Tiến sĩ Việt tại Amazon: Hãy quên đi tấm huy chương vàng Toán quốc tế

Giành huy chương vàng Toán quốc tế năm 2007, tốt nghiệp 2 trường danh tiếng của Mỹ, đầu quân cho tập đoàn Amazon, Phạm Thành Thái vẫn chưa hài lòng với những gì mình làm được.

Năm 2007, Phạm Thành Thái là học sinh lớp 12 Toán trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), đã xuất sắc đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế (IMO).

Sau 10 năm, từ cậu bé vàng Toán học, chàng trai Việt trở thành nhà khoa học được công ty hàng đầu thế giới Amazon đón nhận.

Con đường đến Amazon

Trở về từ IMO lần thứ 48, Phạm Thành Thái chọn ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm điểm đến. Với niềm tin nếu muốn làm việc có tầm ảnh hưởng lớn, không đâu tốt bằng Mỹ, anh sớm xác định đây chính là mục tiêu của mình.

Cũng từ lúc này, ngành Kinh tế đến với Thái hết sức tình cờ. Anh đã tự hỏi rất lâu rằng mình có muốn và hợp làm nghiên cứu Toán không. Câu trả lời là không.

“Tham gia IMO là niềm vui lớn nhất với tôi trong những năm THPT nhưng theo đuổi Toán cả đời lại là phạm trù khác. Tôi nghĩ rằng nếu dùng Toán học vào các ngành khác thì sự đóng góp sẽ trực tiếp hơn”, Phạm Thành Thái tâm sự với Zing.vn.

Tại thời điểm chàng trai 18 tuổi băn khoăn tìm hướng đi cho mình, một đàn anh từng thi IMO và đã tu nghiệp ở nước ngoài khuyên Thái nếu không chọn Toán, có thể theo học Khoa học Máy tính hoặc Kinh tế học, cụ thể là Lý thuyết Trò chơi (Game Theory).

Trúng tuyển Học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 2009, Thái quyết định chọn Lý thuyết Trò chơi và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu chuyên ngành Toán, Kinh tế và Khoa học Quản trị 4 năm sau đó. Thành Thái tiếp tục theo học và mất 4 năm để lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH Kinh doanh Stanford (học viên thông thường sẽ mất 5-6 năm).

Anh thừa nhận IMO là cuộc chơi mà phần thưởng nó mang lại không nhỏ. Tấm huy chương vàng Toán quốc tế góp phần quan trọng giúp chàng trai Việt giành được học bổng toàn phần của MIT.

“Stanford là câu chuyện khác vì ở bậc tiến sĩ, họ quan tâm chủ yếu những gì bạn làm được khi học đại học”, Thành Thái nói.

Tại Stanford, anh chọn ngành nghiên cứu khác, mặc dù cũng trong lĩnh vực kinh tế. Lần này, nghiên cứu của "anh chàng Hải Dương" dùng nhiều dữ liệu hơn, và ngoài Toán ra còn có Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).

Một phương thuốc mới có tác dụng thế nào đối với việc chữa bệnh? Mô hình trường chuyên có tác động thế nào đối với thành tích học tập của học sinh? Một tính năng mới của Facebook có ảnh hưởng thế nào đến người dùng? Trả lời các loại câu hỏi này là nghiên cứu về quan hệ nhân - quả (Causal Inference).

"Trong nghiên cứu, tôi trả lời các câu hỏi như vậy bằng cách sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và các kỹ thuật máy học (Machine Learning) tiên tiến kết hợp trong các mô hình nhân - quả”, Thành Thái giải thích về nghiên cứu của mình.

Anh nói thêm AI đang tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới và đây là công cụ nhiều tiềm năng, đặc biệt là khi lượng dữ liệu có sẵn ngày càng lớn.

Thông thường, AI hay cụ thể hơn là Machine Learning, giải quyết các vấn đề về dự đoán rất tốt. Tuy nhiên, khi cần ra quyết định quan trọng liên quan chính sách chính phủ, y học, hay kế hoạch lớn ở công ty, dự đoán đơn thuần là không đủ.

"Lấy ví dụ khi nhận diện hình ảnh, nếu máy tính nhận diện sai cũng không gây ra hệ quả quá lớn lao. Nhưng nếu dự đoán sai trong các quyết định quan trọng nhắc đến bên trên, hậu quả sẽ vô cùng to lớn. Các phương pháp về quan hệ nhân quả sẽ khỏa lấp chỗ trống này”, Thành Thái nói.

Với thế hệ sau, Phạm Thành Thái khuyên các em nên tìm một người hướng dẫn để được tư vấn về hướng đi phù hợp. Gần 10 năm trước, nếu không nhờ những người đi trước chỉ dẫn, anh không thể trở thành một trong những người Việt đầu tiên được nhận vào chương trình đại học ở MIT trực tiếp từ Việt Nam.

Phạm Thành Thái cũng luôn sẵn lòng tư vấn cho những thí sinh bước ra từ IMO và hy vọng các em tìm được hướng đi chính xác.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tien-si-viet-tai-amazon-hay-quen-di-tam-huy-chuong-vang-toan-quoc-te-post769698.html