Tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tướng lĩnh, nghĩa quân Yên Thế, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh *

BẮC GIANG- Sáng 16/3, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế. Tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Lễ hội. Báo Bắc Giang điện tử trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Lê Ánh Dương.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao!

Kính thưa đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ!

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh bạn, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bắc Giang; các vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa toàn thể Nhân dân!

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu khai mạc.

Hôm nay, trên quê hương Yên Thế giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, anh hùng và cách mạng, tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024) nhằm tôn vinh, tưởng nhớ thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế; khẳng định vai trò, tầm vóc, ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa đối với lịch sử dân tộc; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh bạn, các quý vị đại biểu, khách quý, con cháu của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám cùng toàn thể Nhân dân và du khách thập phương đã về dự khai mạc Lễ hội hôm nay!

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa toàn thể Nhân dân!

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Bắc Giang từ xưa được coi là "phên dậu", một trong "tứ trấn" trọng yếu của đất nước; nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất.

Các địa danh gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm như phòng tuyến sông Cầu của quân dân nhà Lý chống quân Tống; Nội Bàng, Sa Lý của quân dân nhà Trần chống giặc Nguyên - Mông; Cần Trạm, Hố Cát, Xương Giang của quân dân nhà Lê chống quân Minh mãi đi vào lịch sử oanh liệt của dân tộc.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên mảnh đất Bắc Giang đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy như: Cuộc khởi nghĩa của Cai Biều (1884 - 1891) ở Bảo Lộc (Lạng Giang); cuộc khởi nghĩa của Lưu Kỳ và Hoàng Thái Nhân (1884 - 1894) ở Lục Ngạn... nhưng tiêu biểu hơn cả là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, do các vị thủ lĩnh áo nâu Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đứng lên chống thực dân Pháp, kéo dài ngót 30 năm, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX.

Ngược dòng lịch sử, khởi nghĩa Yên Thế nổ ra năm 1884, trong bối cảnh thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành quá trình xâm lược nước ta. Với trận mở màn giành thắng lợi tại Đức Lân (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) đã cùng các nghĩa sĩ của ông trở về đình Thế Lộc (nay là đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên) tổ chức lễ tế cờ ngày 16/3/1884, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại thực dân Pháp xâm lược.

Trong 8 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế (từ năm 1884 đến năm 1892), Đề Nắm đã lập nên một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự trong rừng núi dọc theo bờ sông Sỏi, tổ chức lối đánh du kích tài tình, mưu trí, dũng cảm, đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp.

Đồng chí Lê Ánh Dương đánh trống khai hội.

Tháng 3/1892, thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám (còn gọi là Đề Thám) - một vị tướng tài của nghĩa quân đã đứng lên tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, trở thành thủ lĩnh tối cao với biệt danh "Hùm xám Yên Thế".

Hoàng Hoa Thám đã củng cố, tập hợp lực lượng tổ chức lễ tế cờ xuất trận tại đình Đông (phường Bích Động, thị xã Việt Yên ngày nay) vào ngày 19/12/1892. Kể từ đây, Hoàng Hoa Thám chính thức trở thành thủ lĩnh và là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Với tài năng quân sự lỗi lạc, ông đã dựa vào núi rừng để tổ chức nhiều trận đánh gan dạ và táo bạo, làm cho giặc Pháp phải bao phen bạt vía, kinh hồn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đề Thám đã tỏ rõ tài năng của một thủ lĩnh và chiếm được uy tín ngày càng cao trong hàng ngũ nghĩa quân. Ông đã cùng nghĩa quân liên tiếp tổ chức những trận đánh và thắng lớn ở Luộc Hạ, Hố Chuối, Đồn Hom, Đồn Phồn Xương, Đồn Khám Nghè, Cao Thượng... làm cho giặc Pháp phải thất điên bát đảo, bởi vậy trong dân gian lưu truyền câu ca:

Yên Thế là đất Cụ Đề

Tây lên thì dễ, Tây về thì không

Hoàng Hoa Thám đã buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ 2 lần ký giảng hòa (lần thứ nhất vào năm 1894; lần thứ 2 vào năm 1897). Trong thời gian này, Nhân dân cả nước đều hướng về phong trào khởi nghĩa Yên Thế, các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã tìm về Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám bàn kế đánh giặc giúp cho phong trào tiếp tục phát triển.

Trong giai đoạn hòa hoãn, Phồn Xương trở thành “Tiểu vương quốc” thanh bình trước mắt kẻ thù; chính vì thế nhà yêu nước Phan Bội Châu lần thứ hai đến thăm Phồn Xương đã ngạc nhiên và thốt lên rằng :

Tôi hai lần tới đồn, - xem khắp chung quanh,

trâu cày từng đội, chim rừng quện người, đàn bà, trẻ con nhởn nhơ,

tiếng chày rậm rịch có cái vẻ vui của những ngày đình đám - hội hè

mà không hề có tiếng thở than của chính quyền bạo ngược...”.

Trước thanh thế ngày càng lớn mạnh, Hoàng Hoa Thám đã cho lực lượng nghĩa quân đi các tỉnh gây dựng phong trào. Điển hình, vào ngày 27/6/1908, nghĩa quân Yên Thế đã phối hợp tổ chức vụ "Hà Thành đầu độc" gây tiếng vang lớn trong toàn quốc. Trong 4 năm sau đó, nghĩa quân vừa chiến đấu, vừa di chuyển, đánh trả quyết liệt gây cho thực dân Pháp và tay sai thiệt hại nặng nề cho tới khi người anh hùng Hoàng Hoa Thám bị thực dân Pháp sát hại vào năm 1913, cuộc khởi nghĩa Yên Thế mới dần đi vào thoái trào.

Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý!

Kính thưa toàn thể Nhân dân!

Khởi nghĩa Yên Thế được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá "là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống thực dân Pháp trước khi có Đảng".

Cuộc khởi nghĩa là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của người nông dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến tranh du kích, chiến tranh Nhân dân, lập làng chiến đấu, vừa đánh vừa đàm... được vận dụng sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này.

Trong khói lửa của cuộc khởi nghĩa, Hoàng Hoa Thám đã thể hiện phẩm chất của một thiên tài quân sự, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận "mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi”.

Bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã khắc sâu trong lịch sử và tâm trí của nhiều thế hệ người dân Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, trở thành bản hùng ca bất diệt của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của Nhân dân ta.

Tên tuổi của các ông và nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân Yên Thế đã được Nhà nước và Nhân dân tôn vinh, ghi danh muôn đời như ghi vào sử sách, đặt tên đường phố, công viên, quảng trường, trường học của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành cảm hứng cho các sáng tác văn chương, nghệ thuật. Đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca: "Ba mươi năm giữ núi rừng/Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam!"

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa toàn thể Nhân dân!

Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn nhớ tới câu nói bất hủ của vị thủ lĩnh áo vải Hoàng Hoa Thám "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”. Câu nói thể hiện tư tưởng của một nhà văn hóa lớn với quan niệm chống ngoại xâm để giữ gìn phong tục của đất nước, đánh đuổi giặc Pháp không chỉ để bảo vệ biên cương, lãnh thổ mà còn để bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

Với tinh thần ấy, ngoài việc cho xây dựng các công trình tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa tại vùng khởi nghĩa, chính tại nơi đây năm xưa, vào dịp đầu xuân, Hoàng Hoa Thám cho tổ chức lễ phóng ngư, thả điểu, lễ cầu may, cầu siêu để tri ân các tử sĩ của nghĩa quân. Lễ hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như thi thổi cơm niêu, làm bánh, đấu võ, đấu vật, chọi gà, cưỡi ngựa, bắn cung, bắn nỏ...

Do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh mà sau này Lễ hội Yên Thế không còn duy trì được nữa. Với quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, ngày 16/3/1984, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Yên Thế lần đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, ngày 16/3 dương lịch hằng năm, Lễ hội Yên Thế được duy trì tổ chức, ngày càng có thêm nhiều nội dung mới phong phú, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa của Nhân dân các dân tộc Yên Thế nói riêng, Nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung.

Với giá trị độc đáo, tiêu biểu, ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Yên Thế vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với Lễ hội Yên Thế, liên tục trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cuộc khởi nghĩa Yên Thế: Năm 2012, Di tích Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (gồm 23 điểm di tích) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 29/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế; ngày 31/10/2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế (giai đoạn 1).

Trong những năm qua, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế đã được Nhà nước đầu tư; được các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp và quý khách thập phương hưng công cùng chung tay tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng, trong đó có một số công trình tiêu biểu như đình ba tầng mái, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đồn Phồn Xương, động Thiên Thai, đình Dĩnh Thép, chùa Thông (huyện Yên Thế); đình làng Chuông, đền Gốc Khế, đình Nội, chùa Vồng, đình Hả, đền thờ Lương Văn Nắm (huyện Tân Yên); đình Đông (thị xã Việt Yên), chùa Kem (huyện Yên Dũng), tạo cho các di tích một diện mạo mới, khang trang, tố hảo. Năm 2015, khánh thành tượng đài Hoàng Hoa Thám trong công viên Hoàng Hoa Thám tại thành phố Bắc Giang.

Năm 2019, Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám đã được công nhận là điểm du lịch, trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham quan, chiêm bái. Năm 2021, xây dựng quảng trường Lương Văn Nắm tại huyện Tân Yên. Nhiều hội thảo, cuộc thi, trưng bày về khởi nghĩa Yên Thế đã được tổ chức nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định giá trị lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa trong lịch sử dân tộc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về khởi nghĩa Yên Thế.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế và huyện Tân Yên đã khánh thành nhiều hạng mục công trình tâm linh có ý nghĩa quan trọng như: Đền thờ Hoàng Hoa Thám, đình ba tầng mái, đình Hả (Tân Trung).

Tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, khắc ghi những hy sinh xương máu mà lớp lớp thế hệ cha anh đã để lại trên mảnh đất này, hơn một thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã không ngừng khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển KT-XH, vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Có được những thành tích trên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương bạn. Trân trọng tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Cảm ơn những người con Bắc Giang ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài luôn hướng về quê hương bằng tất cả tấm lòng sâu nặng. Cảm ơn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và bà con nhân dân trong cả nước đã dành tình cảm, sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất để góp phần xây dựng khu di tích khởi nghĩa Yên Thế ngày càng khang trang, tố hảo.

Thật tự hào lịch sử đã để lại cho quê hương Bắc Giang nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Ngày hôm nay, được thừa hưởng vốn di sản quý báu của cha ông để lại, chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm lớn lao trước lịch sử và dân tộc, quyết tâm tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và sự nghiệp vẻ vang mà các vị thủ lĩnh Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã trao truyền lại cho chúng ta.

Với ý nghĩa lớn lao đó, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Lễ hội kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể Nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/140-nam-khoi-nghia-yen-the/420681/tiep-noi-su-nghiep-ve-vang-cua-cac-tuong-linh-nghia-quan-yen-the-xay-dung-dat-nuoc-que-huong-ngay-cang-giau-manh-.html