Tiếng đàn từ trái tim

Có một chàng trai Hà Nội luôn miệt mài đem tình yêu ghi-ta cổ điển lan tỏa đến cộng đồng. Khó khăn, thất bại chưa từng làm Vũ Hiển (trong ảnh) từ bỏ ước mơ và đam mê với cây đàn sáu dây.

GHI-TA cổ điển Hà Nội luôn có những thời để nhớ. Cách đây, mới hơn chục năm về trước, tiếng đàn ghi-ta vọng ra từ ký túc xá các trường đại học luôn là thanh âm thân thuộc của người trẻ. Một thời, người yêu ghi-ta Hà Nội có điểm hẹn là quán Nhạc Tranh ở phố Thái Thịnh. Hằng tuần đều có buổi trình diễn ghi-ta cổ điển. Những tay ghi-ta nổi danh của Hà Nội như Văn Vượng, Quang Tôn, Hải Thoại... đều từng trình diễn ở quán này. Nhưng khi trào lưu giải trí công nghệ ập đến, nhanh chóng thu hút giới trẻ, người thích nghe ghi-ta không còn nhiều.

Sinh năm 1983, Vũ Hiển đã đi qua những năm tháng thăng trầm vinh quang và cay đắng cùng cây đàn ghi-ta. Năm tuổi bắt đầu biết ôm đàn, bước sang quãng đời học sinh trung học, thì đã mê đàn quá, không thể nào bỏ được. Hiển đã dùng tiền đi học thêm văn hóa để học đàn. Biết chuyện, bố mẹ cấm Hiển không được chơi đàn nữa. May mắn, người bác ruột là cố nhà báo Trường Phước hiểu được khát vọng của Hiển và đứng ra "bảo trợ" để Hiển chính thức được bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật. Lớp ghi-ta cổ điển tại Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội năm ấy, có khoảng 30 bạn theo học cùng nhưng lễ tốt nghiệp, anh là sinh viên duy nhất còn trụ lại.

Tốt nghiệp, Vũ Hiển lên Sơn La dạy nhạc, sau đó mới trở về Hà Nội. Về Hà Nội, đúng lúc ghi-ta cổ điển thoái trào, Vũ Hiển lao vào kinh doanh nhưng toàn thất bại. Nợ nần, Hiển đi dạy dance-sport để có tiền trả nợ. Trong khi đang mất phương hướng, Vũ Hiển tình cờ gặp một nghệ sĩ ghi-ta Hà Nội. Người nghệ sĩ này khuyên Hiển nên đệm đàn cho các ban nhạc thay vì dạy ghi-ta cổ điển thì dạy thêm các kiểu chơi khác để có đông học viên. Lời khuyên giống như chạm vào tự ái, chạm vào tình yêu với ghi-ta cổ điển trong anh. Hiển quyết định tự mình mở lớp ghi-ta cổ điển, để chứng minh rằng, lựa chọn của mình không sai. Tài sản lúc đó chỉ đủ tiền mua hai cây ghi-ta rẻ tiền, Hiển vay tiền mua thêm sáu chiếc ghế để mở lớp.

Không ai ngờ, sau 5 năm, trung tâm ghi-ta của Vũ Hiển đã đào tạo được 6.000 học viên. Vũ Hiển còn kết nối để có những buổi trình diễn, giúp công chúng có thêm nơi để thưởng thức ghi-ta cổ điển. Giờ, Hà Nội cũng đã có những sàn diễn riêng cho ghi-ta tương tự quán Nhạc Tranh xưa.

Hà Nội có rất nhiều trung tâm dạy đàn ghi-ta, nhưng các lớp do thầy Hiển dạy, học sinh của thầy Hiển luôn có một "chất" riêng. Trước hết, đó là ghi-ta cổ điển "nguyên chất", không lẫn lộn với ghi ta đệm hát. Học viên của thầy Hiển phải vất vả hơn, vì phải học kỹ, nắm chắc những nguyên tắc, nguyên lý về nhạc lý, phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về cao độ, trường độ, nhịp, phách... để có thể chơi độc tấu. Thầy Hiển cũng là người luôn cập nhật các kỹ thuật mới từ các nước nổi tiếng trên thế giới. Và có lẽ, điều đặc biệt nhất họ được nghe những câu chuyện về ghi-ta, được truyền tình yêu từ tiếng đàn của thầy Hiển. Nhìn lại 5 năm "truyền lửa" ghi-ta cho cộng đồng, mong muốn nhiều người đến với ghi-ta khiến có lúc Hiển muốn "đốt cháy" giai đoạn. Hiển tổ chức biểu diễn ghi-ta mời mọi người đến thưởng thức và phục vụ cà-phê miễn phí. Thua lỗ cũng nhiều nhưng may không phải đóng cửa.

Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên khi một cây ghi-ta có kinh nghiệm như Vũ Hiển lại mải miết với việc... gây dựng phong trào. Nhưng Vũ Hiển nghĩ khác. Khi phong trào phát triển, cộng đồng thấy được cái hay, cái đẹp của âm nhạc nói chung, tiếng đàn ghi-ta nói riêng, thì cộng đồng mới nuôi dưỡng ghi-ta phát triển. Từ phong trào, mới có những đỉnh cao. Học viên của Vũ Hiển từng đạt giải nhất trong cuộc thi ghi-ta ở Thái-lan, một quốc gia có nghệ thuật ghi-ta khá phát triển. Hiện anh đang chuẩn bị cho một Festival Ghi-ta quốc tế lần đầu tổ chức tại Hà Nội. Với anh, đó là việc làm cần thiết để góp phần giúp ghi-ta Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có dịp cọ xát với quốc tế.

Có thể cũng chính vì thế mà nhiều người nhận xét, ngoài những yếu tố kỹ thuật, thì chính đắng ngọt của cuộc sống, những năm tháng bươn chải với ghi-ta cổ điển đã làm nên một tiếng đàn Vũ Hiển truyền cảm, độc đáo. Đó là tiếng đàn từ trái tim.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33317102-tieng-dan-tu-trai-tim.html