Tiếp bước VNG, Vietjet muốn niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài

Sau VNG, Vietjet được hy vọng là cái tên tiếp theo của Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Tổng giám đốc của Vietjet bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet Air, nhà bay kiểm soát hơn 40% thị trường nội địa của Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để trở thành hãng bay đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên một sàn chứng khoán nước ngoài.

“Một số sàn giao dịch nước ngoài ở London, Hồng Kông hay Singapore đã tiếp cận chúng tôi. Họ bày tỏ sự quan tâm đến cổ phiếu của Vietjet”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air chia sẻ với hãng tin Bloomberg cuối tuần trước.

Bà Thảo cũng nói rằng sẽ có cuộc gặp với đại diện đến từ sàn giao dịch chứng khoán New York ngay trong tuần này.

Việt Nam đang dần nới lỏng quy định để thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường hàng không đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Hồi tháng 4, VietJet đã được cổ đông nhất trí cho phép tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% từ mức 30% trước đó.

Cổ phiếu của nhà bay giá rẻ đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với mã VJC và hiện giao dịch quanh mức 127,500 đồng, tăng 40% so với giá chào sàn ngày 28/2/2017.

Trong khi đó, chỉ số Bloomberg Asia Pacific Airlines Index - một thước đo biến động giá cổ phiếu của các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ tăng 6,4% trong quãng thời gian tương đương.

Sự kiện VietJet lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài diễn ra trong bối cảnh một start-up công nghệ của Việt Nam là VNG, đã ký và trao bản ghi nhớ với sàn chứng khoán NASDAQ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực vươn ra biển lớn của những doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế VNG và Vietjet không phải là những công ty đầu tiên có tham vọng mang thương hiệu Việt lên sàn chứng khoán nước ngoài.

Vinamilk, FLC, Vingroup... là những tập đoàn lớn từng có ý định niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên đều không thành công do nhiều nguyên nhân.Ví dụ năm 2014, FLC gần như đã có thể lên sàn SGX nhưng lại bị từ chối ở phút cuối khi không đáp ứng đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, mục đích lớn nhất khi niêm yết trên sàn chứng khoán, dù ở trong hay ngoài nước đều nhằm tạo tính thanh khoản, qua đó thu hút vốn đầu tư. Thế nhưng,ở nhiều trường hợp, tính thanh khoản thấp khiến phương án niêm yết không mang lại nhiều lợi ích như chi phí bỏ ra.

Võ Quyền

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tiep-buoc-vng-vietjet-muon-niem-yet-co-phieu-o-nuoc-ngoai-a327522.html