Tiếng gọi mùa trăng

Có người nói hiện giới trẻ không còn mặn mà với trung thu, nhưng năm nào cũng vậy, trước trung thu chừng một tháng thì không khí đã rộn rã ở nhiều phố phường. Dễ thấy nhất là những cửa hàng bánh trung thu được trang hoàng đẹp đẽ, những hiệu bán đồ chơi thu hút trẻ em. Đặc biệt về các làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống để thấy một trung thu đậm tinh thần Việt vẫn hiện hữu…

Trẻ em say sưa trải nghiệm vẽ mặt nạ giấy.

Đồng hành với đồ chơi truyền thống

Nhìn vào đời sống chúng ta dễ dàng thấy những món đồ chơi truyền thống đã không còn được quan tâm nhiều như trước đây. Ở nông thôn, ngay cả những trò chơi bình thường như nhảy dây, đánh chắt, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, đánh quay, chơi bi… cũng đã vắng bóng. Những trò chơi đó, theo nhiều người đến cuối thế hệ 8X là… “tuyệt chủng”. Xưa trẻ em ở cả nông thôn và thành thị đều có thể tự sáng tạo ra đồ chơi trung thu của mình với mặt nạ, đèn ông sao, đèn lồng.

Cũng có khi là chiếc máy bay, con hạc giấy, con giống bằng đất. Kỳ công hơn là những chiếc đèn kéo quân có thể thắp sáng. Nhưng bây giờ, ít em còn làm được những món đồ ấy bởi đồ chơi ngày nay quá phong phú.

Tuy vậy, vẫn có nhiều nghệ nhân tích cực khơi dậy sức sống của đồ chơi, trò chơi truyền thống. Như nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) có thâm niên hơn 40 làm đèn sao, tiến sĩ giấy trong dịp trung thu. Bà Tuyến bảo đây là dịp giáo dục truyền thống, kỹ năng cho trẻ rất tốt. Cả thôn Hậu Ái chỉ còn gia đình bà giữ nghề. Mỗi năm gia đình bà cung cấp chừng hơn 2.000 sản phẩm.

Vào mỗi dịp trung thu, đơn đặt hàng nhiều nhưng bà và người thân vẫn cố gắng thu xếp thời gian để hàng đến tay người đặt đúng hẹn. Ngoài ra, tại các trường học còn mời bà đến hướng dẫn học sinh cách làm đồ chơi. Nhiều em bé chăm chú lắng nghe. Nếu trước đây các em không biết giá trị của một ngôi sao nhỏ, thì nay các em đã có thể học và biết thao tác làm.

Ở làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) lại có những nghệ nhân tâm huyết làm đèn kéo quân tuyệt đẹp. Đây là sản phẩm mà trẻ em khu dân cư chúng tôi rất thích. Không chỉ đẹp, ngộ nghĩnh, mà bọn trẻ cũng háo hức khi nghe người lớn kể chuyện về ý nghĩa của những chiếc đèn kéo quân. Giờ đèn kéo quân được treo ở vị trí trang trọng nơi sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi thấy ký ức hiện về. Đàn Viên có nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, Vũ Văn Sinh gắng gỏi giữ nghề, dù cuộc sống nhiều đổi thay, tiền công làm đèn chẳng đáng là bao. Vậy mà những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân vẫn giúp cho chiếc đèn kéo quân phát sáng trong guồng quay hối hả của cuộc sống.

Cũng ở Hà Nội, miền quê Phú Xuyên có làng nặn tò he Xuân La, ở Bắc Ninh có nghệ nhân Phùng Đình Giáp nặn phỗng đất. Xa hơn, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều người làm đèn lồng, đèn ông sao cung cấp cho thị trường.

Ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), nhiều nghệ nhân làm mặt nạ giấy, đầu lân - sư - rồng. Rồi ở làng lồng đèn Phú Bình (quận 11, TPHCM) cũng chộn rộn mỗi mùa trung thu. Như thế chứng tỏ đồ chơi trung thu vẫn còn “đất sống”. Và cuộc sống vẫn cần có những nghệ nhân cần mẫn, bền bỉ giữ nghề, dù “cơm áo không đùa với nghệ nhân”.

Trải nghiệm nặn tò he.

Trao truyền văn hóa và lối sống

Dường như năm nào tôi cũng phải tìm đến một vài làng làm đồ chơi trung thu. Thật mừng vì Thủ đô Hà Nội vẫn còn thật nhiều nghệ nhân tâm huyết giữ nghề, giữ ký ức. Hôm tôi về làng Xuân La, trong lúc gia đình nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành đang nặn đồ. Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh, cùng vợ và anh Thành vừa làm đồ vừa dạy cho con trẻ.

