Tiến sĩ Phạm Quý Thích: Người thầy của sĩ phu Bắc Hà

Sĩ phu Bắc Hà – danh xưng ấy là niềm tự hào của những đại trí thức sinh trưởng nơi đất Bắc. Mầm mống danh xưng “sĩ phu Bắc Hà” hay “kẻ sĩ Bắc Hà” xuất hiện cách nay ngót 400 năm. Nhưng để nổi bật danh xưng ấy nhất có lẽ vào khoảng thời gian cách nay 200 năm – đầu thời nhà Nguyễn. Tiến sĩ Phạm Quý Thích là người thể hiện rõ chí khí của kẻ sĩ Bắc Hà, và chính ông là người thầy đã đào tạo nên một lớp sĩ phu Bắc Hà vang danh.

Năm 1527, nhà Lê suy thoái, dẫn tới việc nhà Mạc cướp ngôi. Nhờ những đại thần tài giỏi, nhà Lê lấy được nước nhưng lại để xảy ra tình trạng vua Lê, chúa Trịnh. Sau đó thêm chúa Nguyễn. Đến năm 1672, sau 7 lần đánh nhau lớn bất phân thắng bại, Trịnh – Nguyễn phải phân định gianh giới. Phía Bắc sông Gianh là của chúa Trịnh, phía Nam sông Gianh là chúa Nguyễn. Phía Bắc còn được gọi là Đàng Ngoài hay Bắc Hà. Phía Nam là Đàng Trong hay Nam Hà.

Chính sự phân chia gianh giới Bắc Hà và Nam Hà là khởi nguồn để có tên gọi kẻ sĩ Bắc Hà sau đó.

Đỗ đạt thời loạn

Phạm Quý Thích sinh ngày 19/10 năm Canh Thân (1760) tự là Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ. Phạm Quý Thích là người quê gốc ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra và lớn lên ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, đất kinh kỳ Thăng Long. Ông là con trai của cụ Phạm Quý Huyền, đỗ Hương cống năm 1750.

Sinh ra trong bối cảnh xã hội đầy biến động đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng của Phạm Quý Thích. Ông chứng kiến cảnh quân Trịnh tấn công chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, mở mang gianh giới về phía Nam. Trận chiến kết thúc được 2 năm cũng là lúc triều đình mở khoa thi năm Kỷ Hợi (1779). Và khoa này ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (khi đó ông 19 tuổi).

Sau khi đỗ, Phạm Quý Thích được bổ nhiệm chức Đông các hiệu thư, rồi Hàn lâm viện hiệu thảo, Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử, Thiêm sai tri Công phiên. Tuổi trẻ, chí lớn, tài cao nhưng làm quan được vài năm thì chúa Trịnh Sâm chết và xảy ra biến loạn phủ chúa. Quân Tây Sơn ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” khiến Phạm Quý Thích phải lánh nạn sang đất Bắc Ninh ăn nhờ ở đậu.

Tâm tư danh sĩ Bắc Hà

Giống như nhiều danh sĩ Bắc Hà, Phạm Quý Thích không có thiện cảm với triều Tây Sơn. Năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi có vời ông ra làm quan, giữ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu. Ông không muốn vào kinh đô Huế nên xin ở lại Bắc thành, được cử làm Đốc học phủ Hoài Đức. Tuy nhiên, chỉ ít năm, ông xin từ quan về nhà. Đến năm Gia Long 10 (1811), ông lại được vua triệu về kinh đô giao cho việc chép sử. Nhưng cũng chỉ được ít lâu, ông lại cáo quan về. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua lại tuyên triệu, nhưng ông lấy cớ đang ốm nên từ chối.
Phạm Quý Thích không thích làm quan. Trong bối cảnh xã hội tao loạn, ông chủ trương không “hành” mà “tàng”. Ông không tham gia các phe phái quyền lực chính trị trong triều Lê – Trịnh, mà giấu thân, đợi thời. Điều này rất khác với tư tưởng “xuất – xử” của các nhà Nho cùng thời. Tức là không ra làm quan thì về ở nhà. Tư tưởng này sau được học trò Tiến sĩ Vũ Tông Phan nêu rõ trong hai câu thơ: “Gươm báu mới mài ngời ánh sáng; Hành hay tàng vẫn rạng muôn phương”.

