Tiếng chim hót ở thành phố

Bên cạnh việc đọc sách, nghiên cứu các vấn đề văn hóa, mỹ thuật thế giới, thầy giáo Nguyễn Háo Thoại, nguyên Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai còn có một thú vui nữa là chơi chim cảnh.

Họa sĩ Huỳnh Ngọc Châu bên các lồng chim cách điệu bằng gốm. Ảnh: B.Thuận

Trong khu vườn nhỏ ở ngôi nhà cổ xưa bên bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn P.Quyết Thắng
(TP.Biên Hòa) ông nuôi khá nhiều loài chim quý hiếm như: vịt uyên ương, trĩ xanh, đỏ, vàng…; trong đó có những con chim cảnh nổi tiếng như: sơn ca, họa mi, chích chòe, vành khuyên, thanh tước…

* Chuyện về một con thanh tước

Ông Thoại cũng là một trong ít người ở Biên Hòa nuôi cheo đẻ thành công trong điều kiện sân vườn thành phố. Hơn 30 năm miệt mài với thú chơi chim cảnh và ngày ngày vẫn nghe tiếng chim hót líu lo bên sân nhà để xua tan bao mệt mỏi, muộn phiền, tìm cảm giác thư thái, bình yên, ông Thoại vẫn còn ray rứt trong lòng về sự vô ý của mình trong những ngày đầu tập tành chơi chim.

Ngày ấy biết được ở Biên Hòa có hai anh em cùng tên Châu, được gọi là Châu anh và Châu em ở khu vực Hãng Dầu là những người chơi chim có “số má”, trong đó Châu em (Huỳnh Ngọc Châu) là họa sĩ đã từng học chung Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM nên ông Thoại nhờ tuyển chọn cho một con thanh tước thiệt bảnh. Cả hai chở nhau đi khắp các nơi bán chim nhưng không tìm thấy con nào vừa ý. Trước khi ra về, họa sĩ Châu nói với nhà giáo Nguyễn Háo Thoại: “Thôi! Khi nào có em mua cho thầy!”.

Từ năm 1998, khi phong trào chơi chim cảnh ở Biên Hòa và Đồng Nai bắt đầu rộ lên, ông Huỳnh Văn Châu được mời tham gia ban giám khảo của nhiều cuộc thi chim khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ, kể cả ở TP.HCM.

Mấy hôm sau, họa sĩ Châu mang đến nhà thầy giáo Thoại một con thanh tước rất đẹp, vừa thả vào lồng đã hót líu lo. Có chút ít kiến thức của một người mới biết chơi chim cảnh, thầy giáo Thoại hỏi sao con chim này lại mượt mà và không nhát lồng như những con chim bổi khác? Ông Châu cho biết tình cờ mua được con thanh tước rất hay này với cái giá 90 ngàn đồng của chim bổi. Thầy Thoại rất mừng khi sở hữu được một con chim quý có tiếng hót lảnh lót ngay từ lúc đặt chân vào ngôi nhà mới. Ông dành khá nhiều thời gian vào việc chăm sóc cho con chim cưng của mình.

Một hôm có nhà sư đến nhà thăm người chị của thầy Thoại đang bệnh nặng. Nghe tiếng hót của chim rồi nhìn quanh sân vườn, nhà sư nói bằng giọng nghiêm trọng: “Nên phóng sinh bầy chim này để lấy phước cho người bệnh!”.

Thương chị đang bị giày vò trong cơn bệnh, ông Thoại nghe lời nhà sư thả hết mười mấy lồng chim, trong đó có con thanh tước mà ông rất yêu quý.

Mấy hôm sau, họa sĩ Châu đến nhà thầy Thoại và chưng hửng khi thấy không còn bóng dáng con chim nào. Khi được thầy Thoại cho biết là đã thả con thanh tước, họa sĩ Châu không nói gì và lẳng lặng ra về.

Chừng cả tháng, không thấy họa sĩ Châu rủ uống cà phê như thường khi và cũng không gọi điện, ông Thoại tìm hiểu thì biết là người bạn họa sĩ này đang rất giận mình. Thì ra biết thầy giáo Thoại thích chim thanh tước, ông Châu đã lấy con chim yêu quý mà ông đã nuôi hơn 5 năm, được nhiều tay mê chim đòi mua với giá 2 triệu đồng mà ông không bán để đưa cho ông Thoại chơi và nói là chim bổi mua giùm với giá 90 ngàn đồng để thể hiện sự quý mến của người đồng nghiệp có chung sở thích. Biết ra sự tình, nhà giáo Nguyễn Háo Thoại hết lời xin lỗi và cho đến nay vẫn còn ray rứt trong lòng...