Anh Thành chia sẻ, cuộc sống đã đổi thay, kéo theo không ít món đồ chơi con trẻ bị lãng quên, nhất là đồ chơi mùa trăng tròn. Nhưng các nghệ nhân Xuân La luôn muốn lưu giữ và phát triển nghề, thậm chí còn mang ra cả nước ngoài để quảng bá. Anh Thành hiện là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Xuân La. Qua trò chuyện, anh bày tỏ: “Chúng tôi thao thức với nghề của cha ông, một lòng yêu con trẻ và nếu bị mai một, không tồn tại nữa thì thật đáng tiếc. Dù đã có nhiều thứ mất đi, song có những giá trị mà chúng ta phải giữ, bởi đó là hồn cốt của dân tộc, của tuổi thơ”.

Nhiều nghệ nhân chia sẻ, bao thứ bánh kẹo, quà cáp đã được trao tặng cho trẻ em. Nhưng nếu trao cho các em những kỷ niệm, những ước vọng và giá trị văn hóa truyền thống qua đồ chơi truyền thống, để hiểu hơn về cội nguồn còn là sự trao truyền về văn hóa và lối sống. Bởi thế, rất nhiều nghệ nhân đã được mời đến các không gian như: Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… để biểu diễn, hướng dẫn các em nhỏ làm đồ chơi. Nhờ thế, nhiều em đã biết đến đồ chơi truyền thống, được trải nghiệm những điều ý nghĩa, mới mẻ, các em vô cùng hào hứng.

Những năm qua, tại một số địa chỉ văn hóa trong khu vực phố cổ Hà Nội như đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) cũng tổ chức triển lãm tranh, ảnh về trung thu xưa, hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy, phỗng đất…

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp, người dành cả đời giữ nghề làm phỗng đất ở làng Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh), chia sẻ: “Ngày xưa, cứ đến gần trung thu và Tết Nguyên đán trẻ con lại đòi mẹ mua bằng được bộ phỗng, còn anh chị lớn thì háo hức ra chợ tìm mua để về dạy lại cho đứa em mình. Giá trị truyền đạt ấy cứ liên tục được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ sau. Hơn chục năm qua, phỗng đất trở nên lạc lõng giữa những món đồ chơi hiện đại, đắt tiền. Trẻ em thích nhiều đồ chơi nhựa, điện thoại thông minh hơn là các đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy, ngôi sao giấy, phỗng đất, tò he… Làng nghề cổ không còn đất sống”.

Chục năm qua ông Phùng Đình Giáp đã rút kinh nghiệm, liên tục sáng tác mẫu mới. Với mỗi mẫu thì ông chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại nghĩ tiếp mẫu khác. Nhờ việc liên tục ra thêm mẫu mới như vậy, những sản phẩm từ đất thó của ông mang tính độc bản cao, đồng thời mang đậm sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Nghệ nhân Mai Văn Vàng (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người có hơn 30 năm làm nghề chế tác lân -sư-rồng chia sẻ: “Trước hết tôi là người yêu văn hóa truyền thống. Ngày xưa còn nhỏ cứ mỗi khi nghe tiếng trống trung thu là tôi thấy rộn rã. Nhất là được thấy các đoàn múa lân-sư-rồng. Từ đó tôi đã học làm. Tôi tập tành làm trước những bộ khung sườn đầu lân từ nhỏ đến lớn. Những vật dụng quen thuộc của đời sống được tôi tận dụng để chế tác như: tre, giấy, sơn màu, vải thừa…”.

Để mở mang thêm, ông đã tìm đến những làng làm lân-sư-rồng ở Hội An, TPHCM để học hỏi thêm kỹ thuật và kinh nghiệm chế tác từ những nghệ nhân lâu năm. Từ năm 1995 cơ sở sản xuất của ông trở thành địa chỉ nổi tiếng khắp vùng.

Việc không của riêng ai

Bây giờ, nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm đến các buổi ngoại khóa của con. Trong đó, rất nhiều buổi họ đưa con đến tham quan, học tập tại các lớp giới thiệu, dạy làm đồ chơi truyền thống, làm bánh ngọt, bánh trung thu…

Nhiều người còn chọn cách đi học cùng con, rồi mua đồ về để mỗi mùa trung thu đến lại cùng con, nặn và nướng bánh như là một cách giáo dục, giúp gắn kết gia đình. Đặc biệt điều này cũng kéo các em lánh xa chuyện xem tivi, chơi điện tử…

Theo TS Vũ Hồng Nhi (Bảo tàng Dân tộc học), các món đồ chơi truyền thống không chỉ cung cấp cho các em thông tin về văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn giúp các em phát triển tư duy, gắn kết cộng đồng, trải nghiệm để sau đó học tập trong nhà trường được tốt hơn. Việc tổ chức, giới thiệu, giúp cho các em nhỏ, thanh niên được trải nghiệm, tiếp xúc với đồ chơi, trò chơi dân gian cần có sự chung tay của tất cả mọi người.

NGUYỄN VĂN HỌC

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-goi-mua-trang-5739779.html