Phạm Quý Thích miễn cưỡng làm quan vài năm. Những việc làm của nhà Nguyễn khiến những kẻ danh sĩ Bắc Hà như ông ngao ngán. Kinh đô Thăng Long hàng tám thế kỷ tồn tại bỗng chốc bị đẩy xuống một tỉnh. Với chủ trương hạ thấp vị trí và xóa bỏ ảnh hưởng của văn hiến Thăng Long, vua Minh Mạng đã thực hiện một loạt công việc như: Đổi Thăng Long thành Hà Nội, dỡ bỏ Hoàng thành Thăng Long xây lại thành mới theo hình vô băng nhỏ hơn, thấp hơn thành Huế năm 1805; Xây lại Quốc tử Giám ở Huế bề thế hơn, còn ở Hà Nội thì hạ biển “Thái học môn” thành “Văn Miếu môn” năm 1821; Giáng cấp các quan trông coi việc học ở Bắc thành và phủ Hoài Đức từ Đốc học (cấp tỉnh) xuống Giáo thụ (cấp huyện) năm 1823… Chưa hết, việc tàn sát kẻ sĩ Bắc Hà như Ngô Thời Nhậm, đánh đòn nặng Phan Huy Ích, sát hại hàng loạt đại công thần như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt, Lê Chất… coi thường và dè chừng danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Công Trứ… chính những điều này cộng thêm các cuộc nổi dậy của các phe phái, nông dân… chỉ trong vòng mấy năm mà có tới 30 cuộc đàn áp của triều đình càng làm tình hình đất nước rối ren…

Phạm Quý Thích mang một nỗi u buồn lớn trước sự suy thoái của đất nước, của Thăng Long. Trong bài “Tả nỗi lòng” ông viết:

Đổi thay đất nước khác non sông
Hoàng vắng vườn xưa ít cúc tùng
Trốn tránh đất trời thân lạc lõng
Hủ nho, gió bụi kiếp long đong
Tấm thân gầy ốm, non thu lạnh
Tấc dạ tôi con bóng nguyệt trong
Có kẻ khuyên ta vui với rượu
Khuất Nguyên xưa hỏi có say chăng?

Giọng điệu thơ phảng phất tâm tư của bậc danh sĩ Bắc Hà. Trong nhiều sáng tác khác cũng vậy. GS Nguyễn Lộc đánh giá: “Ngoài số thơ vịnh sử, miêu tả cảnh thiên nhiên, viết về cảnh loạn lạc, đói kém của nhân dân vì hạn hán mất mùa bị sự ức hiếp của giới quan lại và cường hào; số còn lại đều là thơ bộc lộ tâm sự hoài Lê của ông… Thơ của ông thường rất buồn. Thiên nhiên trong thơ thường là những cảnh chiều hôm, đêm tối. Chùa chiền trong thơ ông thường mang những nét tàn tạ... Nhìn chung, khuynh hướng hoài cổ là nét chủ đạo trong toàn bộ sáng tác của Phạm Quý Thích”.

Phạm Quý Thích nổi tiếng là bậc danh sĩ có học vấn uyên thâm, không màng danh lợi. Tính ông thích ẩn dật, an nhàn. Ông thường giao du nhiều với các trí thức lớn đương thời. Nguyễn Du là bạn thân của ông. Khi viết xong “Đoạn trường tân thanh”, Nguyễn Du đưa bản thảo cho Phạm Quý Thích xem. Phạm Quý Thích có chữa một vài chữ rồi viết lời tựa và đưa tác phẩm của Nguyễn Du in ở phường Hàng Gai, Hà Nội. Bản Kiều này được người đời sau gọi là bản phường để phân biệt với bản kinh (khắc in ở kinh đô). Phạm Quý Thích cũng là người đầu tiên đưa “Kim Vân Kiều tân truyện” vào giảng dạy trong trường của mình. Đây là nội dung bài thơ “Cảm xúc khi nghe Đoạn trường tân thanh” mà Phạm Quý Thích dịch từ bài thơ chữ hán của mình:

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Gót ngọc khôn đành giấc thủy ngoan
Nửa gối đoạn trường tan giấc điệp
Một dây bạc mệnh đứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tử lắm
Trời bắt làm gương để thế gian.

