'Tiếp sức' cho người dân vùng khó Trấn Yên

Từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, bằng những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự 'tiếp sức' về nguồn vốn khi thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16-12-2020 của HĐND tỉnh Yên Bái (Nghị quyết 69), người dân huyện Trấn Yên đã có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, vươn lên khá giả. Trấn Yên đã từng bước chuyển mình, trở thành điểm sáng trong giảm nghèo của tỉnh Yên Bái...

Từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, bằng những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự "tiếp sức" về nguồn vốn khi thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16-12-2020 của HĐND tỉnh Yên Bái (Nghị quyết 69), người dân huyện Trấn Yên đã có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, vươn lên khá giả. Trấn Yên đã từng bước chuyển mình, trở thành điểm sáng trong giảm nghèo của tỉnh Yên Bái...

Nghị quyết 69 quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo chuỗi giá trị, phát triển mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đối tượng thụ hưởng là những doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất hoặc liên kết đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ. Các đối tượng sẽ được vay vốn, hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định... Qua hơn hai năm triển khai đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ dân đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập.

Nhờ chính sách hỗ trợ phù hợp, gia đình ông Hà Văn Thiện ở thôn Bản Khun, xã Hồng Ca đã phát triển chăn nuôi, cho thu nhập khá.

Gia đình ông Hà Văn Thiện ở thôn Bản Khun, xã Hồng Ca (Trấn Yên) từng là hộ nghèo do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Từ năm 2021, được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69, kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, ông Thiện đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông Thiện đã phát triển đàn trâu, bò lên tới 30 con. “Nhờ nguồn vốn từ Nghị quyết 69 mà mô hình chăn nuôi gia súc sinh sản của gia đình tôi phát huy hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình”, ông Hà Văn Thiện bày tỏ. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Cao Luận, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Để tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình chăn nuôi, đảng ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung tuyên truyền nội dung Nghị quyết 69, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đến các tổ chức, cá nhân. Xã đã triển khai 3 dự án, gồm: Dự án hỗ trợ phát triển cây dược liệu lá khôi với quy mô 7,5ha cho các hộ dân ở 4 thôn Nam Hồng, Khuôn Bổ, Đồng Đình, Hồng Hải; dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hữu cơ; dự án hỗ trợ phát triển măng tre Bát Độ tại 12 thôn, với hơn 32ha, có 45 hộ tham gia. Trong đó, dự án phát triển măng tre Bát Độ mang lại hiệu quả cao, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương”.

Ở xã Hưng Khánh (Trấn Yên), để triển khai Nghị quyết 69, xã đã thực hiện 3 dự án: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chè vùng thấp liên kết theo chuỗi giá trị; dự án hỗ trợ phát triển măng tre Bát Độ và dự án hỗ trợ chăn nuôi theo hướng sản xuất hữu cơ. Nhiều hộ gia đình, như hộ bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Khe Cam đã đầu tư nâng cấp chuồng trại để đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi có quy mô hơn 20 con bò sinh sản, qua đó mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bà Lý cho biết: "Tôi được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn sẵn có nên quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau hơn hai năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô, thuê thêm diện tích đất trồng cỏ để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa”.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 69, địa phương đã hỗ trợ, giải ngân cho 160 mô hình chăn nuôi với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,8 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn huyện đạt hơn 75.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 12.000 tấn. Đồng chí Nguyễn Thành Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 69, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của nghị quyết đến người dân. Đồng thời, các ban, ngành chức năng tổ chức hướng dẫn bà con đăng ký mô hình chăn nuôi, làm chuồng trại, mua con giống; thực hiện giải ngân, hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, định mức, kịp thời... Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 69 đã góp phần "tiếp sức" về nguồn vốn cho người dân, thúc đẩy sản xuất, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng, giúp bà con cải thiện thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững".

Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiep-suc-cho-nguoi-dan-vung-kho-tran-yen-732363