên 20% vốn điều lệ.

NHNN cũng đang đề nghị một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng hoạt động không hiệu quả; hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.

Để triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp cơ cấu lại các TCTD yếu kém, một lãnh đạo cấp Vụ của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, thời gian tới, cơ quan này tiếp tục duy trì Tổ giám sát của NHNN tại ngân hàng yếu kém chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại và khẩn trương hoàn thiện Phương án cơ cấu lại phù hợp với thực tế tình hình của TCTD để trình NHNN phê duyệt.

Trường hợp Phương án của TCTD yếu kém không được chấp thuận thì NHNN sẽ áp dụng các biện pháp: đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; NHNN trực tiếp hoặc chỉ định TCTD khác góp vốn, mua cổ phần bắt buộc; sáp nhập, hợp nhất bắt buộc với TCTD khác. Như vậy, có thể thấy NHNN đã, đang mạnh tay xử lý các TCTD yếu kém, không loại trừ các ngân hàng nước ngoài. Việc sàng lọc, cơ cấu lại hệ thống các TCTD vẫn còn tiếp tục và sẽ được NHNN đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Thời báo ngân hàng

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/tiep-tuc-sang-loc-xu-ly-ngan-hang-yeu-kem-9029.html