Tiền Giang: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của Tiền Giang là trên 6.111 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ.

Đến nay, Tiền Giang vẫn nằm trong tốp đầu của cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023, các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong 2 tháng cuối năm.

TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẠT TỐT

Xác định đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy đầu tư công.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công.

Qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ giải ngân của tỉnh luôn ở nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá trị giải ngân được 4.184 tỷ đồng, đạt 68,5% kế hoạch, tăng 16,5% so cùng kỳ.

Từ đó, trong những năm qua, Tiền Giang luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, các chủ đầu tư đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang được kế hoạch vốn giao năm 2023 là hơn 691 tỷ đồng để triển khai 12 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 8 dự án chuyển tiếp và 4 dự án khởi công mới. Đến hết tháng 10-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 96,3%.

Tiến độ đường tỉnh 864 đang đảm bảo tốt.

Cũng trong năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang được giao 11 dự án, trong đó, có 10 công trình do ban làm chủ đầu tư với 6 công trình chuyển tiếp và 3 công trình khởi công mới, 1 công trình đã quyết toán và 1 công trình nhận ủy thác.

Tổng vốn giao năm 2023 đến nay là hơn 602 tỷ đồng. Tổng giải ngân đến nay là hơn 591 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,2% vốn giao.

Những năm gần đây, Tiền Giang luôn thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với việc các ban quản lý dự án chuyên ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện đến nay đạt khoảng 83,3%. Do tỉnh mới bổ sung thêm nguồn vốn nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới giảm xuống so với tháng trước (đến tháng 10-2023 đạt khoảng 96%).

Trong đó, vốn xây dựng nông thôn mới đạt 98%; vốn cân đối địa phương đạt 56%. Địa phương cố gắng trong năm nay sẽ giải ngân đạt yêu cầu các nguồn vốn còn lại.

Còn theo Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Nguyễn Thành Công, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố là 429 tỷ đồng gồm: Vốn xây dựng cơ bản tập trung; vốn thu tiền sử dụng đất; vốn xổ số kiến thiết; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã giải ngân 69,2% kế hoạch, dự kiến cuối năm giải ngân sẽ đạt 100%.

TIẾP TỤC TĂNG TỐC

Giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023 là mục tiêu mà tỉnh đưa ra. Do đó, trong 2 tháng còn lại của nă 2023, các chủ đầu tư đang tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu trên.

Các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2023.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung, đến nay, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh do đơn vị làm chủ đầu tư đạt rất tốt.

Điển hình như Dự án Đường tỉnh 864 đến nay triển khai thi công phần xây lắp đạt hơn 50% tiến độ. Các gói thầu tiến độ được bảm đảo, một số hạng mục được đẩy nhanh về trước tiến độ như cầu Vàm Giồng. Các hạng mục khác đang được khẩn trương triển khai thi công, đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo Sở KH&ĐT, hiện nay, qua rà soát, tình hình giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 đối với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở KH&ĐT đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát tình hình thực hiện của các chương trình, dự án để đánh giá khả năng giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 và vốn xổ số kiến thiết hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ các xã nông thôn mới, các xã bãi ngang, ven biển và các phường, thị trấn (bổ sung có mục tiêu về huyện).

Qua đó, kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án sang các dự án khác (nếu có) nhằm đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn trên trong năm 2023.

Các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng theo chỉ đạo tại Công văn số 5743/UBND-TH ngày 21-8-2023 của UBND tỉnh.

Các đơn vị hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong trường họp không giải ngân hết toàn bộ kế hoạch vốn được giao trong năm 2023 để thực hiện chương trình được giao quản lý.

Riêng Dự án Đường phát triển Đồng Tháp Mười giai đoạn 1 hiện tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) sắp hoàn thành. Đơn vị và địa phương phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác GPMB trong năm 2023 để triển khai thi công trong năm 2024.

“Trong thời gian tới, khối lượng các công trình còn lại trong kỳ trung hạn còn nhiều, để hoàn thành công tác này, nội bộ đơn vị tiếp tục xem xét, bố trí lại cán bộ cho phù hợp.

Tại hiện trường, đơn vị sẽ tăng cường công tác giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ” - đồng chí Trần Minh Trung cho biết.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, tình hình đầu tư công của tỉnh đến thời điểm này tỷ lệ giải ngân đạt tốt. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, dự án cần phải quyết liệt từ nay đến cuối năm để có khối lượng và giải ngân hết nguồn vốn.

Nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể là Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 với nguồn vốn 459 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phải giải ngân trong năm 2023 hết 100% theo quy định.

Riêng Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, đến nay đã triển khai được 2 gói thầu. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn GPMB chưa giải ngân được. Do đó, TP. Mỹ Tho phải quyết liệt giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ để thực hiện công tác GPMB.

Riêng Dự án Đường phát triển Đồng Tháp Mười giai đoạn 1, đến thời điểm này đã điều chuyển vốn sang dự án khác chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 665 tỷ đồng đã có phương án phân bổ, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp có kế hoạch chuyển về Tiền Giang thì sẽ bố trí khoảng gần 200 tỷ đồng cho dự án này.

Do đó, Sở KH&ĐT đề nghị huyện Tân Phước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phải quyết liệt giải ngân nguồn vốn này.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đình Thông, liên quan đến nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, có những địa phương giải ngân rất tốt, nhưng cũng có địa phương giải ngân rất thấp. Do đó, các địa phương phải quyết liệt để giải ngân hết nguồn vốn này…

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/tien-giang-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-995759/