Tiếp bài, Lãnh đạo Cty Vietrans' bị tố' nhiều sai phạm ?: Ông Thái Duy Long TGĐ tiếp tục bị tố cáo sai phạm tại Vietrans Hải Phòng?

Sau khi báo Điện tử congluan.vn đăng bài “ Lãnh đạo Cty Vietrans “bị tố” nhiều sai phạm ?”.Mới đây congluan.vn tiếp tục nhận được đơn của tập thể cán bộ Công ty CP giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng ( Vietrans Hải Phòng) tố cáo ông Thái Duy Long – Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Kho vận Ngoại thương (Vietrans), hiện nay đang là Chủ tịch HĐQT của Vietrans Hải Phòng về việc lợi dụng cổ phần hóa (CPH) lừa người lao động để trục lợi và gian lận về tài chính tại Vietrans Hải Phòng.

>>Lãnh đạo Cty Vietrans “bị tố” nhiều sai phạm?

>>Vụ lãnh đạo Cty Vietrans “bị tố” nhiều sai phạm: Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu làm rõ

Video:

Lợi dụng CPH lừa người lao động tại Vietrans Hải Phòng

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Chính người đứng đơn đại diện cho 142 người lao động – cổ đông tại Vietrans Hải Phòng bức xúc cho biết, gần 10 năm nay chúng tôi đã đấu tranh tố cáo ông Thái Duy Long Chủ tịch HĐQT và lãnh đạo Vietrans Hải Phòng nhưng sự việc không có một cơ quan nào vào cuộc phanh phui làm rõ.

“Là đảng viên, là những người lính, với trách nhiệm của mình chúng tôi tiếp tục tố cáo, quyết đấu tranh đến cùng để khối tài sản khổng lồ của nhà nước, xương máu của nhân dân không tiếp tục bị những kẻ cơ hội đục khoét trục lợi. Chúng tôi sẽ cam kết bằng máu để nói lên sự thật và đấu tranh tới cùng, chúng tôi sẵn sàng đối chất và cung cấp tài liệu bằng chứng cho đoàn Thanh tra Bộ Công Thương và cơ quan chức năng” ông Chính cương nghị khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Chính và 142 người lao động- cổ đông của Vietrans Hải Phòng đã đấu tranh chống tiêu cực, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình 10 năm nay nhưng không có kết quả, sự việc bị “đánh chìm’ rất khó hiểu…?

Lật từng trang hồ sơ, ông Chính cho biết: Năm 2006, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) chi nhánh Công ty giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng (nay là Công ty giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng – Vietrans Hải Phòng). Theo quyết định phê duyệt sẽ bán một phần vốn nhà nước tại chi nhánh Công ty giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng để chuyển thành công ty Cổ phần (Cty). Vốn điều lệ là 42 tỷ đồng, mệnh giá CP là 10.000đ/ CP. Cơ cấu như sau:

Vốn Nhà nước 65,05%= 2.732. 100 CP
Cổ phần ưu đãi bán cho người lao động là 14,95% = 627.900 CP
Cổ phần bán ra ngoài đấu giá công khai là 20%= 840.000 CP

Việc bán đấu giá được chỉ định bán tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt. Trong quá trình CPH ban lãnh đạo chi nhánh Công ty giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng không thực hiện việc công khai minh bạch về tài chính, không thực hiện đúng theo quyết định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) che dấu toàn bộ tài liệu giấy tờ cần phải công khai minh bạch khi cổ phần hóa.

Cụ thể, khi tiến hành CPH, ông Thái Duy Long là Tổng giám đốc Vietrans là Trưởng ban CPH Vietrans Hải Phòng, kiêm Tổ trưởng tổ giúp việc Ban chỉ đạo CPH Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Điều bất thường là Cty tiến hành CPH mà người lao động lại không được biết đến phương án CPH như thế nào. Chính vì thế người lao động tại Viettrans Hải Phòng không biết giá bán CP ưu đãi dành cho người lao động trong Cty là bao nhiêu, Cty đưa ra bao nhiêu thì người lao động biết thế. Người lao động bị buộc phải mua CP với mức giá bằng 60% giá CP đã đấu giá thành công khoảng 23.000 đồng/cổ phần.

