Tiền Giang: Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời

Trước những bất cập trong đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà, tỉnh Tiền Giang đang kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Tiền Giang đang kiến nghị Trung ương tạo điều kiện cho DN đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.

Thực tế cho thấy, những năm qua, việc đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, từ sau ngày 31-12-2020, khi Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, việc đầu tư phát triển dạng năng lượng tái tạo này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh nhu cầu đầu tư giảm, nhiều DN, hộ gia đình đã đấu nối, phát điện mặt trời lên hệ thống cũng gặp nhiều khó khăn vì không đáp ứng đầy đủ các quy định về hồ sơ, thủ tục.

Theo đại diện một DN tại Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho, năm 2019, công ty đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 47 kW.

Sang năm 2020, công ty đầu tư thêm với công suất 993 kW, nâng tổng công suất lên hơn 1 MW. Trung bình mỗi tháng, DN trả hóa đơn tiền điện khoảng 500 triệu đồng.

Việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất hiện tại đáp ứng khoảng 30% nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của công ty.

Nguồn điện dư ra là những ngày DN nghỉ lễ, tết, không sản xuất hòa vào hệ thống lưới điện. Khi đó, ngành Điện sẽ xác nhận biên bản, DN xuất hóa đơn và được trả bằng tiền.

Đến tháng 4-2022, ngành Điện có yêu cầu bổ sung đầy đủ các hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thì mới cho xuất hóa đơn. Các thủ tục được yêu cầu bổ sung như: Phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, giấy phép xây dựng công trình…

Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo yêu cầu chưa kịp thời.

Một số DN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư điện năng lượng mặt trời.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Tiền Giang, năng lượng mặt trời là một dạng năng lượng tái tạo. Đây là dạng năng lượng có tiềm năng lớn đối với khu vực miền Nam, cần khai thác trong thời gian tới.

Đặc biệt ở Tiền Giang, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng có rất nhiều tiềm năng. Trên địa bàn tỉnh có 1.756 hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Trung bình mỗi tháng, công suất phát điện từ 4,9 đến 5,9 triệu kWh. Tổng số phát điện cả năm từ 61 - 67 triệu kWh.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Điện lực Tiền Giang, hiện ngành Điện rất ủng hộ và đang đề xuất chính sách khuyến khích lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên các nhà xưởng của DN.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số nghị định để khuyến khích đưa vào khai thác điện năng lượng mặt trời lớn (trên 1 MW), áp dụng đối với những dự án đã thi công dở dang không kịp nghiệm thu trước ngày 31-12-2020.

Mới đây, ngày 13-6-2023, Bộ Công thương đã ban hành Văn bản số 74 dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở DN Việt Nam. Đi kèm với nội dung này có dự thảo nghị định đang thu thập ý kiến để Chính phủ bàn và ban hành chính thức.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự thảo này chưa đáp ứng mong mỏi của DN, người dân. Dự thảo này chỉ đề cập đến các đối tượng, thứ nhất là đối với các mái nhà của hộ dân; thứ 2 là các trụ sở của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập; thứ 3 là trụ sở của DN bao gồm văn phòng làm việc, văn phòng các chi nhánh đại diện DN, không bao gồm trụ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh bên ngoài.

“Ngành Điện ủng hộ quan điểm là đối với các nhà xưởng của DN việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời sẽ rất hiệu quả, giúp cho giảm chi phí. Ngành Điện Tiền Giang sẽ ủng hộ và có kiến nghị với cấp trên để góp ý sửa dự thảo này.

Ngành Điện cũng mong muốn Sở Công thương, địa phương cùng góp ý để Chính phủ mở rộng đối tượng lắp đặt điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các nhà xưởng của DN.

Bởi nếu chỉ lắp đặt điện năng lượng mặt trời tại trụ sở chính của DN cũng sẽ không mang nhiều ý nghĩa, công suất không bao nhiêu” - lãnh đạo Công ty Điện lực Tiền Giang thông tin thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, trước đây, nước ta thực hiện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quyết định này hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020. Thời gian qua, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tiếp tục thực hiện đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà để sử dụng và còn dư sẽ dùng trong mục đích kinh doanh.

Vừa qua, để tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh có tổ chức cuộc họp và Chủ tịch UBND tỉnh có thông báo Kết luận số 110 ngày 16-5-2023.

Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, hiện Trung ương chưa có ban hành hướng dẫn quy định về an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy, nổ trong lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà để thực hiện.

Do đó, để chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho DN hoạt động, cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì các sở, ngành liên quan hướng dẫn DN lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà theo hướng sau.

Cụ thể, công suất lắp đặt không quá 1 MW/ hệ thống, chỉ lắp đặt 1 hệ thống và chỉ áp dụng cho những DN xuất khẩu có nhu cầu chứng chỉ xanh để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài.

Mục đích lắp đặt là tự dùng không kinh doanh, phục vụ cấp chứng chỉ xanh. Các DN phải đảm bảo yêu cầu về xây dựng, môi trường, phòng chống cháy, nổ.

Chủ đầu tư cam kết chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn xây dựng, môi trường, đáp ứng yêu cầu phòng, chống cháy, nổ.

Theo đồng chí Đặng Văn Tuấn, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện cho DN đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái vừa phục vụ cho nhu cầu tự dùng và khi có sản lượng thừa sẽ bán cho ngành Điện như Quyết định 13 trước đây.

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202307/tien-giang-kien-nghi-thao-go-kho-khan-trong-dau-tu-phat-trien-dien-nang-luong-mat-troi-983712/