Tiếp thêm động lực cho các tác giả sáng tạo tác phẩm

Từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, các nhà văn, tác giả quan tâm đến đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' vừa hội ngộ tại thành phố biển Vũng Tàu. Tách ra khỏi công việc thường ngày, những người cầm bút có 2 tuần tập trung sáng tác, trao đổi về văn chương trong không gian xanh rợp và lộng gió. 34 tác phẩm được hình thành, triển khai, hoàn thiện, theo đánh giá của ban tổ chức là bội thu hơn cả dự kiến.

Nhà văn Trần Thanh Hà thay mặt Nhà xuất bản Công an nhân dân trao quà cho lãnh đạo Trại giam Xuyên Mộc. Ảnh: YÊN LAN

Đây là Trại sáng tác văn học lần thứ hai trong khuôn khổ cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022-2025 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động.

Trại sáng tác quy tụ nhiều nhà văn thành danh trên văn đàn, đã tham gia và đoạt giải thưởng trong các kỳ thi viết tiểu thuyết và ký do Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trước đây; đồng thời có một số tác giả trẻ lần đầu làm quen với đề tài này. Trại sáng tác có sự tham gia của 6 nhà văn, tác giả là cán bộ chiến sĩ đang công tác trong lực lượng CAND hoặc nguyên sĩ quan công an.

Trong thời gian diễn ra trại sáng tác, các nhà văn, tác giả đã trao đổi về việc viết tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, đi thâm nhập thực tế tại Trại giam Xuyên Mộc và giao lưu với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm hiểu về cuộc sống, công việc của các cán bộ, chiến sĩ công an để có thêm chất liệu, cảm hứng sáng tạo tác phẩm. Mặt khác, hoạt động này cũng đã khơi gợi thêm những đề tài hay để các nhà văn, tác giả tiếp tục “cày xới, đào sâu vỉa quặng” vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

Tại Trại sáng tác văn học lần thứ hai, 34 tác phẩm đang triển khai, sắp hoàn thành và sẽ hoàn thành trong thời gian tới, cho thấy một mùa bội thu, khẳng định rằng với công việc sáng tác văn học, tổ chức các trại sáng tác là rất cần thiết.

Đại tá Trần Cao Kiều

Một trong những gương mặt nổi bật tại trại sáng tác là nhà văn Nguyễn Trí - tác giả Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Ăn bay, Ma lực của cội nguồn, Ngoi lên từ đáy, Hoa xương rồng... Trong thời gian tham gia trại, cây bút đầy cá tính đến từ Đồng Nai đã hoàn thành tiểu thuyết Giang hồ gãy cánh. Sinh năm 1956, nhà văn Nguyễn Trí có năng lực sáng tạo rất đáng nể. Ông đặt ra cho mình “định mức” và viết đều đặn, cần mẫn mỗi ngày. Trong sinh hoạt, ông là “cây hài” rất duyên, mang đến cho cả trại tiếng cười giòn giã.

Cần mẫn không kém là nhà văn Nguyễn Hiệp đến từ Bình Thuận. Cây bút sinh năm 1964 đã cày xới nhiều đề tài, xuất bản 19 đầu sách và nhận nhiều giải thưởng văn chương. Tâm niệm câu nói của Karl Marx “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”, nhà văn Nguyễn Hiệp luôn tự nhắc mình hằng ngày trong lao động sáng tạo.

Các nhà văn, tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức trại sáng tác, trong chuyến giao lưu, thâm nhập thực tế tại Trại giam Xuyên Mộc. Ảnh: CTV

Chính vì điều đó mà trong những trang viết về người chiến sĩ CAND, nhà văn Nguyễn Hiệp luôn chú trọng đến các cung bậc cảm xúc hơn là những chiến công, sự kiện. “Tôi muốn viết về các cung bậc cảm xúc, những gì thuộc về con người thông qua những chiến công, những lần tác chiến, những cuộc ra quân…”, ông chia sẻ trong buổi tọa đàm bế mạc trại.

Tác giả Dưa huyết, Bông cỏ giêng, Trần gian nhìn từ sau lưng, Âm thanh đổ bóng... tham gia trại với đề cương tiểu thuyết mang tên Thương khúc gồm 9 chương. Ông thổ lộ: “Tôi là người ngoài ngành, viết về đề tài này rất khó nhọc vì phải tra cứu, hỏi han, đắn đo. Tính tôi hay sợ, tôi sợ lắm. Thứ nhất là sợ khô cứng, thứ hai là sợ không thuyết phục được bạn đọc”.

Nhà văn Nguyễn Hiệp và nhà văn Nguyễn Trí có một “cuộc đua” và họ miệt mài viết ngày viết đêm. Đến khi bế mạc trại, nhà văn Nguyễn Hiệp hoàn thành phần cơ bản tiểu thuyết Thương khúc và “nhuận sắc” hoàn chỉnh 3 chương. 6 chương còn lại, ông tiếp tục hoàn thiện sau khi về nhà.

Theo nhà văn Trần Thu Hằng - tác giả Đàn đáy, Rừng thiêng vẫn gọi, Người đàn bà lưu vong, Chuyện tình ở Hầm Hinh..., trước thực trạng cuộc sống rất phức tạp như hiện nay, nhà văn không thể thờ ơ. Nếu viết có gai góc, mạnh mẽ quyết liệt, thậm chí có gay gắt, thì đấy cũng thể hiện sự quyết tâm của nhà văn. “Trại sáng tác này tiếp thêm năng lượng để chúng tôi tiếp tục sáng tạo tác phẩm”, nhà văn đến từ Đồng Nai chia sẻ.

Trong khuôn khổ cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, trực tiếp là Cục Truyền thông CAND - đơn vị thường trực cuộc thi - tổ chức 2 trại sáng tác nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn, tác giả tập trung sáng tác, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tạo nguồn cảm hứng và nâng cao chất lượng sáng tác.

Theo đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND, Ủy viên thường trực Hội đồng Chỉ đạo cuộc thi, sau Trại sáng tác văn học lần thứ nhất tại Hạ Long vào tháng 3/2023, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 30 tác phẩm dự thi. Tại Trại sáng tác văn học lần thứ hai, 34 tác phẩm đang triển khai, sắp hoàn thành và sẽ hoàn thành trong thời gian tới, cho thấy một mùa bội thu, khẳng định rằng với công việc sáng tác văn học, tổ chức các trại sáng tác là rất cần thiết.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/316018/tiep-them-dong-luc-cho-cac-tac-gia-sang-tao-tac-pham.html