Tiếp tục hành trình tìm công lý

Chiến tranh trôi qua đã gần 40 năm nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn nhức nhối. Nhân kỷ niệm 51 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8), PV Báo SGGP trao đổi với bà Đặng Hồng Nhựt, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) TPHCM, đồng thời là nạn nhân trực tiếp gánh chịu nỗi đau chất độc da cam…

Bà Đặng Hồng Nhựt

- PV: Là một trong những người đầu tiên tham gia hành trình đi tìm công lý, bà bức xúc nhất điều gì?

Bà Đặng Hồng Nhựt: Hiện nay, hơn 3 triệu NNCĐDC Việt Nam đang hàng ngày phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt, đang quằn quại đau đớn bởi những bệnh nan y, hàng vạn người đã chết trẻ, đặc biệt con cháu họ sinh ra sau chiến tranh bị dị dạng dị tật, chưa kể hàng triệu bào thai chưa kịp chào đời, mức sống của các gia đình nạn nhân ở dưới mức nghèo khổ. Thế nhưng, các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có công ty Dow Chemical và Monsento đã sản xuất ra chất độc da cam và những người đưa ra quyết định sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn cố tình lảng tránh trách nhiệm. Bất công hơn, cùng là NNCĐDC nhưng các cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường từ năm 1985, còn NNCĐDC ở Việt Nam thì bị lãng quên.

- Trong lúc chưa có sự đền bù từ phía các công ty hóa chất Mỹ thì chúng ta đã “tự cứu mình” như thế nào?

Nền kinh tế nước ta mới được khôi phục sau 3 thập kỷ bị chiến tranh tàn phá, vậy mà phải cưu mang hơn 3 triệu NNCĐDC (tương đương 2,4% dân số) đã gây thêm gánh nặng chi phí quá lớn. Nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng xã hội và các nhà hảo tâm trong - ngoài nước đóng góp hàng tỷ USD giúp đỡ những NNCĐDC. Riêng TPHCM, hàng năm Sở LĐTB-XH TP trợ cấp cho hơn 4.500 NNCĐDC, các đơn vị, cá nhân hảo tâm đóng góp tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, dạy nghề, trao học bổng cho các NNCĐDC…

Hàng ngàn chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

- Hội NNCĐDC TPHCM vừa có bản kiến nghị yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ có trách nhiệm khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Đó là những nội dung gì, thưa bà?

Đã đến lúc tất cả chúng ta cần yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ và phía Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam nhằm làm vơi bớt nỗi đau tột cùng của các NNCĐDC. Theo đó, giúp các NNCĐDC bị bệnh hiểm nghèo được chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh, tăng dinh dưỡng…; giúp các NNCĐDC thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 bị khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng. Số còn khả năng học chữ, học nghề cần được đỡ đầu, được hỗ trợ để các em vượt qua tật nguyền, học hành thành đạt, tự lực kiếm sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội; xây dựng các cơ sở xã hội để cưu mang những NNCĐDC bệnh tật không nơi nương tựa. Đã là công lý thì không có biên giới, NNCĐDC/dioxin dù ở nước nào cũng phải được đối xử như nhau. Chúng ta không thể để quá lâu các công ty hóa chất Mỹ và những ai ra quyết định sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam kéo dài sự lãng quên trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng do họ gây ra.

Nhân dịp kỷ niệm 51 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội NNCĐDC/dioxin TPHCM tha thiết kêu gọi toàn thể mọi người và tất cả những người có lương tri trên khắp mọi miền đất nước và khắp hành tinh hãy ký tên vào bản kiến nghị này để yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ và những người Mỹ có trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh, chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo lý. Nỗi đau của NNCĐDC là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và là nỗi đau của nhân loại tiến bộ, do đó việc thực thi bản kiến nghị này là thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của mỗi chúng ta nhằm xoa dịu nỗi đau của các NNCĐDC/dioxin.