* Chủ quán cà phê “Chim & Tranh”

Hai ông Châu anh (Huỳnh Văn Châu, sinh năm 1958) và Châu em (Huỳnh Ngọc Châu, sinh năm 1960) là con của nghệ nhân gốm Tư Thạch (Huỳnh Văn Thạch) - người có biệt tài chấm men bằng thủ pháp “chọt” chứ không “quẹt” như mọi thợ gốm cùng thời. Gia đình nghệ nhân gốm này có chung sở thích là chơi cá, chim, chó, đặc biệt là chim cảnh.

Hai anh em cùng tên Châu này mê một cặp chim sơn ca của ông Kim Long ở Tân Mai đến nỗi nghe tin ông được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài liền cầm 400 đồng mà cả đại gia đình này vừa có được theo chủ trương đổi tiền của Nhà nước, mò đến tận nhà ông Long xin được nhượng lại cặp chim hót hay nức tiếng này.

Hiện nay, tại khu nhà cổ trong đó có quán cà phê Chim và Tranh nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thành Phương, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa của hai anh em cùng tên Châu treo một số lồng, thường xuyên vang tiếng chim hót; thu hút khá nhiều người ghiền cà phê, mê chim, ưa thích hội họa tìm đến thư giãn.

Được một thời gian, qua giao lưu chim cảnh, chim hót ở Thủ Đức, công viên Tao Đàn (TP.HCM)… làm quen, kết bạn với nhiều dân chơi chim có tầm cỡ, trong đó rất tâm đắc và tri kỷ với ông Thanh Cảnh (Tám Cảnh); Châu anh em liền tặng cho người bạn vong niên này một con sơn ca, trong cặp chim mà hai ông yêu quý nhất.

Qua tài nghệ điêu luyện của nghệ nhân Tám Cảnh, tại hội thi chim Tao Đàn nhân Hội hoa xuân 1994, con sơn ca này giành được huy chương vàng. Giới chơi chim ở TP.HCM biết được con sơn ca này còn có “người bạn” mà giọng hót không hề thua kém nên tìm về Biên Hòa, đặt vấn đề mua con sơn ca đồng bạn với cái giá lên đến 8 ngàn USD, nhưng anh em ông Châu kiên quyết không bán.

Mấy năm sau, con sơn ca này già và mù mắt nhưng vẫn còn hót. Đến khi nó chết, anh em ông Châu đem chôn trong “nghĩa địa chim” rất chu đáo.

Từ nhân viên hành chánh của Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai xin nghỉ việc về nhà làm thợ may, ông Châu anh gần như dành trọn thời gian còn lại trong ngày để nuôi và chơi chim. Công việc chăm sóc chim khá công phu, nhất là khâu làm vệ sinh cho chim như tắm và phơi nắng, phải thay lồng, thay tấm lót. Với chim sơn ca thì không tắm nước mà tắm cát, đêm phải trùm cho chim ngủ.

Từng sở hữu trên 100 con chim quý, nay sàng lọc lại chỉ còn 20 lồng, trong đó có những con chích chòe than và lửa đột biến mà ông phải lên Thủ Đức chầu chực cả buổi tối để mua với giá vài trăm triệu đồng hoặc lặn lội lên tận Mã Đà suốt mấy ngày liền cùng dân săn chim chuyên nghiệp mới đưa được chúng từ rừng về ở lồng son thành phố.

Ông Châu em vốn là họa sĩ, kế thừa truyền thống gia đình sống bằng nghề gốm, nhưng chỉ chơi dòng gốm nghệ thuật hiện đại, hiện chỉ còn sở hữu khoảng 20 lồng chim, sau một vụ “tai nạn” khá hy hữu.

Theo như truyện ngắn Chim và Tranh của Nguyễn Trọng Nghĩa được nhà văn Trần Nhã Thụy chuyển thể thành kịch bản phim Những tay chơi ngoại hạng được chiếu trên HTV vào Tết 2005 thì họa sĩ Châu là một “cao thủ chim” thường bị bạn bè trêu chọc là “nuôi con chim nào cũng đẻ, nhưng con vợ nó không chịu đẻ”. Vợ ông Châu nghe vậy rất buồn nên tìm thầy bói nhờ chỉ giáo. Ông thầy phán một câu chắc nịch: “Đẻ hổng được do nghề nuôi chim. Thả hết chim mới đẻ được!”.

Tin lời thầy bói, bà vợ ông Châu về nhà thả hết bầy chim lên đến hàng trăm con, toàn loại quý giá, mà dân mê chim nài nỉ mua với giá nào ông cũng không bán. Bị một cú sốc quá nặng, ông Châu em từng bước quay qua nghề vẽ, từ tranh sơn dầu chuyển sang Acrylic rồi màu nước; nhưng tiếng hót của loài chim không ngừng thôi thúc, ông lại lần mò tuyển lại vài con chim ưng ý...

Bùi Thuận

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/tieng-chim-hot-o-thanh-pho-3164118/