Tiếng Anh: Tách nhỏ bài tập, làm theo thời gian

QĐND Online – Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Anh trong chương trình Dạy tiếng Anh trên truyền hình của Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng khuyên các bạn học sinh lớp 12: Thay vì luyện thi theo kiểu “nước rút”, nên củng cố những kiến thức đã học và rèn luyện kỹ thuật làm bài thi.

Kiểm tra chức năng ngôn ngữ trong đề thi Trước đây, chúng ta quen với những dạng bài nặng về kiến thức ngôn ngữ (sử dụng từ, ngữ pháp, mẫu câu như thế nào…). Năm 2010, Bộ GD-ĐT đưa thêm loại hình hiện đại, đó là chức năng giao tiếp. Đối với dạng bài thi này, thí sinh phải biết đưa ra cách ứng xử dưới dạng ngôn ngữ giao tiếp, phù hợp với từng tình huống cụ thể. Trong một số kỳ thi gần đây thường có dạng bài thi là một đoạn hội thoại, khuyết một lời thoại. Nhiệm vụ của thí sinh phải “đáp lại” sao cho đoạn hội thoại đó hoàn chỉnh về mặt nội dung (có thể có nhiều phương án đúng). Việc điền lời thoại vào chỗ trống nhằm kiểm tra chức năng ngôn ngữ của thí sinh chứ không phải “cân đo” kiến thức ngôn ngữ như trong các bài tập “Điền từ vào chỗ trống”. Ví dụ: A: Cuối tuần bạn dự định làm gì? B: ……………………………… Trong bài tập này, có rất nhiều phương án trả lời: Tôi chưa có kế hoạch/ Tôi định đi xem phim/ Tôi sẽ đi đến thư viện…Để làm tốt dạng bài thi này, các thí sinh nên học theo nhóm nhỏ, ôn lại những tình huống giao tiếp đã học và tự đặt thêm những tình huống khác rồi cùng nhau giải quyết. Phần ngữ âm cũng là một trong số những đổi mới trong đề thi tiếng Anh tốt nghiệp PTTH. Hai dạng bài tập phổ biến trong phần ngữ âm đó là: xác định từ có cách phát âm khác với những từ còn lại và xác định trọng âm của từ (có 2 âm tiết trở lên). So với tiếng Việt, số lượng nguyên âm trong tiếng Anh nhiều hơn, phức tạp và khó phân biệt hơn. Chính vì vậy, phần thi ngữ âm thường có các bài tập xác định từ có nguyên âm khác với những từ còn lại, ví dụ: Tìm từ có âm gạch chân khác với những từ còn lại: 1- good; food; mood; shoot - từ khác là từ: good 2- start; heart; war; smart - từ khác là từ: war Khi học tiếng Việt, người nước ngoài khổ sở về các loại dấu bao nhiêu, thì người Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc xác định trọng âm từ trong tiếng Anh bấy nhiêu, đặc biệt là những từ có nhiều âm tiết. Trọng âm trong tiếng Anh lúc thì rơi vào âm tiết đầu, lúc thì âm tiết giữa, lúc thì cuối; thậm chí, có những từ có tới 2 trọng âm (chính và phụ). Chính vì lẽ đó, trong phần thi ngữ âm thường kèm theo bài tập xác định trọng âm của từ. Ví dụ: Tìm từ có âm tiết ở vị trí khác với những từ còn lại: 1- parliament; important; computer; investment - từ có trọng âm ở vị trí khác là: parliament 2- advertisement; entertainment; development; accomplishment - từ có trọng âm ở vị trí khác là: entertainment Ba bước để có điểm số cao Quy trình luyện thi phải gồm 2 giai đoạn: ôn tập kiến thức và luyện kỹ năng làm bài thi, trong đó ôn tập tốt là điều kiện cần và thành thạo kỹ năng làm bài thi là điều kiện đủ. Trong giai đoạn 1, các em cần củng cố những kiến thức đã học về mặt ngôn ngữ: từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp; mặt khác ôn lại các chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Thời gian ôn tập dài hay ngắn phụ thuộc vào khả năng từng học sinh. Ôn tập thực chất cũng là quá trình tích lũy kiến thức. Vì thế, các em không nên học theo