Minh Yến

Nụ cười xinh cho em

Mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) TPHCM phối hợp với một công ty truyền thông Hàn Quốc đưa 5 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin của TPHCM sang Hàn Quốc phẫu thuật chỉnh hình nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho các em.

Các nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hòa Bình.

Cháu Nguyễn Minh An bị nhiễm chất độc da cam từ khi mới chào đời, thân hình co quắp dị dạng, thực quản hẹp, không thể ăn uống được. Cha mẹ bỏ rơi em từ khi chưa đầy 3 tuổi. Làng Hòa Bình mang em về nuôi đến nay đã 17 tuổi. Suốt mười mấy năm trời, các bà mẹ Làng Hòa Bình phải xay nhuyễn thức ăn rồi dùng ống bơm vào thực quản để nuôi em khôn lớn. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện mổ vòm họng, nong thực quản cho em nhưng rất tiếc ca phẫu thuật không thành công nên cuộc sống em gần như rơi vào cảnh bế tắc. May sao, em được Hội NNCĐDC/dioxin TPHCM và một công ty truyền thông Hàn Quốc tài trợ đưa em sang Hàn Quốc phẫu thuật vòm họng, nong thực quản, chỉnh hình miệng… Nhờ ca mổ thành công nên giờ đây em đã tự ăn uống được, môi miệng gọn gàng hơn, em còn nói chuyện được với mọi người và cả… bạn gái!

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TPHCM nhấn mạnh: “Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo; là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, vì vậy cả xã hội hãy giúp đỡ họ…”. Một trong những nạn nhân đau khổ ấy là em Nguyễn Minh Hiệp, bị bỏ rơi từ nhỏ, thân hình dị dạng, hai bàn tay và hai bàn chân bị chẻ đôi không thể đi lại được. Các bác sĩ Việt Nam phải phẫu thuật đoạn chi để em có thể đi được. Tương tự, em Nguyễn Hồng Lợi, bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc 3 tuổi. Làng Hòa Bình đưa em về nuôi đến nay đã 25 tuổi. Em có gương mặt thông minh nhưng cụt hai chân và một tay. Các bác sĩ Làng Hòa Bình đã đưa em sang các nước Đức, Nhật làm chân tay giả để giúp em có điều kiện mưu sinh. Tuy chỉ còn một tay nhưng em đi vẽ áo dài thuê cho một nhà may nổi tiếng, nhờ vậy có thêm thu nhập. Dù cơ thể không toàn vẹn nhưng em bơi lội rất giỏi, được tặng 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc môn bơi lội tại các cuộc thi dành cho người khuyết tật.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Trưởng khoa phẫu thuật phục hồi chức năng tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM cho biết: “Hiện nay Làng Hòa Bình đang nuôi dưỡng khoảng 60 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, hàng ngày phải chứng kiến các em la hét, quằn quại vì đau đớn, mọi người cố gắng làm hết sức mình để góp phần xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân…”. Thật xót xa khi thấy bé Nguyễn Thị Hoài Thương xinh xắn lanh lợi nhưng lại bị cụt cả hai tay, em chấp chới như con chim cánh cụt đáng thương. Bé Bùi Thị Thúy Vi, mới 10 tháng tuổi, có khuôn mặt dị dạng, thân hình tong teo, bị cha mẹ bỏ rơi ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời, may được các bảo mẫu trong Làng Hòa Bình nuôi dạy đến nay và vừa được sang Hàn Quốc chữa bệnh. Nhờ ca phẫu thuật thành công nên nay em đã có được khuôn mặt xinh xắn, nụ cười tươi. Chị Huỳnh Thị Thanh, bảo mẫu Làng Hòa Bình, người trực tiếp nuôi dưỡng bé Thúy Vi tâm sự: “Mang lại nụ cười xinh và cuộc sống tươi đẹp hơn cho các nạn nhân da cam, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc…”.

Minh Ngọc

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2012/8/296040/