Nhận thấy những điều khuất tất trong việc bán cổ phần cho người lao động, cổ đông chúng tôi đã đấu tranh yêu cầu lãnh đạo Vietrans Hải Phòng cung cấp phương án CPH đã được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt, nhưng không được lãnh đạo Vietrans Hải Phòng cung cấp. Ngày 1/10/2012 chúng tôi mới được lãnh đạo Vietrans Hải Phòng cung cấp phương án CPH, tức là 6 năm sau tính từ khi Cty bắt đầu tiến hành CPH vào năm 2006. “Đây là thủ đoạn rất tinh vi, có tổ chức tính toán của ông Long, nếu sự việc bị phanh phui thì bằng đấy thời gian người mất người còn, người về hưu thì sự việc cũng sẽ bị “chìm xuồng” ” ông Chính bức xúc nói.

Có được phương án CPH đã phê duyệt trong tay, qua nghiên cứu, tìm hiểu tham vấn của một số chuyên gia về phương án CPH, thì chúng tôi mới biết là mình đã bị lừa. Theo phương án thì chúng tôi được mua CP ưu đãi với giá 6.060 đồng/CP tức là bằng 60% của giá khởi điểm 10.100 đồng/CP. Thời điểm đó, các cổ đông chúng tôi được mua trên 14% CP. Như vậy, tính ra toàn bộ 142 người lao động mua với mức giá 23.000/cổ phần cao gấp 3,84 lần so với giá ưu đãi mà phương án CPH phê duyệt, như vây là chúng tôi đã bị móc túi gần 9 tỷ đồng.

Phát hiện ra sự thật đó, chúng tôi có lên họp với ông Long thì ông Long khẳng định: “Người lao động chỉ phải mua với mức giá bằng 60% giá khởi điểm. Nếu ai bán sai so với giá được duyệt thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Nói là vậy, nhưng ông Long, ông Kim, ông Minh vẫn thực hiện trái với phương án đã được phê duyệt.

Ông Nguyễn Xuân Chính đưa ra tài liệu chứng minh các cổ đông đã bị lãnh đạo Vietrans Hải Phòng “ém nhẹm” thông tin để trục lợi gần 9 tỷ đồng từ việc bán cổ phần…?

Người tạo nên “vở kịch’ này không ai khác chính là ông Thái Duy Long đã cấu kết với ông Trần Đình Kim – trước CPH là GĐ chi nhánh Vietrans Hải Phòng – Ủy viên Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo CPH Viettrans Hải Phòng (nay đã nghỉ hưu) và ông Phạm Thanh Minh – trước CPH là Phó GĐ chi nhánh Vietrans Hải Phòng (nay là GĐ Viettrans Hải Phòng) đã cố ý “bóp méo” làm trái Quyết định số 2028 ngày 23/11/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc CPH Vietrans Hải Phòng để ép người lao động mua cổ phần với giá cao nhằm trục lợi tiền của người lao động.

Sau đó chúng tôi có viết rất nhiều đơn tố cáo sự việc trên gửi đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay gần 10 năm vụ việc đã bị nhiều cơ quan đưa đẩy, đặc biệt là Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cuối cùng là sự việc bị đánh chìm… Và ông Thái Duy Long không những không bị xử lý mà còn ung dung tại vị đến ngày nay, không nhưng thế mặc dù đã quá tuổi lao động theo quy định, nhưng Bộ Công Thương vẫn không “đồng ý” cho nghỉ hưu. Đây là điều khiến cho người lao động chúng tôi rất bức xúc.

14,5 tỷ đồng tiền vốn điều lệ chuyển lên Cty Viettrans Hà Nội đi đâu?

Khi sự việc khuất tất, gian lận trong việc bán cổ phần tại Vietrans Hải Phòng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, thì ông Long tiếp tục chỉ đạo ông Phạm Thanh Minh – Giám đốc Vietrans Hải Phòng chuyển 14.5 tỷ đồng ( PV – làm tròn số) nằm trong vốn điều lệ của Vietrans Hải Phòng lên Công ty CP giao nhận kho vận ngoại thương – Vietrans trên Hà Nội. Nguồn gốc của số tiền hơn 14,5 tỷ đồng đó là tiền thu được từ việc bán CP cho người lao động.

Ông Thái Duy Long đã quá tuổi lao động( ông Long sinh năm 1953) nhưng vẫn được đại diện phần vốn nhà nước và giữ chức vụ TGĐ tại Cty Vietrans và Chủ tịch HĐQT Vietrans Hải Phòng…?

