Tiền Giang: Từng bước đưa công nghệ số đến với người dân

Nhằm thu hẹp khoảng cách số, Tiền Giang từng bước đẩy mạnh triển khai các hoạt động tiện ích trên môi trường số thông qua nền tảng di động, giúp người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số hiệu quả, góp phần hướng tới phát triển giao dịch số toàn diện trong tương lai.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo kế hoạch phối hợp hoạt động chuyển đổi số giữa Viettel Tiền Giang và UBND huyện Gò Công Tây, ngoài các hoạt động tuyên truyền kết hợp với thành viên của Tổ chuyển đổi số cộng đồng, hoạt động phát triển các điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR - không dùng tiền mặt cũng là một trong các hoạt động hướng tới chuyển đổi số. Điển hình cho hoạt động này, chợ Thị trấn Vĩnh Bình là chợ đầu tiên của Tiền Giang được ra mắt hình thức chợ 4.0 - mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Thành đoàn TP. Mỹ Tho, Viettel Tiền Giang và UBND phường 4 tuần hành tuyên truyền triển khai “Phường chuyển đổi số toàn diện - phường 4, TP. Mỹ Tho”.

Sau thời gian triển khai cho tiểu thương tại chợ, nhiều hộ tiểu thương nơi đây đánh giá việc ứng dụng công nghệ để thực hiện thanh toán tiêu dùng rất tiện lợi. Người dân có thể thực hiện giao dịch mua bán không còn gặp khó khăn trong tính toán tiền thừa, mà vẫn đảm bảo tính minh bạch trong thanh toán…

Các giao dịch được diễn ra nhanh chóng chỉ với điện thoại smartphone, người dân đều có thể giao dịch không tiền mặt tại các sạp hàng và ki ốt, các hộ kinh doanh, tiểu thương trong chợ.

Bên cạnh tiếp tục truyền thông cho người dân tại địa bàn về việc đóng tiền điện, nước qua hình thức không dùng tiền mặt, Viettel phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn thị trấn triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cụ thể tại các trường cấp 1, cấp 2 và trường mầm non trên địa bàn, từng bước tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về hình thức đóng học phí qua ứng dụng trực tuyến.

Hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số trên điện thoại smartphone.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bình Đặng Hữu Phước cho biết, việc thực hiện chuyển đổi số còn mới so với đa số người dân nên tâm lý sợ sai, sợ bị lừa đảo khi tham gia vào các ứng dụng, phần mềm công nghệ. Nhưng sau thời gian ngắn triển khai, mô hình chợ 4.0 tại thị trấn Vĩnh Bình đã bước đầu nhận được phản hồi và kết quả tích cực.

Các nhân viên đơn vị Viettel đã phối hợp cùng Tổ công nghệ số cộng đồng của thị trấn đến tận nơi hướng dẫn các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh và người dân cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng. Mô hình chợ 4.0 đã giúp người dân từng bước tiếp cận với công nghệ số, ngày càng nhân rộng sự đồng thuận trong người dân vì sự tiện ích của mô hình mang lại phục vụ cho công việc hằng ngày như: Kinh doanh mua bán hạn chế dùng tiền mặt, đóng tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí, thanh toán các thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, để thực hiện các bước trong lộ trình chuyển đổi số, thời gian tới, thị trấn Vĩnh Bình sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về chuyển đổi số thường xuyên và liên tục để người dân hiểu và thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hằng ngày; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT

Xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 370 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Để thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện, đạt hiệu quả, UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2028. Theo đó, Viettel Tiền Giang xây dựng, phát triển mạng lưới viễn thông đồng bộ rộng khắp, phủ sóng đến 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Từ đó thực hiện phổ cập đầy đủ các dịch vụ viễn thông cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đơn vị có liên quan cũng phối hợp với Viettel triển khai việc lắp đặt các trạm 5G tại TP. Mỹ Tho.

Nhằm nhân rộng hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn TP. Mỹ Tho, Viettel đã phối hợp với chính quyền phường 4 (TP. Mỹ Tho) triển khai mô hình điểm về chuyển đổi số toàn diện.

Trong đó, chính quyền số sẽ thí điểm nâng cấp cổng thông tin điện tử UBND phường 4 tích hợp dịch vụ chatbot kết nối với Cổng thông tin điện tử UBND TP. Mỹ Tho; kết nối hệ thống thanh toán và lắp đặt mã QR thanh toán trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại UBND phường; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ, thủ tục và ký số qua cổng dịch vụ công; xây dựng và quản lý hệ thống camera giám sát an ninh trật tự khu dân cư, với mỗi khu phố có một hệ thống camera giám sát an ninh và được kết nối về trụ sở UBND hoặc Công an phường.

Đối với kinh tế số, Viettel đã phối hợp với chính quyền phường 4 tư vấn và trang bị cho các tiểu thương, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trên địa bàn sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ mở hoặc liên kết tài khoản, cài đặt phần mềm và trang bị ấn phẩm mã QR cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; cùng với triển khai cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cho các hộ kinh doanh như: Chữ ký số, hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý bán hàng…

Phường 4 phấn đấu 90% các hộ kinh doanh sử dụng mã QR thanh toán không dùng tiền mặt và 100% trường học áp dụng thanh toán trực tuyến; đồng thời, xây dựng 2 tuyến phố chuyển đổi số tại đường Yersin và đường Tết Mậu Thân.

Về xã hội số, Viettel phối hợp với chính quyền hỗ trợ người dân tiếp cận ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và hướng dẫn việc thực hiện thanh toán tiền điện, nước, học phí, dịch vụ công và các hoạt động mua bán của người dân, đảm bảo 85% người dân ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản điện tử để thanh toán trực tuyến.

Đồng thời, phổ cập sử dụng smartphone và các sản phẩm, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cho người dân, cơ quan, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn; nâng cấp 4G và cài đặt các ứng dụng miễn phí cho người dân; phấn đấu đảm bảo 70% người dân trong độ tuổi được định danh điện tử mức độ 2 và được cài đặt ứng dụng VNeID…

Chủ tịch UBND phường 4 (TP. Mỹ Tho) Dương Văn Học cho biết, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phường đã tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình, phần việc về chuyển đổi số, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, tiêu biểu như mô hình chợ hạn chế sử dụng tiền mặt, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả của UBND phường…

Qua quá trình triển khai cho thấy, nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn phường 4 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Mô hình Phường chuyển đổi số toàn diện do Viettel Tiền Giang, Thành đoàn Mỹ Tho, UBND phường 4 phối hợp thực hiện sẽ góp phần phát triển đồng bộ và nâng chất lượng các mô hình hiện đang triển khai tại địa phương; đồng thời, áp dụng công nghệ do Viettel cung cấp, hướng dẫn thực hiện nhằm chuyển đổi số các hạng mục thuộc khu vực công. Từ đó đóng góp vào các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong chương trình chuyển đổi số mà địa phương đang thực hiện.

Đến nay, mô hình chuyển đổi số toàn diện tiếp tục được triển khai nhân rộng tại 2 xã Cẩm Sơn và Ngũ Hiệp thuộc địa bàn huyện Cai Lậy.

MINH QUANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202311/tien-giang-tung-buoc-dua-cong-nghe-so-den-voi-nguoi-dan-995175/