Phạm Quý Thích “tàng” thân ngay nơi trường ốc được mở tại thôn Tự Tháp, bờ tây Hồ Hoàn Kiếm. Học vấn uyên thâm và tư tưởng của ông được truyền thụ và tỏa sáng qua các học trò tên tuổi: Tiến sĩ Hà Tông Quyền; Tiến sĩ Vũ Tông Phan (gọi ông bằng cậu ruột), Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (thần Siêu), Tiến sĩ Lê Duy Trung, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ Diệp Xuân Huyên, Bà Huyện Thanh quan, Nguyễn Văn Lữ, Chu Doãn Trí, Cử nhân Phạm Hội…

Tiến sĩ Phạm Quý Thích mất tháng 5/1825, và chỉ chứng kiến một đệ tử đỗ đại khoa là Hà Tông Quyền - Tiến sĩ năm 1822.

Truyền thừa tư tưởng

Đa phần học trò đỗ đại khoa của thầy Phạm Quý Thích chịu ảnh hưởng tư tưởng của thầy nên chỉ làm quan cho có rồi tìm cách trở về mở trường. Những trường dạy học quanh Hồ Hoàn Kiếm của các môn đệ và hậu sinh này đều mang tên ghép với chữ “đình”, như: Hồ Đình (của Tiến sĩ Vũ Tông Phan), Phương Đình (của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu), Chí Đình (của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý), Dương Đình (của Tiến sĩ Ngô Thế Vinh), Liên Đình (của Cử nhân Nguyễn Huy Đức), Thiện Đình (Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng). Những học trò của các trường mang tên “đình” tiếp tục làm rạng danh lớp sĩ phu tiền bối. Có thể kể một số tên tuổi như: Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp, Tiến sĩ Hoàng Tướng Hiệp, Hoàng giáp Lê Đình Diên, Phó bảng Phạm Hy Lượng, Ngô Văn Đặng, cử nhân Lê Ngọc Lâm…

Khác với “Hành – Tàng” cô đơn của thầy, các học trò đã tập hợp trong một tổ chức văn hóa xã hội là Hội Hướng thiện (trụ sở tại đền Ngọc Sơn) do Vũ Tông Phan làm Hội trưởng đầu tiên rồi đến Nguyễn Văn Siêu. Thần Siêu đã kiến tạo hoàn thiện thêm kiến trúc văn hóa Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba. Từ đó, đền Ngọc Sơn thực sự trở thành một “ngôi đền văn hóa”. Hội Hướng thiện khác hẳn những thi xã thường thấy.

Hội viên Hội hướng thiện ngoài các sĩ phu còn có các thương nhân. Tiến sĩ Vũ Tông Phan gả con trai cả cho cháu đại thương gia đất Hà Thành Bùi Huy Tùng. Tư tưởng kết hợp giữa hai tầng lớp sĩ phu – thương nhân này cũng lan tỏa và gắn kết mạnh mẽ để Đông Kinh Nghĩa Thục phát triển.

Cử nhân Lương Văn Can – học trò của Cử nhân Nguyễn Huy Đức tiếp nối truyền thống đã trở thành Thục trưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục. Và thế hệ sau nữa của sĩ phu Bắc Hà cũng tham chính, đóng góp công sức trí tuệ cho đất nước, ví như luật sư nhà báo Vũ Đình Hòe (hậu duệ đời thứ tư của Tiến sĩ Vũ Tông Phan) làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ Khôi

Từ khóa

người thầy sĩ phu bắc hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tien-si-pham-quy-thich-nguoi-thay-cua-si-phu-bac-ha/136437