Tiên Yên - Những con đường của 'lòng dân'

Những con đường bê tông, rải nhựa khang trang, sạch đẹp nối liền từ thị trấn tới xã, từ xã tới thôn được hoàn thành bằng sự hợp lực của 'lòng dân', đem lại cho nông thôn Tiên Yên (Quảng Ninh) sức sống mới.

Bà Chíu Thị Hoa, người Dao Thanh Phán ở Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh tự hào khi quê hương mình được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Bà Hoa cũng như người dân ở Tiên Yên đều tận tâm chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, bởi đây là một trong những điều kiện quan trọng để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Con đường bê tông như dải lụa mềm vào thôn Đuốc Phẹ, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh (Ảnh: Đình Loan)

"Ngày xưa đi lại khó khăn, đường bùn đất, bây giờ đường được rải nhựa, bê tông đi đến tận nhà. Giờ người già lẫn trẻ nhỏ rất là thích. Tiêu chí nông thôn mới về huyện, các xã, đường rộng thoải mái. Đi từ xã này sang xã kia quá tiện lợi luôn. Đường bê tông, xe máy đi lại không như ngày xưa. Trước từ xã Phong Dụ sang Đại Dực thôi đã phải đi bộ hơn 1 ngày đường giờ đi xe máy 45 phút...", bà Chíu Thị Hoa nói.

Tiên Yên không chỉ huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua ra quân làm đường giao thông nông thôn.

Chính quyền huyện Tiên Yên xác định xây dựng hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn gắn với phát triển đô thị, 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã được bê tông hoặc nhựa hóa.

Ông Ninh A Sủi, Bí thư chi bộ trưởng thôn Khe Quang, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, cho hay quá trình vận động người dân hiến đất làm đường không phải ngày 1 ngày 2. Thôn Khe Quang, người hiến nhiều nhất cũng lên tới 2000-3000m2, còn gia đình ông Sủi cũng hiến 300m2 đất. Ông và người dân ở Khe Quang đều hiểu giao thông nông thôn có phát triển thì cuộc sống mới đổi thay.

"Khó khăn nhất là vận động hiến đất không chỉ của riêng Đại Dực mà của nhiều xã khác. Đi vận động hôm nay không được thì chịu khó đi nhiều lần, tuyên truyền bằng nhiều cách để thuyết phục được nhân dân ủng hộ chính quyền, Đảng và Nhà nước. Tôi rất tự hào về xã Đại Dực. Bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ hiến đất mở đường làng ngõ xóm", ông Ninh A Sủi bày tỏ.

Thôn Bản Danh, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Trước đến với Bản Danh phải lội suối, đi bộ rất vất vả. Nay có đường việc đi lại của người dân đã không còn khó khăn. Đời sống của người dân thay đổi rất nhiều (Ảnh: Đình Loan)

Tiêu chí về hạ tầng cũng là vấn đề khó khăn của xã Yên Than. Địa bàn rộng, từ đầu đến cuối xã trải dài trên 30km, chia cắt bởi sông suối khiến người dân đi lại khó khăn. Ông Phạm Văn Hưng, Phó Bí Thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Yên Than cho hay, để hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn là cả quá trình nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong xã. Những năm 2015, như nhà ông Chíu Sáng Hồng, Chíu Sáng Cắm hiến 5000-7.000 m2 đất, hay nhà ông Lỉ Suồi Lì hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn. Có được sự đồng lòng của nhân dân thì Yên Than mới có được hệ thống giao thông như ngày hôm nay.

"Chúng tôi và nhân dân rất trách nhiệm. Công trình đi đến đâu là nhân dân hoàn toàn hiến đất, hiến ngày công, đóng góp một phần kinh phí để thực hiện các chương trình này. Thời gian đầu nhân dân chưa hiểu, tâm lý còn e dè. Sau đó khi chúng tôi vận động thành phong trào, xây dựng những điển hình, những tấm gương nhân dân thì từ đó cũng học tập theo, bớt khó khăn chứ thời gian đầu đúng khó khăn lắm. Tự hào về sự đổi thay đổi thay quê hương. Thành công hôm nay có nhân dân Yên Than, nhân dân toàn huyện, trong đó có cả các cán bộ, công chức của xã", ông Hưng cho hay.

Khu dân cư Khe Lẹ thuộc thôn Thống Nhất, xã Hà Lâu được gọi là "phố trong bản" (Ảnh: Đình Loan)

14 năm qua, người dân Tiên Yên đã hiến hơn 610.000m2 đất các loại cho việc mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng. Anh Vi Xuân Bách, Phó Chủ tịch UBND, Bí Thư đoàn Thanh niên xã Hà Lâu chia sẻ, có được kết quả như trên là do sự chung tay vào cuộc của toàn bộ người dân cũng như hệ thống chính trị của huyện. Đoàn Thanh niên cũng là lực lượng trẻ xung kích trong việc hiến đất, đóng góp ngày công với tâm thế tự nguyện, nhiệt huyết.

"Đoàn thanh niên đã tuyên truyền sâu rộng, mỗi đoàn viên là một tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong công tác tiên phong giới thiệu cũng như làm công tác động viên cho gia đình hiến những phần đất khi có con đường đi qua để làm sao để góp phần chung để cho huyện nhà phát triển. Đó là điều chúng tôi rất tự hào, sung sướng. Từ trung tâm xã đến thị trấn Tiên Yên hoặc là từ trung tâm xã về đến những thôn xa nhất đến ba chục cây số đều là đường bê tông, thuận tiện cho công việc của chúng em đi sinh hoạt cũng như đi tuyên truyền cho bà con nhân dân", anh Bách chia sẻ.

1 góc thị trấn Tiên Yên nhìn từ trên cao (Ảnh: Cấn Đình Loan)

Nhờ giao thông thuận tiện nên kinh tế của địa phương cũng có bước phát triển, dần giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền. Cách đây 14 năm, Tiên Yên bước vào triển khai Chương trình xây dựng NTM với nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. 14 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Yên đã nỗ lực cán đích là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 76,92 triệu đồng/người/năm; riêng khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2010. Với hệ thống giao thông hiện đại như hiện nay, Tiên Yên đang dần trở thành điểm nối phát triển kinh tế giữa các địa phương của vùng Đông Bắc Quảng Ninh.

Lan Anh/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-yen-nhung-con-duong-cua-long-dan-post1088604.vov