kiểu “ăn xổi”, hoặc cố “nhồi nhét” kiến thức trong khoảng thời gian ngắn. Học sinh có thể tự tổ chức việc ôn tập, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu học theo nhóm nhỏ từ 2-4 em. Quá trình ôn tập phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, ngay cả khi đã bước vào giai đoạn 2. Có thể nói, giai đoạn 2 chính là thước đo việc ôn tập của các em ở giai đoạn 1 và chỉ nên bắt đầu việc thực hành kỹ năng làm bài thi khi đã cơ bản nắm được những kiến thức đã học. Trong giai đoạn này, các em nên luyện kỹ thuật làm một số dạng bài cơ bản, dễ “ăn điểm”. Câu hỏi thi thường gặp nhất hiện nay là bài tập trắc nghiệm – chọn đáp án đúng trong 4 phương án đã cho. Dạng bài tập này cho phép thí sinh với những kiến thức cơ bản nhất có thể loại ngay ra 2 phương án. Vì vậy, khi thực hành làm bài tập loại này, trước hết các em phải luyện cách loại đi 2 phương án không phù hợp, rất nhanh sau khi đọc xong câu hỏi. Còn lại 2 phương án, các em phải sử dụng những kiến thức ngữ pháp, từ vựng hoặc ngữ âm đã học để phân tích và lựa ra đáp án đúng. Các em nên khai thác kỹ câu hỏi, vì đó chính là gợi ý cho câu trả lời đúng. Trong khi đó, với phần kiểm tra chức năng ngôn ngữ, các em cần đọc kỹ lời thoại đã cho và phải tìm ra tình huống có lời thoại đó. Khi đã hiểu tình huống, thì việc viết tiếp lời thoại còn thiếu sẽ không còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, các em cũng cần chú ý tới lời thoại đã cho, để viết tiếp lời thoại sao cho phù hợp về thì của động từ, giới từ, mạo từ… Sau khi đã làm quen và có kỹ thuật làm các dạng bài tập thường gặp, các em bắt đầu tính thời gian khi làm từng loại bài tập, cũng như toàn bộ một bài thi cụ thể. Ban đầu có thể chưa đạt được thời gian chuẩn, các em phải rút kinh nghiệm ngay. Nếu thấy phần nào mất nhiều thời gian thì cần phải ôn luyện tiếp. Cứ như vậy, “ép” thời gian làm từng phần, cả bài thi tới mức chuẩn và cố gắng hoàn thành bài thi trước cả thời gian cho phép. Không luyện thi theo “mẹo”, “cấp tốc” Nhiều người nói là có mẹo thi, tôi không tin vào mẹo, nếu tin vào mẹo là thất bại. Trong một đề thi 100 câu trắc nghiệm tìm đáp án đúng (A, B, C, D), giả sử, chọn toàn bộ đáp án A thì chỉ đạt khoảng 20 đến 25% điểm, như vậy là trượt. Nếu trong 100 câu, làm được 30 câu chắc chắn, còn lại 70 câu chọn phương án A tất để được 25% điểm là sai… Về mặt tâm lý, các nhà thiết kế đề thi đều khuyên một điều mà không thí sinh nào nghe, đó là trước khi thi một ngày, thí sinh nên ngủ và ăn uống thoải mái, không mở sách ra nữa. Nhiều người có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng phải học đến sát thời gian thi, họ không biết rằng mình có thể nhớ cái mới học nhưng lại quên cái đã học cách đây hàng tháng trước. Nghỉ ngơi trước khi thi, đó là việc làm khoa học, sẽ làm cho tinh thần thoải mái. Khi khỏe khoắn, vào phòng thi thì các đáp án lập tức đến với mình. Thí sinh không nên để bị cám dỗ bởi lời rao “luyện thi cấp tốc”, điều đó là không thể. Đôi khi chỉ đúng với trường hợp học sinh đã giỏi sẵn và họ học chỉ là để củng cố lòng tin. Tốt nhất học sinh có thể luyện thi thành một nhóm với nhau để có điều kiện trao đổi và bổ sung những thiếu sót giúp nhau. Về mặt luyện thi, không có sự khác biệt giữa kỳ thi dễ và kỳ thi khó, do đó, thi đại học, cách ôn cũng tương tự vậy. Thu Hà (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/20/20/146711/Default.aspx