Tiền Giang: Gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 26 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm: 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên, 2 trung tâm GDNN và 12 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN. Những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp được các cơ sở GDNN, các trường nghề đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lên rõ rệt.HIỆU QUẢ TỪ VIỆC GẮN KẾT

Trường Cao đẳng Tiền Giang ký kết biên bản hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp vào cuối tháng 9 vừa qua.

Trường Cao đẳng Tiền Giang là một trong những cơ sở GDNN có quy mô đào tạo lớn của tỉnh với 22 ngành, nghề đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp. Xác định tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thời gian qua, trường đã có các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, nâng tổng số đơn vị có ký kết hợp tác đào tạo đến nay lên 30 doanh nghiệp.

Việc gắn kết giữa các trường trung cấp, cao đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tập trung vào các việc: Mời các doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia giảng dạy để cung ứng nguồn lao động theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đưa giáo viên đến doanh nghiệp tìm hiểu và thực tập tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực hành hoặc thực tập nghề nghiệp; doanh nghiệp tài trợ thiết bị và chuyển giao kỹ thuật cho giáo viên các trường trong đào tạo nghề; doanh nghiệp đưa máy móc, thiết bị đến các trường để phối hợp đào tạo nghề; doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề vào làm việc...

Ở góc độ doanh nghiệp có gắn kết với Trường Cao đẳng Tiền Giang, ông Trần Ngọc Khải, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng, đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp trường nghề và cho rằng, công ty đang rất quan tâm đến nhóm lao động này khi bước vào thị trường lao động.

Theo phân tích của ông Khải, mặc dù lực lượng lao động trẻ hiện nay nhanh nhẹn, tháo vát, nhưng kỹ năng mềm của một số sinh viên mới ra trường còn yếu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Chính vì vậy, ông Khải cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh các kiến thức chuyên ngành, trường cần quan tâm đến công tác đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên để các em có thể tiếp cận tốt trong môi trường làm việc hiện đại như hiện nay.

Ở Trường Đại học Tiền Giang, những năm gần đây, chất lượng đào tạo dần đáp ứng khá tốt những yêu cầu mà doanh nghiệp đòi hỏi khi tuyển dụng. Trường đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, hướng nghiệp cho sinh viên như: Xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tế của xã hội; hỗ trợ sinh viên thực hành thực tập; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường… Nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng thể hiện tốt năng lực, trình độ, có tinh thần cầu tiến, siêng năng trong công việc.

Các trường trung cấp khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng đào tạo gắn kết với doanh nghiệp. Trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công gắn kết trên 10 doanh nghiệp tiếp nhận thực tập và tuyển dụng học sinh tốt nghiệp vào làm việc các nghề may, cơ khí; hàn, điện công nghiệp và điện lạnh… Trường Trung cấp Nghề khu vực Cai Lậy duy trì sự gắn kết với Công ty TNHH Cơ điện lạnh Bình Minh Én, Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát (tỉnh Long An) ... trong tiếp nhận học sinh thực tập và tuyển dụng học sinh sau khi tốt nghiệp các nghề do trường đào tạo.

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP

Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác GDNN với doanh nghiệp, trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh việc phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong nhiều giải pháp đặt ra thì giải pháp gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN được xem là giải pháp có vị trí chiến lược quan trọng.

Tại Tiền Giang, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề, gắn kết với doanh nghiệp là đòi hỏi rất cấp thiết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Thực tế cho thấy, hiệu quả đào tạo GDNN của tỉnh đã có điểm nhấn tích cực. Một trong những điểm nhấn quan trọng là hầu hết học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Theo đó, trong năm 2022, học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng của các trường sau khi tốt nghiệp 2 tháng đã có việc làm trên 87%, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng theo từng ngành, nghề đào tạo.

Học viên trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sau khi tốt nghiệp khóa học đã có việc làm trên 94%, với thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/tháng theo từng nghề đào tạo.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các cơ sở GDNN phối hợp chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp, từ đó biết nên đào tạo gì, thị trường lao động đang cần gì, chứ không đào tạo một cách đơn lẻ, thiếu tính chiến lược.

Trong đó, vấn đề quan trọng là xây dựng thêm chương trình đào tạo các trình độ theo yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp để bổ sung thêm ngành, nghề đào tạo; cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu công nghệ, nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

Đ. PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202310/tien-giang-gan-ket-doanh-nghiep-voi-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-993532/