Tận dụng quỹ đất cho giao thông tĩnh

Trong khi chờ đợi các dự án giao thông tĩnh dần hình thành, Hà Nội cần tận dụng mọi quỹ đất có thể để tổ chức dịch vụ trông giữ xe, đặc biệt là các gầm cầu cạn, đất dự án chậm triển khai còn bỏ trống.

Bãi trông giữ xe dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng. Ảnh: Phạm Hùng

TP cũng cần quyết liệt với chủ đầu tư những khu đô thị mới, phải bảo đảm dành đất cho giao thông tĩnh.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có gần 600 cây cầu lớn nhỏ khác nhau, tuyệt đại đa số khoảng không dưới những cây cầu này chưa được nhìn nhận như một nguồn lực cho giao thông tĩnh. Ví dụ như gầm cầu cạn Vành đai 3, đoạn từ Linh Đàm - cầu Thăng Long, dù hàng loạt cao ốc và khu dân cư mọc lên, nhu cầu về bến bãi gửi xe ngày càng lớn nhưng lại chưa được nghiên cứu khai thác để tận dụng.

Nguyên nhân chính khiến Hà Nội chưa thể tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu là do Văn bản hợp nhất số 333/VBHN-BGTVT do Bộ GTVT ban hành có quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác”.

Nhận thấy những bất cập từ quy định này, tháng 12/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND TP Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. Bộ GTVT cũng đã đồng thuận cho Hà Nội triển khai một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu, nhưng thời hạn chỉ được hai năm (2020 - 2021).

Và thực tế ghi nhận được từ những điểm trông giữ xe dưới cầm trên địa bàn Hà Nội như: Vĩnh Tuy, Mai Dịch, Ngã Tư Vọng... đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Những điều kiện cốt lõi như: phòng cháy chữa cháy (PCCC), tổ chức giao thông đều được bảo đảm tốt, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội chia sẻ: “Với lợi thế đã có sẵn mặt bằng, hạ tầng xung quanh hoàn chỉnh, không phải đầu tư lớn về xây dựng, việc tận dụng các khu vực gầm cầu cạn đúng cách, đúng mục đích sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hạ tầng xã hội, phục vụ đời sống của người dân ngày một tốt hơn”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng thiếu điểm trông giữ xe được cấp phép và quản lý là cơ hội cho các chủ bãi xe “lậu” thu phí vô tội vạ, trục lợi cá nhân; trong khi rủi ro đẩy cho Nhà nước và người dân tự chịu. Chính vì vậy, việc cấp phép cho các ô đất trống đủ điều kiện trông giữ phương tiện giao thông vừa là cách để kiểm soát, bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho người dân.

Ông Trần Hồng Phong - Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng kiến nghị: “Đã đến lúc tháo gỡ rào cản pháp lý đầy tính bất cập, nhìn nhận việc tận dụng các ô đất trống trong đô thị làm bãi trông giữ xe tạm thời như một giải pháp hữu hiệu cho không chỉ giai đoạn trước mắt mà cả về lâu dài đối với Hà Nội cũng như nhiều TP lớn khác”.

Tuy nhiên, TP cần có những quy định cụ thể, chi tiết, phân loại rõ những vị trí có thể tận dụng hoặc tuyệt đối không cấp phép trông giữ xe để làm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho việc triển khai vào thực tế.

Nếu có thể xây dựng một bộ cơ chế tiêu chuẩn, phù hợp, mở hướng tiếp cận đến quỹ đất trống trong lòng đô thị, Hà Nội sẽ vừa tạm thời giải quyết được một phần không nhỏ nhu cầu đỗ gửi xe của người dân, vừa tăng thu ngân sách, có thêm nguồn lực tái đầu tư cho chính hạ tầng giao thông tĩnh.

Vấn đề là phải ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành để minh bạch giá phí, thu chi bảo đảm quyền lợi cho người dân cũng như Nhà nước. Đồng thời, phải tăng cường xử lý vi phạm trông giữ xe, tư lợi cá nhân gây mất trật tự, ATGT, nhất là trong khu vực nội đô nơi áp lực đang gia tăng từng ngày từng giờ.

Minh Tường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tan-dung-quy-dat-cho-giao-thong-tinh.html