Tiếng sóng trong lòng họa sĩ tuổi 74

Ở tuổi 74, Ca Lê Thắng mở triển lãm lần thứ 2 và có thể cũng là lần cuối trong sự nghiệp hội họa.

Họa sĩ Ca Lê Thắng.

Sau mấy chục năm thực hành nghệ thuật cũng như trong vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, năm 2021 ở tuổi 72 Ca Lê Thắng mới có triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp với chủ đề “Mùa nước nổi” diễn ra tại Hà Nội. Còn lần này lại là một duyên cớ, đúng hơn là một duyên nợ.

Người vẽ mùa nước nổi

Tác phẩm trong triển lãm 'Mùa nước nổi 2'.

“Xem “Mùa nước nổi 2” có thể liên tưởng đến tranh vẽ biển và phong cảnh của J. M. W. Turner (1775 - 1851), người đặt nền móng cho trường phái ấn tượng (impressionism). Cả William Turner và Ca Lê Thắng đều vẽ được tiếng sóng ở trong lòng, mang đến cảm giác hoặc chao đảo, hoặc lâng lâng, hoặc bàng bạc cho người xem”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi

Sau khi triển lãm “Mùa nước nổi” diễn ra thành công tại Hà Nội vào cuối năm 2021, họa sĩ Ca Lê Thắng định rằng, sẽ mang bộ tranh này về TPHCM làm lần thứ hai và có lẽ cũng là lần cuối cùng, vì cá tính lười làm triển lãm. Nhưng rồi, vì bạn bè và giới sưu tập hưng phấn, đã dán nơ nhiều quá, thành ra… vỡ mộng.

Trong khi lời hứa triển lãm với TPHCM nói riêng và với công chúng phương Nam quê nhà nói chung vẫn còn đó, thế là ông phải vẽ mới. Nhưng trong thời gian này, sự mất mát lớn của đời ông đã xảy ra, đó là điêu khắc gia Phan Gia Hương - vợ ông qua đời (2022).

Ca Lê Thắng suy sụp và giảm cân thấy rõ, nhưng lạ thay bộ tranh “Mùa nước nổi 2” thì ngược lại, mạnh mẽ, rung cảm, giàu năng lượng. Có bức vẽ xong, ông ghi số 150 vào góc tranh. Đây không phải là bức thứ 150, mà chính là số ngày mà vợ ông đi xa.

Phan Gia Hương sinh ra tại Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội), sau năm 1975 thì theo chồng về Nam. Họ cùng trải qua biết bao con sông, tiếng sóng và chuyến đò của cuộc đời. Để rồi khi sống lâu đủ với các dòng chảy Cửu Long, người mới gặp cứ ngỡ Phan Gia Hương có chất Nam Bộ hơn Ca Lê Thắng. Bà yêu và gắn bó với các mùa nước nổi.

Xem cả hai bộ tranh “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng, dù trừu tượng chủ đạo nhưng bóng dáng, hồn cốt của Phan Gia Hương vẫn hiện diện đây đó. Y như mấy câu thơ của Thâm Tâm trong bài “Tống biệt hành”: Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/ Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?/ Đưa người ta chỉ đưa người ấy/ Một giã gia đình, một dửng dưng...

Nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn nói rằng, xem “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng, những người chưa từng biết về mùa nước nổi ở Nam Bộ hay là những người đã từng trải đều thấy bùng lên một cảm xúc nôn nao khó tả về một miền quê sông nước.

Cái bao la hùng vĩ khoáng hoạt là ấn tượng đầu tiên dẫn dắt ta vào với những ảo ảnh lục bình lau lách nổi trôi miên man bất tận. Những mây trời trĩu nặng và những mặt nước cồn cào trù phú. Những cơn gió đồng dào dạt lùa trong tóc nghe như có tiếng cá quẫy đâu đó rất gần.

Trừu tượng trong hiện thực

Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre, theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1955. Ông học Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1971 - 1976, là 1 trong 10 họa sĩ thời “Đổi mới” của Mỹ thuật Sài Gòn, vẽ trừu tượng từ rất sớm và đã khẳng định con đường đi vững chắc trong sự nghiệp.

Từng vẽ về mùa nước nổi từ cách nay khoảng 30 năm nhưng phải đợi tới gần đây, khi cảm xúc thật đầy và phong cách thật chín, Ca Lê Thắng mới tập trung vẽ chủ đề này. Có lẽ, phải thật yêu, thật say, thật mộng mơ với thiên nhiên mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long thì mới có thể phô diễn lên tấm toan một thế giới vừa hiện thực lại huyền bí mà gần gũi sâu sắc đến thế.

Cái hiện thực phong phú ấy được diễn tả bằng một khả năng tay nghề bậc thầy. Chỉ có những bậc thầy mới dám để cho ngọn bút của mình tung hoành thoải mái khi miêu tả cái tĩnh lặng hoang vắng của thiên nhiên. Các gam màu có sự cọ xát nhiều sắc độ, nóng lạnh đan xen, trung tính cũng nhiều.

Những bức tranh về mùa nước nổi được ví như những thước phim nhanh lướt qua, quá nhanh để nắm bắt hình dạng nhưng cũng vừa đủ để mường tượng ra hình hài. Mùa nước nổi là hiện tượng tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn ai hết, Ca Lê Thắng hiểu rõ cảnh vật, con người và các hiện tượng này đã tạo nên bản sắc quê mình.

Từ lần đầu tiên trong đời bất chợt chứng kiến mùa nước nổi, khi một buổi sớm mai thấy nước ngập tới chân giường. Hương phù sa cùng những tiếng ì ầm của con nước khắc sâu vào tâm trí đứa trẻ, và đi theo trong suốt cả đời người.

Những cánh đồng mênh mông nước trắng, những ốc đảo chơ vơ trên sông, những con thuyền chở người mải miết mưu sinh, những bông điên điển vàng, bông súng tím, đàn cá linh xao xác bơi, những khóm sậy phất phơ trong gió… tất cả đã biến hình, chỉ còn lại sự mơ hồ trong cảm giác về sự vật.

Sự gắn bó của Ca Lê Thắng với mùa nước nổi đã trở thành một đề tài, đúng hơn là một tình yêu. Ông muốn tình yêu ấy phơi bày trên tấm toan, qua những nét vẽ, ông tạo ra không gian bằng cách biểu hiện và trừu tượng hóa, vẽ mùa nước nổi như một ký ức mờ mờ của mình chứ không phải tả thực. Để rồi, mùa nước nổi ấy không phải của riêng ông, mà của chung mọi người.

Thế nhưng dù là trừu tượng, nhưng ở khía cạnh nghề nghiệp người xem vẫn nhận ra những thao tác kinh điển. Được đào tạo để vẽ theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như những sinh viên cùng thời, những tác phẩm trừu tượng của Ca Lê Thắng vẫn phảng phất hiện thực, dù đã kết hợp nhiều thủ pháp hiện đại của nghệ thuật để che lấp đi hiện thực.

Nhưng suy cho cùng, dù là trừu tượng hay hiện thực, những bức tranh của “Mùa nước nổi” vẫn là mùa của tình yêu, của những tâm tư khó nói thành lời, hoặc là tiếng lòng của người nghệ sĩ trước những biến động thời cuộc, của sự sống và cái chết, của được và mất, hiện tại và quá khứ đã xa.

“Mùa nước nổi 2” của Ca Lê Thắng sẽ chính thức khai mạc lúc 18 giờ ngày 28/6 tại Hội Mỹ thuật TPHCM (218A Pasteur, Quận 3).

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tieng-song-trong-long-hoa-si-tuoi-74-post644707.html