Ngày 26/9/2012 đại diện 142 cổ đông đã làm việc với ông Thái Duy Long – Tổng giám đốc Vietrans, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietrans Hải Phòng để làm rõ về số tiền trên, ông Long trả lời là không biết và không nhận được khoản này trong 5 năm qua.

Bức xúc trước việc làm trên, ngày 08/10/2012 nhóm cổ đông chúng tôi đã có buổi làm việc với ông lãnh đạo Vietrans Hải Phòng, tại buổi làm việc chúng tôi chất vấn, lý do tại sao chuyển số tiền đó và chuyển nhằm mục đích gì? ông Phạm Thanh Minh – Giám đốc Vietrans Hải Phòng không giải thích được.

Sau đó, vì lo sợ “trách nhiệm” ông Minh có làm một công văn báo cáo rõ sự việc lên Bộ Công Thương. Trong báo cáo ông Minh nêu rõ đã chuyển tiền 2 lần vào ngày 11/5/2007 và 14/5/2007 vào tài khoản của Công ty giao nhận kho vận ngoại thương – Vietrans mà ông Long làm chủ tài khoản.

Đến ngày 12/10/2012 nhóm cổ đông chúng tôi tiếp tục có buổi làm việc để yêu cầu ông Long làm rõ số tiền trên. Không thể chối cãi, ông Long đã thừa nhận, tiền về tài khoản Vietrans tháng 5/2007. Nhưng ông Long lý giải việc chuyển số tiền 14,5 tỷ đồng lên là đúng theo Quyết định 2028 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). “Đúng hay không là việc của anh Minh, bao giờ có lệnh của Bộ ông Long sẽ chuyển…” ông Long đuối lý nói với các cổ đông (nội dung thể hiện tại biên bản làm việc giữa nhóm cổ đông và ông Long ngày 12/10/2012). Tuy nhiên, chiểu theo Quyết định 2028 thì không có điều khoản nào quy định phải chuyển số tiền trên. Việc chuyển tiền này trái với Thông tư 126 của Bộ Tài chính về việc sử dụng tiền trong CPH.

Trước sự việc này, chúng tôi cũng đã có kiến nghị gửi Đại hội cổ đông năm 2013 nhưng không được chấp nhận. Vậy khoản tiền đi đâu, vào túi ai ?. Bộ Thương mại ( nay là Bộ Công Thương) đã yêu cầu ông Long chuyển tiền chưa? đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, trong khi những thành viên Ban chỉ đạo CPH Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng đã nghỉ hưu “an toàn”. Vậy trách nhiệm của Ban chỉ đạo CPH Vietrans Hải Phòng và ông Long trong việc này là gì cần phải được làm rõ?

Trở lại việc ông Thái Duy Long “bị tố” sai phạm tại Cty Vietrans như congluan.vn đã phản ánh ở bài trước và nay là “bị tố” sai phạm tại Vietrans Hải Phòng với tư cách là Chủ tịch HĐQT. Trên cơ sở tài liệu và xác minh điều tra,có thể thấy những nội dung “tố cáo” hoàn toàn có cơ sở. Dư luận và hàng trăm người lao động tại Vietrans và Vietrans Hải Phòng đang rất mong chờ một tiếng nói công tâm từ lãnh đạo Bộ Công Thương và đoàn Thanh tra Bộ Công Thương hiện đang tiến hành thanh tra tại Vietrans.

Kết luận bài viết này, chúng tôi xin trích lại câu nói của ông Nguyễn Xuân Chính, người cựu chiến binh, thương binh đang hàng ngày phải chịu đựng nỗi đau bởi chất độc màu da cam, người đã gần 10 năm cùng hàng trăm người lao động nghèo đấu tranh chống tiêu cực tại Vietrans Hải Phòng ” chúng tôi sẵn sàng cam kết bằng máu để nói lên sự thật, hơn ai hết chúng tôi tin ở tân Bộ trưởng, Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh..”

Ông Thái Duy Long đã làm gì cho Vietrans Hải Phòng?. Sự thật 10 năm sau CPH tại Vietrans Hải Phòng? Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.

Thiên Trường – Nam Biên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ong-thai-duy-long-tgd-tiep-tuc-bi-to-cao-sai-pham-tai-vietrans-hai-phong/